|
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu giải trình về công tác thanh tra; phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh VGP |
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, năm 2022, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về công tác thanh tra, thực hiện quy định của Luật thanh tra, hằng năm, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình định hướng thanh tra. Trên cơ sở đó thanh tra Chính phủ hướng dẫn các bộ, ngành và các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật tham nhũng, tiêu cực theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, khắc phục những bất cập, trên cơ sở đó kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên các lĩnh vực được thanh tra.
Trong quá trình chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra phải thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra cũng như xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra trong hệ thống thanh tra; phối hợp chặt chẽ với với Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan kiểm tra để xử lý chồng chéo trong hoạt động kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, nhất là tại các doanh nghiệp.
Thứ hai, thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũn,g tiêu cực; các nghị quyết của Quốc hội và căn cứ vào tình hình thực tế thì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra tập trung thực hiện thanh tra trong một số lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm như: Đầu tư xây dựng cơ bản; sử dụng tài sản công sử dụng ngân sách nhà nước; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; đất đai; tài chính, chứng khoán, ngân hàng,…
Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trực tiếp là cho ý kiến chỉ đạo đối với các kết luận thanh tra và các báo cáo xử lý sau thanh tra, nhất là đối với những nội dung và những vấn đề phức tạp cần có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và các địa phương; đã chỉ đạo xử lý nhiều kết luận thanh tra và xử lý thanh tra đạt kết quả rất là tốt, xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân có vi phạm.
Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã tăng cường đôn đốc thực hiện kết luận và kiến nghị thanh tra, đảm bảo kết luận, kiến nghị thanh tra được các cơ quan, các tổ chức, đơn vị thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ, nhất là kiến nghị xử lý, thu hồi tài sản cho Nhà nước; kiến nghị xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân; chuyển các hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật; chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở bất cập trong công tác quản lý nhà nước…
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong phiên chất vấn ngày hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; yêu cầu nêu rõ những hạn chế, phân tích nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 9 tháng đầu năm 2022 thì toàn ngành thanh tra đã thực hiện trên 5.000 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra; trong đó có trên 3.000 kết luận đã được thực hiện 100%, chiếm trên 61% số kết luận đã được đôn đốc. Về số tiền, đã thu hồi trên 60%, có thể nói đây là một nỗ lực rất lớn.
Về cơ bản, các kết luật thanh tra (sản phẩm cuối cùng của công tác thanh tra) đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn có kết luận thanh tra chất lượng chưa cao, các kiến nghị chưa rõ. Để khắc phục tình trạng này cần nâng cao chất lượng công tác thanh tra. Theo đó, cần phải hoàn thiện thể chế; đồng thời cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra; các quy trình, quy chế thanh tra phải được quy định một cách chặt chẽ, đầy đủ.
Thứ tư, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án về đất đai liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm tra và các bản án tại một số địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa), Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Tổ trưởng để kiểm tra, xem xét, chỉ đạo; đồng thời, xây dựng Đề án của Ban cán sự đảng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án để báo cáo, trình xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Hiện nay, cơ bản các cơ quan đã hoàn thiện đề án và đã dự thảo tờ trình Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo.
Thứ năm, về xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật, Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra, khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về thanh tra hiện nay để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra. Đến nay, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được hoàn thiện và trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp này.
"Đây là một trong những giải pháp sẽ góp phần rất tích cực trong việc mà xử lý và giải quyết tiến độ cũng như kết luận thanh tra chậm:, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm song song với quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tham nhũng và các nhiệm vụ, giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.
Kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; các biện pháp về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
Thực hiện Chương trình công tác của Bộ Chính trị và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo chuyên đề của Ban cán sự đảng Chính phủ về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tham mưu hoàn thiện các quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước nhằm kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành các nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo đảm thực hiện được mục tiêu ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; phê duyệt Định hướng xác minh tài sản, thu nhập hằng năm và giao Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đánh giá trong công tác phòng, chống tham nhũng tại các Bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021" từ đó có giải pháp chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhằm từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này, gắn việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với giáo dục đạo đức, lối sống liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; tập hợp, tổng hợp, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; đề cao vai trò của mặt trận Tổ quốc các cấp và các thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí có nhiều bài viết, chuyên đề, phóng sự tuyên truyền, lan tỏa các chủ trương, chính sách về những kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
Bên cạnh các kết quả đạt được, trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái xin tiếp thu các ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu và chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới./.
Theo VGP