|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 |
Về thực trạng giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên thời gian qua
Trước hết, về bản chất thì hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên chính là việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân thực hiện theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử.
Thông qua hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kịp thời phát hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc và nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; qua đó giúp phòng ngừa, chấn chỉnh cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; đồng thời đề cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ.
Qua hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất, kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời kiến nghị, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, đưa ra khỏi tổ chức những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất; kịp thời phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Trên cơ sở các quy định của Đảng và xác định giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên là hoạt động khó và dễ va chạm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện, nỗ lực tổ chức triển khai hoạt động giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên và bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Đối với hoạt động giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên nơi công tác, trong thời gian qua, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung giám sát trên một số lĩnh vực như: giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại 5 tỉnh và 5 bộ, ngành; giám sát việc “Công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại một số dự án kinh tế, xã hội”; giám sát việc tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương tập trung giám sát trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ chủ chốt.
Đối với hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở xã, phường, thị trấn, Ban Công tác ở khu dân cư giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, giám sát về trách nhiệm nêu gương, tinh thần gương mẫu thực hiện trách nhiệm ở nơi cư trú và thực hiện việc giữ mối liên hệ với Nhân dân ở nơi cư trú; bản thân và gia đình chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, hương ước, quy ước tại khu dân cư.
Thông qua giám sát đã giúp cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn hơn về trách nhiệm của mình đối với Nhân dân, thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ ở nơi cư trú, đồng thời vận động gia đình và Nhân dân thực hiện tốt hơn nghĩa vụ của công dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên đối với Nhân dân.
Hoạt động giám sát nói chung, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên nói riêng thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Việc giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp1 chủ yếu thông qua hình thức giám sát thường xuyên, qua theo dõi trách nhiệm trong thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; tính gương mẫu, thực hiện chống tham nhũng, lãng phí; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.
Giám sát về đạo đức, văn hóa công vụ, trách nhiệm thực thi công vụ bám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc ban hành tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, quy trình, quy chế công tác, việc chấp hành và thực hiện các quy định của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Bên cạnh đó, một số địa phương đã triển khai giám sát chuyên đề, thành lập đoàn giám sát đối với một số chức vụ chủ chốt do cấp ủy cùng cấp quản lý.
Việc giám sát việc thực hiện giữ mối liên hệ với Nhân dân (thực hiện theo Quy định số 213-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị khoá XII “về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú”) thông qua theo dõi và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên thường xuyên ở nơi cư trú.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:
Mặt trận một số nơi chưa chú trọng đến việc giám sát cụ thể việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Vì thế, các kiến nghị sau giám sát ít có kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên.
- Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên ở nhiều nơi chủ yếu theo sự chỉ đạo của cấp ủy, thiếu sự chủ động của tổ chức Mặt trận.
- Việc tổ chức các tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu đối với Nhân dân theo quy định của Đảng ở nhiều nơi được tiến hành khá thường xuyên. Tuy nhiên, sự tham gia của Mặt trận trong hoạt động này còn khá mờ nhạt. Ở chiều ngược lại, những nơi cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu chưa thực hiện tốt cũng không thấy có phản ánh, kiến nghị thỏa đáng của Mặt trận đối với cơ quan có thẩm quyền.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên là do:
- Việc quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng liên quan đến công tác giám sát về việc “tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” mặc dù đã được cấp ủy triển khai song còn nhiều địa phương, nhất là ở cơ sở chưa thực sự quan tâm thích đáng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên còn chưa thực sự rõ nét, một số cấp ủy vẫn xem nhẹ vai trò giám sát của Mặt trận.
- Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm túc công tác giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc; nội dung giám sát về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên còn mang tính chất định tính, khó định lượng; một số cấp ủy, chính quyền còn coi nhẹ và có quan điểm “chuyện cá nhân của cán bộ”; một số cấp ủy chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân.
- Việc phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở mặc dù đã có cố gắng, nhưng nhiều địa phương, đơn vị thực hiện còn hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa thể hiện đầy đủ được vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát cán bộ, đảng viên.
- Mặc dù các quy định của Đảng về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên đã khá đầy đủ nhưng chưa được thể chế hóa bằng pháp luật. Cơ chế cung cấp thông tin cho Mặt trận về hoạt động của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên còn chưa cụ thể, rõ ràng. Việc triển khai thực hiện ở các địa phương chưa thống nhất, còn nhiều cách hiểu khác nhau. Công tác tham mưu, đề xuất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở một số địa phương, cơ sở đối với cấp ủy trong chỉ đạo triển khai, thực hiện giám sát Quy định số 124-QĐ/TW chưa thực sự hiệu quả, còn hình thức.
- Công tác giám sát cán bộ, đảng viên là một nhiệm vụ khó và khá nhạy cảm, năng lực, trình độ của cán bộ Mặt trận thực hiện công tác giám sát ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa đồng đều, nhiều nơi cán bộ thực hiện giám sát còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giám sát.
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa có nghị quyết riêng về triển khai giám sát về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Sự phối kết hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên, các cơ quan truyền thông chưa được thường xuyên, liên tục, chưa huy động được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào hoạt động giám sát.
- Việc đảm bảo nguồn lực cho hoạt động giám sát nói chung, giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên nói riêng còn hạn chế.
Việc tổ chức triển khai hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, cách thức tổ chức thực hiện giám sát này của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có sự khác nhau giữa các địa phương, chưa bảo đảm sự thống nhất trong phạm vi cả nước. Việc phát hiện, nhận diện cán bộ, đảng viên có dấu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến", "tự chuyển hoá" còn hạn chế, chủ yếu thông qua hoạt động của cơ quan tư pháp, truyền thông…
Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên
Nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, bản lĩnh chính trị của cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy các cấp cần không ngừng nhận thức sâu sắc, đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, phát huy vai trò và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn viên, hội viên và Nhân dân được phản ánh, báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; chú trọng công tác tiếp nhận, lắng nghe ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân để kịp thời phát hiện, xem xét, xử lý các trường hợp có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, vi phạm các chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Nâng cao nhận thức của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát nói chung, trong hoạt động giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên nói riêng.
Thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, xác định mỗi cán bộ, đảng viên vừa là chủ thể, vừa là đối tượng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên và trong thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên.
Tiếp tục học tập, nghiên cứu, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên nội dung Quy định số 124-QĐ/TW, Quy định số 213-QĐ/TW của Bộ Chính trị, coi việc giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và tính gương mẫu thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú của cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, là tiêu chí để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở ngày càng vững mạnh; phổ biến, nhân rộng các gương liêm chính, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi công tác và nơi cư trú.
Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên
Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng chính trị, học tập nghị quyết; chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng; thường xuyên cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Mặt khác, cần tăng cường việc rèn luyện, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, quần chúng gắn chặt với xây dựng và thực hành đạo đức trong Đảng, nhất là phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Muốn vậy, cấp ủy, tổ chức đảng cần triển khai sâu rộng, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Kết luận số 54-KL/TW ngày 9/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đồng thời, cần phải thường xuyên quán triệt để đảng viên không vi phạm 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư quy định trách nhiệm, nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công khai các nội dung theo Quyết định 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương để cán bộ, đảng viên và Nhân dân biết và thực hiện công tác giám sát.
Triển khai có hiệu quả việc cam kết và thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên theo Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc xây dựng kế hoạch cá nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục duy trì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định số 101- QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư; Quy định số 08-Qđi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhằm không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt phải thật sự ưu tú, có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục hoàn hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên
- Quy định về giám sát, góp ý xây dựng tổ chức đảng và đảng viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới chỉ được quy định trong các văn bản của Đảng, mà chưa được thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, cần khẩn trương rà soát, đánh giá đầy đủ, khách quan để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoạt động giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong văn bản pháp luật có liên quan, nhất là cụ thể hóa hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thể chế hóa sâu sắc và cụ thể hơn nữa về quyền, trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cơ chế Nhân dân thông qua Mặt trận để nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật có liên quan, tiếp tục cụ thể hoá phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” sát với thực tiễn; thực hiện có hiệu quả pháp luật về dân chủ ở cơ sở, tiếp cận thông tin, những quy định liên quan đến quyền làm chủ của Nhân dân.
- Hoàn thiện các quy định liên quan nhằm đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ ở cơ sở; tăng cường mối liên hệ mật thiết của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng, Nhân dân nơi cư trú. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng có cơ chế để xác định được mức độ tín nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên thông qua tín nhiệm của Nhân dân ở cả nơi làm việc và nơi cư trú; đồng thời, công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; kê khai tài sản của cán bộ, công chức bị xử lý để Nhân dân theo dõi, giám sát.
- Đánh giá các quy định của Đảng liên quan đến hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ, trong đó chú trọng hoàn thiện quy định chuẩn mực về đạo đức, lối sống, trình tự thủ tục, nội dung cụ thể giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống; có cơ chế công khai nhận xét đánh giá, cam kết của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định về công khai tài sản, thu nhập của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên; hoàn thiện về các quy định về góp ý, kiểm điểm tập thể, cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt khi được bổ nhiệm.
Đồng thời, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần đề xuất với Quốc hội tổ chức nghiên cứu xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân, trong đó, quy định rõ đối tượng, nội dung và phạm vi giám sát; trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên đối với hoạt động giám sát của Nhân dân; chế tài xử lý đối với việc không tiếp thu, phản hồi ý kiến kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đồng thời, quy định cụ thể về giám sát của Mặt trận và Nhân dân đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, trong đó quy định rõ trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Đề nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng Luật Dân nguyện, trong đó cũng xác định rõ quy trình, thủ tục, phương pháp, cách thức tập hợp, nắm bắt, thu thập ý kiến Nhân dân; quy trình xử lý thông tin thông qua báo chí và dư luận xã hội.
- Tiếp tục đề xuất thể chế các quan điểm của Đảng về dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; thể chế hóa chủ trương giám sát, góp ý xây dựng tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, xây dựng cơ chế có nội dung và cách thức thực hiện cụ thể, thiết thực, hiệu quả phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, góp ý với tổ chức cơ sở đảng, đảng viên.
Phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhưng không làm cản trở hoặc ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên; bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch; tránh nể nang, né tránh hoặc để bị lợi dụng; bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội.
- Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, phương thức giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên, trong đó, cần nghiên cứu để hoàn thiện quy trình theo hướng cụ thể hơn, rõ việc hơn để thống nhất trong thực hiện từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm trong công tác giám sát, nhất là giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt.
Đổi mới nội dung, phương thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên
Về đổi mới phương thức giám sát
Việc giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt chỉ nên thành lập đoàn giám sát và thực hiện theo phương thức cấp trên giám sát đối với cấp dưới để bảo đảm tính khách quan hơn. Đề xuất cấp ủy nơi cư trú kịp thời thông báo đến cấp ủy, chính quyền nơi đảng viên đang công tác về những đảng viên chưa chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc không thực hiện việc tham gia sinh hoạt theo Quy định số 213-QĐ/TW.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ giám sát cán bộ, đảng viên, định kỳ hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành kiểm tra việc triển khai và thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp; kịp thời tiến hành các hoạt động sơ kết, tổng kết việc thực hiện, qua đó kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giám sát cán bộ, đảng viên.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và cán bộ, đảng viên của Mặt trận cần không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung, trong đó, tập trung giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Mặt khác, cần huy động và phát huy vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp; các tổ chức tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Nhân dân tham gia vào hoạt động giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên nơi công tác và nơi cư trú.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp với cấp ủy địa phương và các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông trong hoạt động giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Về đổi mới nội dung giám sát
Việc lựa chọn nội dung, phạm vi giám sát có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động giám sát. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục đổi mới về lựa chọn nội dung phù hợp với đối tượng, phạm vi giám sát, bởi cán bộ, đảng viên là rất rộng, được quy định bởi nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước và của địa phương.
Do vậy, việc lựa chọn nội dung phù hợp với đối tượng, phạm vi giám sát sẽ vừa đảm bảo sát với thực tiễn, trúng, đúng những vấn đề mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đang quan tâm, đồng thời phù hợp với năng lực giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nội dung giám sát cần bảo đảm các nội dung liên quan đến việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Bảo đảm các điều kiện phục vụ tốt hoạt động giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên
Cần có sự bảo đảm về chính trị cho giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Thực tiễn cho thấy, giám sát hoạt động của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên thực sự “đụng chạm” đến những người có quyền lực trong bộ máy Đảng và Nhà nước, vì thế hoạt động này chưa bao giờ là dễ dàng, thậm chí còn hết sức khó khăn; việc bảo đảm nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên là cần thiết.
Vì vậy, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, quan tâm lựa chọn, bố trí những cán bộ có bản lĩnh chính trị, có uy tín và chuyên môn nghiệp vụ vững vàng chuyên trách công tác Mặt trận. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan thường trực, giúp việc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng; quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng cán bộ và đào tạo chuyên sâu cán bộ chủ chốt làm công tác Mặt trận các cấp có năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm về cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động giám sát, tránh hiện tượng “xin - cho”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, phản biện xã hội và nắm tình hình Nhân dân, đồng thời, đầu tư biên soạn tài liệu có tính chất “cẩm nang” trong công tác giám sát cán bộ, đảng viên; có cơ chế cụ thể, phù hợp để có thể huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và Nhân dân tham gia vào hoạt động giám sát.
Chú thích:
1. Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3/1/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản…
PHÙNG THỊ THUẬN - Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.