(Mặt trận) - Sáng ngày 26/5/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ông Võ Xuân Ca- UVBTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.
|
Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội nghị |
Thành phần mời tham dự hội nghị gồm Sở Tài nguyên- Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo, Ban Pháp chế, Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Liên hiệp các Hội khoa học- kỹ thuật tỉnh, các tổ chức chính trị- xã hội, Trung tâm bồi thường giải phóng mặt bằng BQL khu kinh tế mở Chu Lai, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, Công ty CP- Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam; thành viên các Hội đồng tư vấn về Dân chủ- Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện và đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất, Ban Quản lý- Dự án quỹ đất ở một số địa phương.
Khai mạc Hội nghị, ông Võ Xuân Ca- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là vấn đề luôn luôn nóng liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, thời gian qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng như các cơ quan thực thi pháp luật tiếp nhận đơn thư khiếu nại của người dân về vấn đề này nhiều. Vì vậy, ông đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung nghiên cứu thực hiện phản biện đảm bảo giữ vững quan điểm khoa học, khách quan, không mặc định để tìm hướng giải quyết hài hòa giữa lợi ích Nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước, nhưng đặc biệt quan tâm đến lợi ích hợp pháp cho người dân. Các cơ quan tham mưu và thực hiện chính sách, pháp luật phải lắng nghe và có ý kiến nêu lên những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện để đại biểu dự Hội nghị có cái nhìn tổng thể tham gia phản biện đảm bảo đúng pháp luật, đạt hiệu quả.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nêu lên một số câu hỏi và định hướng để Hội nghị thảo luận: Đó là sự cần thiết để ban hành quy định trong giai đoạn này không? Những nội dung sửa đổi trong dự thảo có chắc chắn hạn chế được những bất câp lâu nay hay không? Góp ý nên tập trung vào những bất cấp, những vấn đề chưa hợp lý về quy định hỗ trợ, bồi thường, tái định cư; nguyên tắc xác định giá, trình tự thủ tục thu hồi đất, bố trí tái định cư; lập phương án thu hồi đất, bố trí tái định cư.
Hội nghị đã có 8 đại biểu là những thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, những người đã từng công tác và hiện đang công tác trong các cơ quan tư pháp, các cơ quan trực tiếp thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh tham gia ý kiến với hơn 50 vấn đề liên quan.
Ông Phan Khắc Chưởng- Chủ nhiệm Hội Luật Gia, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nêu lên những bất cập trong quá trình giải quyết bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cho người dân mà ông nắm được trong quá trình đi khảo sát thực tế. Ông cho rằng: Dự thảo lần này đã sửa đổi một số nội dung phù hợp với thực tiễn, áp giá sát giá đất hiện hành… Tuy nhiên trong toàn bộ dự thảo cần phải xem xét sửa đổi một số nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người dân. Dự thảo chưa quan tâm đến phương án lập quỹ đất tái định cư trước khi thực hiện giải phóng mặt bằng; chưa quy định về mức trượt giá từ khi bồi thường đến khi giao đất do lỗi của Nhà nước và doanh nghiệp khi triển khai dự án; nhiều nội dung quy định trong dự thảo sai với quy định của Luật đất đai. Ông trăn trở: Cái gì có lợi cho người dân và đảm bảo pháp luật thì cần phải sửa ngay không chậm trễ, không chờ Luật mới ra đời. Chủ thể được bồi thường chủ yếu là người nông dân, cuộc sống họ rất khó khăn vì vậy cần phải quan tâm để họ có cuộc sống tốt hơn khi bị thu hồi đất. Muốn vậy, Nhà nước cần phải quan tâm sửa đổi giá đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp để làm sao người dân có điều kiện mua được đất, làm được nhà trên chính nơi họ sinh sống và gắn bó lâu nay.
Bà Lưu Lan- Chủ nhiệm Đoàn Luật sư ý kiến: Việc xác định loại đất là một vấn đề gây vướng mắc lâu nay dẫn đến người dân khởi kiện nhiều. Vì vậy cần có sự thống nhất trong việc xác định loại đất đảm bảo đúng quy định Luật Đất đai.
Ông Nguyễn Hữu Tiến- Phó giám đốc Trung tâm bồi thường, giải phóng mặt bằng BQL khu kinh tế mở Chu Lai trực tiếp tham gia giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư nên ông đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai để cơ quan dự thảo nghiên cứu, xem xét tránh những quy định bất hợp lý, cụ thể như: Việc hỗ trợ, bố trí tái định cư, bồi thường công trình hạ tầng kỹ thuật, quy định thời gian, quá trình chi trả tiền bồi thường…
Ông Nguyễn Trường Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường ghi nhận những ý kiến đóng góp, phản biện của đại biểu. Ông khẳng định: Với mong muốn của cơ quan soạn thảo là làm sao khi chính sách ban hành đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân theo pháp luật quy định, vì vậy Sở Tài nguyên- Môi trường rất mong nhận được nhiều ý kiến góp ý chân thành của các chuyên gia, các cơ quan tư pháp … nhằm giúp Sở có cái nhìn tổng quát khi xây dựng chính sách tương đối đi vào lòng dân, tạo sự đồng thuận xã hội cao.
Các chuyên gia được mời phản biện hôm nay là những người am hiểu, kinh nghiệm trong các lĩnh vực, có nhiều góc nhìn toàn diện từ chuyên môn tham mưu, trực tiếp thực hiện đến thực tế trong đời sống xã hội…Đó sẽ là cơ sở giúp cơ quan dự thảo điều chỉnh, sửa đổi những điều bất hợp lý nhưng vẫn dựa trên nền tảng của quy định cũ với mục đích làm sao khi xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả để người thực hiện dễ làm, quyền lợi dân được thỏa đáng, tạo một xã hội đồng thuận thì mới xây dựng tỉnh Quảng Nam ngày càng phát triển. Đó là ý kiến của Ông Võ Xuân Ca- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, ông Võ Xuân Ca chân thành cảm ơn các vị Ủy viên Ủy ban đang công tác trong lĩnh vực tư pháp, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã dành thời gian nghiên cứu, khảo sát để tham gia ý kiến một cách khoa học, khách quan, thuyết phục… Ông mong muốn cơ quan soạn thảo nên tổ chức nhiều Hội nghị ở nhiều cấp để lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, có được nhiều nguồn tin để từ đó xây dựng quy định đạt kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, công tác dân vận vẫn là phương án hữu hiệu tạo được sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh./.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam