|
Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại huyện Phúc Thọ, tháng 5-2023 |
Gắn với chủ đề công tác năm
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã làm tốt công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản của Trung ương, thành phố về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội khẳng định, các cấp, ngành của thành phố đã chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện Quy chế dân chủ gắn với chủ đề công tác năm của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Nổi bật, Ban Chỉ đạo đã tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; giao ban và ký giao ước thi đua giữa 7 quận, huyện liên quan về công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án này; phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4…
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức 687 hội nghị phản biện vào các dự thảo nghị quyết, trong đó có quy định về một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức 955 hội nghị góp ý thu được 11.912 ý kiến đối với nội dung như: Dự thảo các báo cáo Luật Đất đai (sửa đổi); phối hợp giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị với 8.868 cuộc.
Về việc thực hiện nhiệm vụ trên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tại các quận, huyện, thị xã đã tích cực phối hợp giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, sản xuất kinh doanh thực phẩm; kiến nghị xử phạt vi phạm 12 cơ sở kinh doanh với số tiền hơn 15 triệu đồng; việc chấp hành pháp luật tại trại tạm giam, tạm giữ của Công an huyện Đan Phượng; công tác tuyển sinh và quản lý, sử dụng tài sản công tại 6 trường trung học cơ sở công lập tại quận Bắc Từ Liêm; công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thị xã Sơn Tây; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo ở huyện Mỹ Đức; việc chi trả chế độ chính sách cho phụ nữ cao tuổi và trẻ em khuyết tật ở huyện Sóc Sơn…
Các cấp Hội Cựu chiến binh thành phố tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm khi tham gia các đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chức năng cùng cấp. Trong 6 tháng đầu năm, cấp huyện hội đã tổ chức 7 cuộc giám sát UBND phường, xã, thị trấn về thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với cựu chiến binh theo các Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hội cơ sở tham gia với Mặt trận Tổ quốc giám sát 26 UBND xã, phường, thị trấn về thực hiện các nghị quyết của cấp ủy, chương trình, kế hoạch công tác của UBND quận, huyện, thị; xây dựng chỉnh trang đô thị; chế độ chính sách đối với các đối tượng người có công, hộ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Trong khi đó, các cấp Hội Nông dân thành phố tổ chức thành công 2 hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và sửa đổi Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; thực hiện 157 cuộc giám sát về việc thực hiện Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, việc thực hiện các quy ước, hương ước... Các cấp Hội cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, công tác bồi thường, hỗ trợ đối với gia đình hội viên nông dân nằm trong vùng giải phóng mặt bằng thực hiện dự án này...
Một điểm sáng trong triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở của thành phố 6 tháng đầu năm 2023 là việc đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với công dân và các tổ chức chính trị - xã hội; đến thăm và làm việc với gần 150 hội viên, đại diện cho các hội viên Hội Cựu chiến binh thành phố. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã gặp gỡ, đối thoại với gần 1.000 công nhân, người lao động, đại diện cho công nhân, lao động đang làm việc trên địa bàn Hà Nội nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các kiến nghị liên quan đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân; xử lý nghiêm vi phạm về bảo hiểm xã hội…
Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tạo động lực quan trọng thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023 là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Để góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thành phố, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cần thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, thành phố về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ, các bộ chuyên ngành, gắn với thực hiện hệ thống văn bản của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
Để làm tốt việc này, cũng cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, đoàn viên, hội viên trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chủ động chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả việc giám sát; phản biện xã hội; đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TƯ, Quyết định số 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI); Chỉ thị số 18-CT/TƯ, ngày 26-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.
Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 15-NQ/TU, Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy; phát huy dân chủ của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, cần tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ trong các loại hình mới, quan tâm triển khai Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; quản lý trật tự xây dựng...
Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình; kịp thời biểu dương và nhân rộng các mô hình, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến…, qua đó phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đã đặt ra trong cả nhiệm kỳ.
Hương Ly