|
Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ giám sát việc thi công các dự án đường giao thông trên địa bàn, đảm bảo theo thiết kế. |
Nhìn nhận về vai trò cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền, ông Cầm Hà Chung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ khẳng định: Với vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Phú Thọ luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, thực hiện pháp luật của Nhà nước; không ngừng phát huy vị trí, vai trò, thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong quá trình hoạt động, MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên chủ động nắm bắt tình hình, tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền dưới nhiều hình thức và biện pháp tổ chức phù hợp để quần chúng nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tạo sự thống nhất cao giữa ý Đảng với lòng dân.
Trong công tác xây dựng Đảng, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ đã hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng nội dung cụ thể, tập hợp trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân... tham gia góp ý vào các dự thảo nghị quyết quan trọng của cấp ủy và văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần nâng cao chất lượng văn kiện bằng những ý kiến xác đáng, với tinh thần trách nhiệm cao; đồng thời phối hợp tổ chức quán triệt học tập các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, các văn bản của tỉnh và nghị quyết của Đảng bộ các cấp.
Bên cạnh đó, MTTQ đã phối hợp triển khai tốt công tác hiệp thương giới thiệu người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; hiệp thương lựa chọn, giới thiệu để HĐND bầu Hội thẩm TAND cấp tỉnh, huyện…tham gia và cho ý kiến về bổ nhiệm, tái nhiệm đối với các chức danh Thẩm phán TAND kiểm sát viên VKSND các cấp…
Để cụ thể hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương, MTTQ các cấp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức tốt việc tiếp xúc cử tri, đối thoại với nhân dân, nhất là ở những nơi có phát sinh mâu thuẫn, bất đồng liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, từ đó đề xuất biện pháp sát thực nhằm giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề nóng, bức xúc trong nhân dân. Từ những ý kiến của cử tri do Mặt trận tổng hợp đã phản ánh một cách toàn diện đến cấp ủy, chính quyền; giúp cấp ủy, chính quyền không ngừng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng đến sự hài lòng của Nhân dân.
Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ các cấp đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ông Bùi Xuân Vĩnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Khê khẳng định: Nội dung giám sát của MTTQ huyện triển khai luôn gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người dân, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Công tác giám sát được tổ chức dưới nhiều hình thức như giám sát độc lập, giám sát phối hợp…
Trong giai đoạn 2016-2019, MTTQ huyện Cẩm Khê đã phối hợp tổ chức trên 180 cuộc giám sát; các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện tổ chức 25 cuộc giám sát. Đặc biệt, các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng cũng đã tiến hành trên 300 cuộc giám sát; kiến nghị chính quyền cơ sở xử lý 65 vụ việc góp phần làm minh bạch quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí của các công trình, dự án đầu tư tại cộng đồng.
Ban thanh tra nhân dân (TTND) và Ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) là một trong những hình thức giám sát quan trọng của MTTQ ở cơ sở nhằm phát huy dân chủ trực tiếp, động viên Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc chấp hành, thực hiện chủ trương, chính sách của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân. Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng để đảm bảo đời sống pháp lý, giữ vững sự ổn định ngay từ cơ sở.
Ông Phạm Xuân Thư - Chủ tịch UBND xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy chia sẻ: Để các công trình, dự án triển khai trên địa bàn đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công cũng như các điều kiện cần thiết khác, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể xã đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCĐ. Thông qua hoạt động giám sát của các Ban, các dự án đầu tư xây dựng được đảm bảo kỹ, mỹ thuật và tiến độ... Qua công tác giám sát, cũng đã phát hiện những bất cập, kiến nghị kịp thời tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 277 Ban TTND với trên 2.400 thành viên; 277 Ban GSĐTCĐ với trên 2.100 thành viên. Trong giai đoạn 2014-2019, các Ban TTND giám sát 1.557 cuộc; Ban GSĐTCĐ giám sát 4.203 cuộc, kiến nghị xử lý 1.349 vụ việc sai phạm, góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở, làm minh bạch quản lý đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước, các dự án đầu tư tại cộng đồng,... tạo lòng tin trong nhân dân, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ vững ổn định tại địa phương.
Đối với nội dung phản biện, MTTQ chủ yếu tập trung vào dự thảo các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Phương pháp, hình thức phản biện được sử dụng linh hoạt, phù hợp với tính chất, nội dung của từng loại dự thảo văn bản… Do đó, nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát, phản biện được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc giải quyết. Các kiến nghị sau giám sát được tiếp thu, giải quyết với tỷ lệ cao, đạt trên 80%, các kiến nghị còn lại đều được quan tâm xem xét, giải quyết đảm bảo theo quy định. Đối với các ý kiến tại các hội nghị đối thoại trực tiếp đều được người đứng đầu các cấp tiếp thu, giải trình, làm rõ, thông qua đó, tạo môi trường dân chủ, cởi mở, gây dựng niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp nắm tình hình, xử lý đơn thư, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân được MTTQ và các tổ chức thành viên duy trì, thực hiện hiệu quả. Công tác hòa giải mâu thuẫn trong Nhân dân được Mặt trận quan tâm phối hợp thực hiện, góp phần tạo sự ổn định, gắn bó đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia giám sát, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của cán bộ, đảng viên…
“Việc xây dựng Đảng, chính quyền không chỉ là công việc của Đảng, của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân, bởi vậy, với vai trò của mình, MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, trọng dân lắng nghe, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền, làm cho Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của các cấp chính quyền, tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở” - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cầm Hà Chung nhấn mạnh.
Phương Thảo