|
Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát tại UBTW MTTQ Việt Nam
|
Trong năm 2021, MTTQ Việt Nam các cấp đã thực hiện các nội dung giám sát như: Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp (theo Quy định số 101- QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng); giám sát công tác đối thoại của người đứng đầu cấp ủy với Nhân dân; giám sát về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú (theo Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị).
Trong quá trình thực hiện giám sát, Mặt trận các cấp chú trọng lựa chọn giám sát các nội dung phù hợp, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, đồng thời phát huy giám sát của Nhân dân trong triển khai thực hiện.
Tạo điều kiện cho Nhân dân biết, nhận diện và tham gia giám sát
Trong giám sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết các thông tin, phản ánh liên quan đến cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ do MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chuyển đến các cấp ủy, chính quyền, tổ chức cơ sở đảng, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thực hiện giám sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết các thông tin, phản ánh liên quan đến cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ do MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh chuyển đến cấp ủy.
Nhiều địa phương, Mặt trận cơ sở đã tổ chức đặt hòm thư tiếp nhận phản ánh của Nhân dân ở 100% các khu dân cư, lập sổ theo dõi mở hòm thư tiếp nhận thông tin phản ánh của Nhân dân và các kênh khác theo quy định; chỉ đạo các khu dân cư thực hiện việc niêm yết 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa”, 19 điều quy định đảng viên không được làm tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, nơi sinh hoạt cộng đồng để tạo điều kiện cho Nhân dân biết, nhận diện và tham gia giám sát.
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã thường xuyên chú trọng công tác tiếp nhận, lắng nghe ý kiến phản ánh của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân để kịp thời phát hiện, xem xét, xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong thực thi công vụ và đạo đức nghề nghiệp. Việc xem xét, xử lý, giải quyết trên tinh thần xây dựng, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch.
Qua tổng hợp nhận thấy các thông tin, phản ánh liên quan đến cán bộ, đảng viên do Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chuyển đến đều được cấp ủy các cấp xử lý kịp thời đồng thời có thông báo cho Mặt trận theo đúng quy định. Năm 2020, cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng các cấp đã tiếp nhận 5.205 ý kiến phản ánh của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, qua xem xét, nghiên cứu cấp ủy, chính quyền các cấp đã có 4.879 văn bản thông báo kết quả cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (đạt tỷ lệ 93.7%).
Không phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về công tác tuyển dụng
Đối với việc giám sát việc thực hiện các quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, qua giám sát nhận thấy, việc tuyển dụng cơ bản đúng quy trình theo quy định Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008, Luật viên chức năm 2010; các Nghị định của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ… Hằng năm, các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, yêu cầu các cơ quan, đơn vị đăng ký nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức, cấp ủy, chính quyền các địa phương có quyết định phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức đồng thời thông báo tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành lập hội đồng, thành lập các ban của Hội đồng để tổ chức tuyển dụng theo đúng quy định, giao các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện quy trình tuyển dụng trong đó chú trọng giám sát việc tuyển dụng công chức, viên chức.
Theo báo cáo của các địa phương trong năm 2020: Công chức được tuyển dụng là 5.585 người trong đó các đơn vị cấp tỉnh tuyển dụng 3.559 người, thông qua thi tuyển là 2.450 người, thông qua xét tuyển là 641 người, hình thức khác là 468 người; thuộc các đơn vị cấp cấp huyện tuyển dụng 2.026 người thông qua thi tuyển là 1.213 người, thông qua xét tuyển là 813 người.
Tổng số công chức xã được tuyển dụng là 694 người, thông qua thi tuyển là 298 người, thông qua xét tuyển là 396 người. Viên chức được tuyển dụng là 55.439 trong đó các đơn vị cấp tỉnh tuyển 29.616 người, thông qua thi tuyển 8.001người, thông qua xét tuyển 21.503 người, hình thức khác 112 người; thuộc các đơn vị cấp huyện tuyển 25.823 người, thông qua thi tuyển 8.541 người, thông qua xét tuyển 17.906 người. Tuyển dụng hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 4623 người cấp tỉnh là 1.140 người, cấp huyện là 3.483 người.
Việc thực hiện quy trình tuyển dụng công chức, viên chức cơ bản qua hình thi tuyển và xét tuyển, đúng tiêu chuẩn, quy trình. Hình thức thi tuyển đảm bảo qua 2 vòng thi, chú trọng thi môn nghiệp vụ chuyên ngành, thể hiện được kiến thức, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển công chức, viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cần tuyển dụng...
Việc tuyển dụng theo đúng vị trí việc làm và phù hợp với bằng cấp chuyên môn được đào tạo và yêu cầu công tác, mục tiêu nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trẻ, ngày càng có trình độ, năng lực, đáp ứng với tình hình mới. Một số địa phương căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển để xem xét, tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Việc ký kết hợp đồng lao động cũng cơ bản đảm bảo đúng chỉ tiêu, trình độ, phù hợp với nhiệm vụ. Trong quá trình tuyển dụng công chức, viên chức và hợp đồng lao động không phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dự tuyển. Một số địa phương do tình hình thực tế trong năm 2020 không thực hiện công tác tuyển dụng cán bộ, công chức.
Minh bạch, chặt chẽ, thận trọng trong quá trình bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ
Theo báo cáo của các địa phương năm 2020, ở các cơ quan cấp tỉnh bổ nhiệm các chức danh quản lý 4.581 người trong đó bổ nhiệm là 3.086 người, bổ nhiệm lại là 1.495; Các cơ quan cấp huyện bổ nhiệm các chức danh quản lý là 13381người, trong đó bổ nhiệm 7149 người, bổ nhiệm lại là 6348 người; Các cơ quan cấp xã bổ nhiệm 6.797 người.
Công tác bổ nhiệm cán bộ của các địa phương cơ bản được thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ, thận trọng, hạn chế tối đa tình trạng chạy chức, chạy quyền, tạo môi trường cho cán bộ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành. Quy trình bổ nhiệm cán bộ thực hiện áp dụng theo Quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, đội ngũ cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Việc thực hiện bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ theo đúng các văn bản hướng dẫn của Đảng, Nhà nước và đúng phân cấp của tỉnh, huyện. Quy trình bổ nhiệm được thực hiện nghiêm túc, rà soát kỹ từng trường hợp, cán bộ được bổ nhiệm cơ bản đều đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, hầu hết không có đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ.
Trong quá trình giám sát, khi phát hiện những vấn đề thiếu sót, chưa rõ, bộ phận chuyên môn của cơ quan MTTQ Việt Nam các cấp đã kịp thời trao đổi với cấp ủy, chính quyền một số địa phương để nắm bắt thêm thông tin, đề nghị giải trình từng trường hợp và đề nghị rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Đối với trường hợp cán bộ có dấu hiệu vi phạm về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp kịp thời ban hành công văn đề nghị cấp ủy địa phương rà soát để xử lý đúng quy định.
Qua giám sát các địa phương báo cáo cấp tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 4.942 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức. Cấp huyện tổng số 3.362/3956 trường hợp trong diện chuyển đổi vị trí công tác (đạt 84,9%), còn 594 trường hợp chưa chuyển đổi (chiếm 15,1%).
Nhìn chung, công tác chuyển đổi vị trí việc làm được cấp ủy các cấp quan tâm, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên, đảm bảo đúng theo quy trình, thủ tục, góp phần thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng. Việc chuyển đổi vị trí việc làm giúp công chức, viên chức có điều kiện rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, thích nghi, nắm bắt địa bàn, đối tượng quản lý, từ đó, tham mưu các giải pháp tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đảm bảo hiệu quả tốt. Qua việc chuyển đổi, đã giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, phục tùng tuyệt đối sự phân công nhiệm vụ theo quyết định chuyển đổi vị trí công tác.
Báo cáo cũng đánh giá cao Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt việc thực hiện các quy định, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, được phổ biến đến các chi bộ và từng cán bộ, đảng viên về các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác giám sát cán bộ đảng viên và công tác cán bộ. Thông qua đó, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về công tác cán bộ được nâng lên, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp đối với công tác tổ chức, cán bộ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được các cấp ủy thực hiện khá nghiêm túc, sự phối hợp của cấp ủy với chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được quan tâm, nhất là những nội dung có liên quan đến giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ.
Đặc biệt, cấp uỷ các cấp cũng đã phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai, thực hiện công tác giám sát cán bộ, đảng viên theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá XI. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị "trong sạch, vững mạnh" đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Hương Diệp - ảnh Minh Đức