(Mặt trận) -Ngày 19/9, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Dự thảo Quy hoạch mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
|
Chủ trì Hội nghị. |
Góp ý vào Dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, ý kiến các chuyên gia nhận định, việc xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là rất cần thiết để đạt được mục tiêu bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học một cách bài bản, dài hạn, góp phần thực hiện các quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đa dạng sinh học, chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
|
Quang cảnh Hội nghị. |
Qua thảo luận, các giải pháp của các đại biểu xoay quanh việc quy hoạch phải hướng tới việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong thời kỳ quy hoạch; bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững đất nước…
Đối với Dự thảo Quy hoạch mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 ý kiến các chuyên gia cho rằng, những tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác quan trắc, đo đạc, giám sát, dự báo và cảnh báo thiên tai. Trong đó nguyên nhân do mật độ mạng lưới trạm quan trắc còn thưa và chưa được phân bố phù hợp để nắm bắt các hiện tượng khí tượng thủy văn.
|
Các chuyên gia, nhà khoa học góp ý tại Hội nghị. |
Các chuyên gia khuyến nghị việc lập quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn phải được tổng hợp, phân tích xem xét đánh giá đầy đủ nhằm phát huy những yếu tố thuận lợi, chủ động trước các thách thức để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới. Việc quy hoạch cần ưu tiên phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm HĐTV Khoa học - Giáo dục và Môi trường cho biết, sau hội nghị góp ý, những ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ được UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp để gửi tới các cơ quan, các bộ, ngành liên quan để hai dự thảo này sớm hoàn thiện và ban hành.
VŨ MẠNH