Tin mới

Phú Yên: Phản biện xã hội - kênh thông tin quan trọng trong quy trình lập pháp

(Mặt trận) -Thực hiện việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật, trong những năm qua, MTTQ tỉnh Phú Yên ngày càng chú trọng, chủ động hơn trong nghiên cứu đề xuất, tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Dân giám sát, dân thụ hưởng ở Tuyên Quang

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Ninh Bình

Đổi mới nội dung giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tăng cường công tác phối hợp

Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên vừa liên tục tổ chức các hội nghị phản biện xã hội (PBXH), gồm dự thảo Nghị quyết Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỉ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Dự thảo Quyết định ban hành Quy định cụ thể một số chỉ tiêu, tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỉ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

 Một đại biểu tham gia góp ý vào dự thảo nghị quyết tại một hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên vừa tổ chức.

Các hội nghị PBXH đã huy động sự tham gia tích cực của đại diện các tổ chức thành viên của mặt trận, các chuyên gia, người có nhiều kinh nghiệm... Thông qua các hội nghị PBXH, cơ quan chủ trì soạn thảo lắng nghe nhiều ý kiến phản biện đa chiều, phong phú, sâu sắc vào các vấn đề cốt lõi, quan trọng, được dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, thông qua MTTQ và các tổ chức thành viên, thông tin về nội dung của các dự thảo văn bản được lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội trước khi được thông qua.

Ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên cho hay: Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để MTTQ tham gia góp ý kiến; tiếp thu và phản hồi kiến nghị của MTTQ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong hoạt động PBXH của MTTQ với cơ quan chủ trì soạn thảo, nhất là sự tham gia đầy đủ của cơ quan phản biện trong các công đoạn soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền dự thảo văn bản; việc tiếp thu, giải trình ý kiến PBXH được xác định là nhiệm vụ bắt buộc. Các cơ quan thẩm định, thẩm tra, xem xét thông qua tăng cường sự quan tâm, lưu ý tới ý kiến PBXH trong quá trình xem xét, đánh giá nội dung, chất lượng của dự thảo văn bản.

Kênh thông tin quan trọng

PBXH trong hoạt động lập pháp đặt trọng tâm vào những nội dung lập pháp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền và trách nhiệm của MTTQ và về vấn đề quan trọng khác liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, trong thời gian qua, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh luôn theo dõi sát, đôn đốc kịp thời việc tiếp thu, phản hồi ý kiến của các cơ quan, tổ chức được PBXH và kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, ban thường trực ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung đẩy mạnh thực hiện chức năng PBXH, tổ chức 71 hội nghị PBXH, PBXH bằng văn bản 148 dự thảo và 3 hội nghị PBXH bằng hình thức đối thoại trực tiếp. Các ý kiến tham gia PBXH và góp ý các dự án, dự thảo được tổng hợp, phản ánh đầy đủ đến cơ quan chủ trì soạn thảo, các đơn vị triển khai các dự án nghiên cứu, tiếp thu trước khi ban hành và thực hiện.

ThS Nguyễn Hoài Sơn, thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế - văn hóa - xã hội Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên cho biết: MTTQ tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện PBXH, nhất là đối với các dự thảo văn bản của UBND, HĐND tỉnh có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và quyền, trách nhiệm của MTTQ. Qua đó, phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp với thực tế cũng như với quy định của pháp luật và chủ trương của Đảng. Từ đó, có kiến nghị điều chỉnh, bổ sung, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp, đáp ứng với đòi hỏi thực tiễn. “Nhiều ý kiến PBXH của MTTQ tỉnh, thành viên các tổ chức tư vấn đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành; đồng thời tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Nhân dân”, ThS Nguyễn Hoài Sơn nhấn mạnh.

Thông tin thêm về một số nhiệm vụ cụ thể mà Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên sẽ tập trung thực hiện để phát huy vai trò giám sát và PBXH của MTTQ trong thời gian tới, ông Hồ Hồng Nam cho biết sẽ ưu tiên đối tượng thụ hưởng, đối tượng chịu tác động của văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, dự án… để các ý kiến phản biện phản ánh được sâu rộng hơn ý chí, mong muốn của các tầng lớp Nhân dân trong xã hội.

THÚY HẰNG

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản