Tin mới

Quyền làm chủ của Nhân dân tiếp tục được phát huy trong thời kỳ mới

(Mặt trận) - Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới cho thấy, mở rộng dân chủ và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng của phát triển đất nước. Dân chủ ở nước ta có nghĩa dân là chủ và dân làm chủ. Dân chủ không chỉ có ý nghĩa khẳng định vị thế của người dân được làm chủ, là người chủ, mà cơ bản nhất còn phải được bảo đảm bằng chính năng lực làm chủ và quyền làm chủ thật sự của mỗi người dân. Bài viết đề xuất những giải pháp cốt lõi để nâng cao quyền làm chủ cho người dân, từ đó xây dựng xã hội dân chủ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông 2018  

Dân chủ ở nước ta có nghĩa dân là chủ và dân làm chủ. Đây là điều cốt yếu nhất, không chỉ nói lên vị thế chính trị của người dân, mà còn nói lên tính ưu việt của một chế độ, một xã hội tiến bộ, văn minh. Một xã hội để người dân không có năng lực làm chủ, cũng có nghĩa người dân không biết dùng quyền làm chủ của mình thì xã hội đó có nói bao nhiêu điều tốt đẹp về dân chủ, làm chủ cũng không có ý nghĩa.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định và đề cao vai trò của quần chúng nhân dân. Đây là một trong những tư tưởng hết sức quan trọng. Nó quy định bản chất của chế độ ta là nhà nước dân chủ nhân dân, là nền dân chủ nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân. Chính vì vậy, ngay sau khi bước vào công cuộc đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta đã khẳng định:

“Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”1. Về thực chất, đây chính là sự phát triển và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “dân là gốc”, “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Điều đáng chú ý nhất trong tư tưởng của Người khi nói về dân chủ và dân làm chủ chính là phải làm sao để người dân biết hưởng quyền làm chủ, đồng thời phải biết dùng quyền làm chủ của mình:

“Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”2.

Rõ ràng, chỉ với đôi lời ngắn gọn, Người đã cho thấy thực chất của nền dân chủ nước ta. Đây là đỉnh cao của một nền dân chủ mới, mà ở đó người dân là chủ thể gốc của quyền lực. Nó cũng chính là thước đo, tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá mức độ dân chủ hay không dân chủ, tiến bộ hay không tiến bộ của một chế độ, một xã hội. Trải qua nhiều nền dân chủ đã có trong lịch sử, nền dân chủ mà Đảng và Nhà nước ta đang lãnh đạo, thực hiện tập trung xây dựng là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Đây là nền dân chủ nhân dân do số đông quy định, dân chủ cho Nhân dân, dân chủ lấy người dân làm trung tâm. Về thực chất, đây là một hình thức chính trị nhà nước. Nói cách khác, dân chủ là quyền lực của Nhân dân, do Nhân dân tổ chức thành nhà nước, uỷ quyền cho Nhà nước. Đến lượt mình, thông qua Hiến pháp, pháp luật, thể chế chính trị, Nhà nước lại thừa nhận, công nhận quyền công dân, thừa nhận dân là chủ, dân làm chủ thể của quyền lực.

Nền dân chủ nói trên được thống nhất trong một cơ chế tổng thể chung là hệ thống chính trị, bao gồm: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nói trên không ngoài mục đích nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân.

Với ý nghĩa như vậy, Nhân dân mới là những người làm chủ Nhà nước, làm chủ xã hội thật sự và toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị là không ngoài mục đích này. Nguời dân không chỉ được thừa nhận là người làm chủ, mà vấn đề cơ bản hơn còn phải để người dân biết dùng quyền làm chủ của mình một cách thật sự đúng đắn và có hiệu quả.

Thực tế trong nhiều năm qua, quyền làm chủ của Nhân dân đã và đang được Đảng, Nhà nước thể chế hoá thành các nguyên tắc, chuẩn mực mang tính nhà nước và pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động, vận hành của Nhà nước cũng như các thiết chế chính trị khác, như thực hiện tuyên truyền vận động, kiểm tra giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội được thống nhất trong hệ thống chính trị chung tạo nên chế độ dân chủ lành mạnh, rộng mở và tiến bộ.

Sự phát triển lành mạnh, rộng mở và tiến bộ của dân chủ đến đâu tuỳ thuộc vào trình độ sự phát triển của kinh tế - xã hội, vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp hoạt động tích cực của hệ thống chính trị nói chung được thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cùng với sự phát triển của cách mạng, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều thay đổi từ trong nhận thức đến hành động, tập trung làm rõ và tổ chức cho Nhân dân thực hiện, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, kết hợp chặt chẽ dân chủ ở cấp Trung ương với thực hiện dân chủ ở cơ sở, dân chủ đại diện với dân chủ trực tiếp.

Trên lĩnh vực dân chủ đại diện, Nhân dân đã được sử dụng quyền lực nhà nước bằng việc bầu ra người đại diện cho mình tham gia làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Bản thân các đại biểu do Nhân dân bầu chọn ra cũng ngày càng thể hiện rõ hơn quyền lực được Nhân dân giao phó, đại diện cho ý chí và nguyện vọng Nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân.

Trên lĩnh vực dân chủ trực tiếp, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã động viên và tổ chức cho đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước và xã hội:

Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; giữ gìn và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hoạt động tự quản thông qua quy ước, hương ước, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”;

Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên… Đây là những việc làm rất tích cực có ý nghĩa to lớn, góp phần phát huy được tối đa nội lực, ý chí tự lực, tự cường của cả hệ thống chính trị, đông đảo các tầng lớp nhân dân, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và đối ngoại, mà còn góp phần mở rộng, nâng lên tầm cao mới nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong đời sống xã hội, dân chủ và pháp luật, dân chủ và kỷ cương ngày một gắn bó chặt chẽ với nhau hơn. Đặc biệt, dân chủ xã hội chủ nghĩa đã có tác động tích cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó dân chủ về kinh tế có những bước tiến rõ ràng nhất.

Nhờ dân chủ rộng mở đã tạo điều kiện, tiền đề và động lực cho mở rộng quyền tự chủ của kinh tế nhiều thành phần, bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và phát huy năng lực các thành phần kinh tế, khẳng định quyền người dân được tự do phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đóng góp làm giàu cho quê hương, đất nước. Và khi dân chủ được mở rộng, phát triển lại có tác động trở lại góp phần củng cố, phát triển và hoàn thiện hệ thống chính trị. Trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo hệ thống chính trị, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng ngày một đoàn kết, gắn bó, phối hợp với nhau tốt hơn, hiệu quả và thực chất hơn.

Tuy nhiên, nhìn lại hơn 35 năm đổi mới đất nước, thực hiện và thực hành dân chủ cho thấy vẫn còn hạn chế, nhất là về năng lực làm chủ và trong việc dùng, phát huy đúng, hiệu quả quyền làm chủ của người dân.

Việc xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân vẫn còn thiếu và chưa có sự đồng bộ. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và một bộ phận người dân về dân chủ xã hội chủ nghĩa còn chưa thật thấu đáo, chưa có sự thống nhất cao.

Một trong những nguyên tắc hết sức cơ bản về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, trong đó có nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Tổ chức và hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước, hệ thống chính trị nói chung cần được thể chế hoá, phân định thật cụ thể, đầy đủ. Nói cách khác, chúng ta vẫn chưa xây dựng, làm sáng tỏ đầy đủ cơ sở lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong cơ cấu chung của hệ thống chính trị.

Trên thực tế, hệ thống pháp luật chưa bao hết và chi phối đầy đủ hoạt động của các cơ quan nhà nước. Một số vấn đề cơ bản, quan trọng liên quan đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, nhất là những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống, pháp luật cần điều chỉnh hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân.

Nhìn từ phía người dân, tư tưởng về dân chủ, nhất là quyền và lợi ích của dân chủ, làm chủ liên quan cụ thể đến người dân chưa được thấm sâu, bám chắc, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên với tư cách là những người thực thi dân chủ đến người dân là người được thụ hưởng những lợi ích từ dân chủ mang lại.

Bên cạnh tệ quan liêu, thiếu trách nhiệm, cố tình làm sai của một bộ phận cán bộ trong thực thi pháp luật, thực thi công vụ, còn có lỗi từ chính người dân do thiếu hiểu biết pháp luật đã không biết tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình.

Quy chế dân chủ ở cơ sở được ban hành và đưa vào thực hiện đã hơn hai thập kỷ, song nhiều nội dung chưa thật thấm sâu, là cơ sở để người dân dựa vào đó thực hiện và phát huy quyền làm chủ của mình. Phát huy dân chủ bằng việc để người dân biết sử dụng có hiệu quả quyền làm chủ của mình liên quan rất chặt chẽ đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ này.

Dân chủ và dân làm chủ, đặc biệt là để người dân biết dùng quyền làm chủ một cách đúng đắn và hiệu quả còn rất nhiều việc phải làm. Thực hành dân chủ chính là “chiếc chìa khoá vạn năng” như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát triển và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thực hành dân chủ đồng nghĩa với lời nói phải đi đôi với việc làm, để người dân biết dùng đúng và hiệu quả quyền làm chủ của mình cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đổi mới và đẩy mạnh một bước công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân chủ, làm chủ đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đồng thời phải nâng cao dân trí và tạo mọi điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn kiến thức mở qua nhiều hình thức như:

Trao đổi, học tập kinh nghiệm, hình thành các câu lạc bộ, nhóm đọc sách; tổ chức thăm quan, học tập mô hình, điển hình tiên tiến… Thông qua đó, người dân từng bước nâng cao trình độ, hiểu biết về dân chủ và làm chủ.Điều quan trọng là cần có sự phối hợp đồng bộ của tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng hướng đến người dân để không bỏ sót, bỏ rơi bất cứ một ai.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của người dân cùng tham gia tuyên truyền lẫn nhau để nâng cao nhận thức, thấu hiểu đầy đủ các vấn đề về dân chủ, làm chủ. Ngoài trang bị kiến thức về dân chủ, làm chủ còn phải trang bị thêm cho người dân về phương pháp, kỹ năng xử lý vấn đề để khi cần họ có thể tự đứng lên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Thứ hai, dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, trước hết và chủ yếu được thực hiện bằng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, nên bên cạnh việc xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy nhà nước, phải nghiên cứu sớm bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về dân chủ, làm chủ. Trước mắt, tập trung bổ sung hoàn chỉnh các văn bản pháp quy liên quan đến những lĩnh vực quan trọng, cấp thiết của đời sống xã hội đang đặt ra như:

Chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, chính sách về sở hữu và sử dụng đất đai, tài chính ngân hàng, trách nhiệm và quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động… trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, phải quan tâm nâng cao trình độ và năng lực thi hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan pháp luật, đi đôi với đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, để người dân biết dùng quyền làm chủ của mình, vấn đề mấu chốt phải thực hành dân chủ rộng rãi. Thực hành dân chủ là đưa toàn bộ những chủ trương, chính sách, pháp luật, những kiến thức mới và hiểu biết về dân chủ, làm chủ vào trong thực tế cuộc sống. Trách nhiệm trước hết là của cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị từ cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến các đoàn thể chính trị - xã hội.

Cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ, mình là người được dân uỷ quyền thực hiện quyền lực nhà nước, thực thi công vụ, trong đó có thực hành dân chủ. Tuy nhiên, muốn thực thi quyền lực, thực thi công vụ cũng như thực hành dân chủ cho có hiệu quả phải phát huy được vai trò kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội. Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát mang tính tập thể, có tổ chức còn phải phát huy được vai trò từng người dân tham gia vào công việc hữu ích này, bởi họ chính là “tai mắt” tốt nhất cho Đảng, Nhà nước.

Thứ tư, để xã hội có dân chủ và người dân được làm chủ, biết dùng quyền làm chủ của mình, liên quan mật thiết đến trách nhiệm tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu là trong Đảng phải thực hành dân chủ trước. Đây phải được xem là ý thức thường trực, là trách nhiệm của mỗi cấp uỷ Đảng từ Trung ương đến từng địa phương cơ sở, mọi cấp, mọi ngành.

Mỗi cán bộ, đảng viên, hơn ai hết ngoài gương mẫu thực thi công vụ, là người đày tớ, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, còn phải gương mẫu thực hành dân chủ làm tấm gương sáng cho quần chúng Nhân dân học theo, làm theo.

Cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao thì yêu cầu trách nhiệm chăm lo dân chủ, làm chủ cho Nhân dân càng phải lớn; sự nỗ lực, gương mẫu về thực hành dân chủ càng phải nhiều, phải cao. Xã hội có dân chủ hay không, quyền làm chủ của người dân có được phát huy đầy đủ, người dân có biết dùng quyền làm chủ của mình một cách đúng đắn và có hiệu quả hay không đang hiển hiện trong cuộc sống, không chỉ cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước; sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà còn là thước đo cho việc xây dựng nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân mà Đảng, Nhà nước đang nỗ lực thực hiện.

Chú thích:

1.   Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 19.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập: Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5, tr, 698.

Lê Đình Hồng - Thạc sĩ, Học viện An ninh Nhân dân.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản