Tin mới

Thuận Châu (Sơn La): Phát huy vai trò của MTTQ trong công tác giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) -Phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thuận Châu và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện luôn chủ động triển khai thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra.

MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Nâng cao hiệu quả phối hợp giám sát giữa Hội đồng nhân dân và MTTQ các cấp để xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả vì lợi ích chính đáng của Nhân dân

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Phấn đấu đến 2025 hoàn thành sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thuận Châu phối hợp với Tổ đại biểu HĐND huyện tiếp xúc cử tri tại thị trấn. 

Bà Lường Thị Ngọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, cho biết: Công tác giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Qua việc nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp đã chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát sát với tình hình thực tế. Thành lập đoàn giám sát và tổ chức giám sát từng nội dung cụ thể, tập trung vào vấn đề được nhân dân và dư luận quan tâm, như việc thực hiện chế độ, chính sách, dân chủ cơ sở, chấp hành pháp luật...

Trong 5 năm (2019-2024), Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã giám sát 29 nội dung; chủ trì thành lập 24 đoàn giám sát; tổ chức 19 cuộc phản biện xã hội tại cơ sở. Phối hợp tham gia 51 đoàn giám sát của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Trong đó, tập trung giám sát quy trình, rà soát, công nhận hộ nghèo, cận nghèo tại các xã: Bản Lầm, Nậm Lầu, Chiềng Ngàm và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; quản lý, sử dụng vốn vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội... Sau giám sát, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã tiếp thu, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện còn phối hợp với Thường trực HĐND, các ban HĐND huyện giám sát việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc tổng hợp, trả lời ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền theo quy định của các cơ quan trước kỳ họp HĐND. Phối hợp với HĐND, UBND huyện tổ chức 2.807 hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp quốc hội và HĐND các cấp.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn đã thành lập 145 đoàn giám sát; tổ chức 486 cuộc giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Qua giám sát, đã kịp thời phát hiện những nội dung tồn tại, hạn chế và góp ý, kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khắc phục những hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật. Cùng với giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tích cực tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng các cấp, các dự án luật, nghị quyết của HĐND, văn bản quy phạm pháp luật của UBND các cấp liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Qua hoạt động phản biện xã hội, nhiều cử tri tích cực tham gia các ý kiến vào các văn bản dự thảo của HĐND huyện và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND huyện, như: Có chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua sản phẩm nông nghiệp của huyện; đầu tư nước sạch ở xã Co Mạ, Chiềng Pha; đường sản xuất theo chương trình tái định cư giai đoạn 2 xã Chiềng Ngàm; các nội dung liên quan đến mở rộng thị trấn, sáp nhập xã Chiềng Ly với thị trấn Thuận Châu... Qua phản biện, nhiều ý kiến của MTTQ và các tổ chức thành viên đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp các cấp ủy, chính quyền xem xét, quyết định trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành.

Bà Nguyễn Thị Phương Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Thuận Châu, chia sẻ: Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn đã tập trung giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải cách thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với các khu dân cư và cơ quan UBND thị trấn; chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; việc chi trả hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo...

Tháng 9/2023, công trình thủy lợi phai Lụa, xã Thôm Mòn, được đầu tư, sửa chữa. Ông Lò Văn Tiển, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ba Nhất, nói: Phát huy vai trò của ban thanh tra, ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban quản lý bản cử thành viên tham gia kiểm tra và giám sát chất lượng vật tư, vật liệu và tiến độ thi công của nhà thầu. Qua giám sát, không phát hiện sai phạm, đến nay, công trình đã đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất 42 ha lúa ruộng 2 vụ của nhân dân các bản.

Phát huy kết quả đạt được, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thuận Châu tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

T.Hiền

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản