Tin mới

Tất yếu khách quan về giám sát của Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Mặt trận) - Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhân dân với tư cách là cá nhân công dân, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội của công dân có quyền giám sát và phản biện xã hội đối với quyền lực nhà nước được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Bài viết luận giải tính tất yếu khách quan của việc Nhân dân giám sát quyền lực nhà nước, tuy nhiên hiện nay, môi trường pháp lý cho việc thực hiện giám sát của Nhân dân còn chưa đầy đủ và hạn chế, do đó cần được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, đặc biệt là việc xây dựng dự án Luật Giám sát của Nhân dân trở thành một đòi hỏi cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Dân, do Dân và vì Dân ở nước ta hiện nay.

Giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. ẢNH: KỲ ANH 

Tính tất yếu khách quan của việc Nhân dân giám sát quyền lực nhà nước

Thứ nhất, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

Một trong những giá trị cốt lõi đầu tiên của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Đây là nguồn gốc, là bản chất và là sức mạnh của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Theo đó, chủ quyền của Nhân dân cao hơn quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước được phái sinh từ quyền lực của Nhân dân, do Nhân dân giao quyền; Nhân dân ủy quyền có giới hạn và phải chịu sự kiểm soát của Nhân dân. Hay nói cách khác, Nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước, có trước, khách quan và độc lập với quyền lực nhà nước.

Chính vì thế, chủ quyền nhân dân là nguồn gốc của tính chính danh, tính hợp pháp của nhà nước. Nhà nước và quyền lực nhà nước có được là dựa trên sự đồng thuận của Nhân dân, thông qua việc Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến (quyền phúc quyết Hiến pháp và quyền tài phán vi phạm Hiến pháp) và Nhân dân thực hiện quyền bầu cử và bãi miễn những người thay mặt mình nắm giữ quyền lực nhà nước.

Ngoài phần cơ bản, Nhân dân ủy thác quyền lực của mình cho Nhà nước, phần còn lại, Nhân dân tự thực hiện và giữ vai trò chủ yếu là kiểm soát và giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước mà mình đã giao quyền, ủy quyền cho Nhà nước.

Theo học thuyết Mác - Lênin, cội nguồn sâu xa của quyền lực nhà nước chính là quyền lực nhân dân. Nhà nước không có chủ quyền, mà chỉ Nhân dân mới có chủ quyền. Chủ quyền nhân dân được xem là bản chất và là trụ cột của việc tổ chức và vận hành xã hội hiện đại.

Không phải quyền lực nhà nước, mà quyền lực nhân dân mới là quyền lực tối cao. Là bộ phận cơ bản của quyền lực nhân dân, quyền lực nhà nước được hình thành thông qua sự đồng thuận, ủy quyền của Nhân dân. Vì thế, chủ quyền nhân dân là gốc của quyền lực nhà nước, không đồng nhất với quyền lực nhà nước, mà quyền lực nhà nước phái sinh từ quyền lực của Nhân dân.

Quyền lực nhân dân quyết định phạm vi, mục đích, cách thức sử dụng quyền lực nhà nước. Vì vậy, quyền lực nhà nước phải chịu sự kiểm soát của quyền lực nhân dân.

Người đầu tiên ở nước ta nhận thức một cách sâu sắc và thực thi một cách nhất quán, xuyên suốt từ tư tưởng về chủ quyền nhân dân là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày đầu xây dựng nhà nước kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”1.

“Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân”2. “Dân là chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đầy tớ cho dân, chứ không phải làm quan cách mạng”3. Do đó, mục đích xây dựng nước Việt Nam không chỉ độc lập, mà còn tự do, hạnh phúc, dân chủ cho Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đặt nền móng cho hình thức dân chủ trực tiếp ở nước ta, trong đó đề cao vai trò kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với quyền lực nhà nước.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước trong điều kiện mới, Đảng ta đã chủ trương “Xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”. Mô hình tổng thể Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta chủ trương xây dựng là: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”4.

Thể chế hóa quan điểm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng, Hiến pháp năm 2013 tại Điều 2 đã khẳng định: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân5. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức”.

Thứ hai, quyền lực nhà nước thường vận động theo xu hướng tự phủ định mình trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu (từ số đông của Nhân dân chuyển sang số ít của một nhóm người). C. Mác gọi hiện tượng này là sự tha hóa của quyền lực nhà nước.

Quyền lực nhà nước như nói ở trên là của Nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước, suy cho cùng là giao cho những con người cụ thể thực thi, mà hành động của con người thì luôn chịu sự tác động của các loại tình cảm và dục vọng, khiến cho lý trí đôi khi bị chìm khuất6. Đặc biệt là khi lý tính bị chi phối bởi các dục vọng, thói quen hay tình cảm thì khả năng sai lầm trong việc thực thi quyền lực nhà nước càng lớn. Với đặc điểm đó của con người, không thể khẳng định người được ủy quyền luôn luôn làm đúng và làm đủ những gì mà Nhân dân đã ủy quyền.

Vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó có sự giám sát và phản biện xã hội là nhu cầu khách quan từ phía người ủy quyền là Nhân dân đối với người được ủy quyền là Nhà nước. Hơn thế, quyền lực nhà nước không thể cân đong, đếm được một cách cụ thể, do vậy, càng đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực nhà nước để hạn chế sự lộng quền, lạm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc trùng lắp trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước, gây hạn chế hiệu lực và hiệu quả thực thi quyền lực nhà nước được Nhân dân ủy quyền.

Thứ ba, trong quan hệ với quyền lực nhà nước, có một thực tế khách quan thường xảy ra là công dân không được bình đẳng với nhà nước về thông tin, nên thường xảy ra tình trạng: 1) Thiếu hoặc bị mất thông tin cần thiết giữa người chủ quyền lực (nhân dân) và người thực thi quyền lực (nhà nước); 2) Khả năng nhà nước không nắm bắt đúng mục đích, lợi ích của nhân dân; 3) Khả năng những người thực thi quyền lực cụ thể không hiểu rõ mục đích công việc; 4) Khả năng hiểu đúng mục đích, nhưng không sử dụng quyền hợp tình, hợp lý; 5) Khả năng các đại diện quyền lực nhà nước vì lợi ích riêng có thể vượt quyền, lộng quyền làm tổn hại đến mục đích chung.

Hơn nữa, nhà nước là tổ chức duy nhất có thuộc tính cưỡng chế “thuộc tính cưỡng chế mang lại cho nhà nước quyền can thiệp một cách có hiệu quả vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng với độc quyền này, nhà nước có quyền can thiệp một cách độc đoán, chuyên quyền, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Quyền này cộng với bất bình đẳng về thông tin giữa dân chúng và nhà nước, tạo ra những cơ hội cho các công chức xúc tiến những lợi ích của riêng họ hay những bạn bè đồng minh của họ làm thiệt hại đến lợi ích chung. Những khả năng kiếm lợi và tham nhũng trong các trường hợp này là rất lớn”7. Điều đó càng đòi hỏi Nhân dân phải có trách nhiệm giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước mà mình đã giao.

Xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp luật dân chủ - pháp quyền để Nhân dân thực hiện quyền giám sát quyền lực một cách thực chất, thực sự có hiệu lực và hiệu quả

Môi trường pháp lý dân chủ - pháp quyền là tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật từ Hiến pháp đến các đạo luật, trong đó Luật Giám sát của Nhân dân và các văn bản quy phạm dưới luật với môi trường pháp lý thật sự dân chủ, tạo điều kiện cho Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong việc tạo điều kiện cho người dân giám sát và phản biện xã hội.

Hiện nay, môi trường pháp lý cho việc thực hiện giám sát của Nhân dân còn chưa đầy đủ và thiếu pháp quyền, nên việc thực hiện còn mang tính hình thức và chưa thực chất. Vì thế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý để Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc thực thi quyền lực nhà nước, trong đó việc xây dựng một đạo luật với tên gọi là Luật Giám sát của Nhân dân trở thành một đòi hỏi cấp thiết cả về phương diện lý luận cũng như đòi hỏi của thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Dân, do Dân và vì Dân ở nước ta hiện nay.

Nội dung dự án Luật Giám sát của Nhân dân, vừa điều chỉnh việc thực hiện quyền giám sát của Nhân dân với tư cách là cá nhân công dân trong việc thực thi các quyền dân chủ trực tiếp được Hiến pháp quy định như: “quyền thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” (Điều 25 Hiến pháp năm 2013), “quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở địa phương và cả nước” (Điều 28), “quyền khiếu nại, tố cáo với việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Điều 30)…

Các quyền này cần được dự án Luật Giám sát của Nhân dân thể chế hoá với tư cách là các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước của cá nhân công dân, đồng thời, còn phải điều chỉnh việc thực thi quyền giám sát của Nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên - những chủ thể đại diện Nhân dân thực hiện quyền giám sát có vai trò đặc biệt quan trọng.

Chú thích:

1.  Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 232.

2.   Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr. 650.

3.  Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 8, tr. 453.

4. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 86.

5.  Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr. 650.

6.   Jon Mills - Luận về tự do, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 131.

7.  Ngân hàng thế giới (1998) - Nhà nước trong một thế giới chuyển đổi, tr. 126.

Trần Ngọc Đường - Giáo sư, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản