Tin mới

Phản biện xã hội về các chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) - Ngày 22/11, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội.

Hà Giang: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Nâng cao hiệu quả phối hợp giám sát giữa Hội đồng nhân dân và MTTQ các cấp để xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả vì lợi ích chính đáng của Nhân dân

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu. 
15 quận, huyện không còn hộ nghèo
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP Hà Nội Hoàng Thành Thái, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, những năm qua, TP đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác an sinh xã hội, giảm nghèo. TP đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, TP còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù như: Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ hàng tháng; hỗ trợ chương trình sữa học đường cho trẻ em; hỗ trợ xây, sửa nhà ở…
Công tác giảm nghèo của TP được triển khai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Kết quả, TP đã hoàn thành trước 2 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020. Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của TP chỉ còn 0,21%; 15 quận, huyện không còn hộ nghèo, trong đó 2 quận không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Không những vậy, HĐND TP Hà Nội cũng đã ban hành các nghị quyết quy định chính sách đặc thù nhằm trợ cấp, hỗ trợ cho nhóm người thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tự lao động thoát nghèo và chính sách hỗ trợ hộ nghèo sau khi thoát nghèo, nhằm giảm nghèo bền vững.
Cụ thể, Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 3/7/2017 về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP, trong đó quy định chính sách trợ cấp hàng tháng cho người già yếu không có khả năng tự phục vụ và người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động là thành viên trong gia đình thuộc hộ nghèo của TP Hà Nội, với mức trợ cấp 350.000 đồng/người/tháng (bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội). Nhờ đó, trong giai đoạn 2016 – 2021, đã có 22.000 lượt người được trợ cấp hàng tháng với tổng số tiền 92,4 tỷ đồng.
Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 8/7/2019 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo ổn định cuộc sống. Với 4 chính sách đặc thù cho 4 loại đối tượng được thụ hưởng, Nghị quyết đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số người dân và sự đánh giá cao của các cơ quan kiểm tra, giám sát. Hiện, toàn TP có 8.520 người đang hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng; 10.504 người đang hưởng hỗ trợ bảo hiểm y tế; 11.766 người đang hưởng chính sách hỗ trợ giáo dục; 100 đối tượng được tiếp nhận vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Chính sách đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo; trong 2 năm (2019 – 2020) đã có 9.024 hộ thoát nghèo do được hưởng chính sách đặc thù của TP.
Tuy nhiên, chính sách nào cũng đến lúc phải thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Năm 2021, quy định về chuẩn nghèo được Chính phủ thay đổi; mức chuẩn trợ giúp xã hội của TP được nâng lên và những thay đổi về quy định của người được bảo trợ xã hội đã khiến những chính sách trước đây không còn phù hợp. Để đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đã đề ra, cần tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ thành viên hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để động viên, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Tại hội nghị, thay mặt UBND TP, đại diện Sở LĐTBXH TP Hà Nội đã trình bày dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ sau khi thoát nghèo, thoát cận nghèo để phù hợp với quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, với 4 chính sách.
Trong đó, chính sách hỗ trợ thứ nhất là hỗ trợ hàng tháng cho trẻ em dưới 13 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng và người mắc bệnh hiểm nghèo với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Chính sách hỗ trợ thứ hai là hỗ trợ hàng tháng cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ, với mức hỗ trợ hàng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội (440.000 đồng/người/tháng).
Chính sách hỗ trợ thứ ba về y tế: Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo; thành viên họ cận nghèo thoát cận nghèo, thời gian hỗ trợ 36 tháng. Chính sách thứ tư về giáo dục: Hỗ trợ 100% học phí và chi phí học tập 150.000 đồng/tháng cho trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông; là thành viên hộ gia đình nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo…

Hỗ trợ đúng đối tượng và minh bạch, công khai trong lộ trình thực hiện

Đưa ra ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đề nghị cần nâng mức tuổi được hưởng chính sách đối với trẻ em từ dưới 15 tuổi thay vì dưới 13 tuổi, vì theo quy định Luật Việc làm, đối tượng này vẫn chưa là đối tượng lao động, cần được quan tâm trợ giúp. Đối với đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, cần đưa ra những quy định cụ thể về mức độ nghiêm trọng của từng loại bệnh như ung thư, suy tim, bệnh hiểm nghèo khác để thống nhất trong hỗ trợ.
Đối với mức hỗ trợ hàng tháng cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ (440.000 đồng/người/tháng), các đại biểu đề nghị tăng mức hỗ trợ lên 500.000 đồng/người/tháng. Đối với chính sách hỗ trợ giáo dục, cần nghiên cứu có mức hỗ trợ riêng với những đối tượng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, cần có chính sách với những người cao tuổi ngoại tỉnh cư trú trên địa bàn; miễn giảm trợ giá điện nước, môi trường cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo...
Các đại biểu cũng đề xuất việc xây dựng Nghị quyết cần có những tiêu chí rõ ràng hơn và cần minh bạch, công khai trong lộ trình thực hiện, các tiêu chuẩn đánh giá và tăng cường giám sát từ cơ sở để tránh tiêu cực...
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu; đồng thời ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo, có sự đầu tư, tiếp thu các ý kiến đóng góp trong xây dựng văn bản dự thảo của UBND TP.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cũng khẳng định, những chính sách đặc thù của TP thời gian qua đã giúp đỡ rất nhiều cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ ngân sách còn hạn chế, chưa thể đáp ứng ở mức cao hơn so với toàn quốc, vì thế, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, đảm bảo không bỏ sót nội dung, không làm khó cơ sở, ai cũng có thể hiểu và tiếp cận. Ngoài ra, cần tiến hành rà soát, đánh giá, phân tích, tổng hợp số liệu về hộ nghèo, hộ thuộc diện chính sách một cách chính xác, đúng đối tượng. Tăng khảo sát tại cơ sở, tiếp tục hoàn thiện dự thảo để đến Kỳ họp tháng 12/2021, Nghị quyết được HĐND thông qua.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản