Tin mới

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân

(Mặt trận) - Sáng ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội khóa XV. Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu đã phát biểu thảo luận và nhấn mạnh tới việc UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; cụ thể hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân.

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò các Hội đồng tư vấn đóng góp vào hiệu quả hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

50 địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của Mặt trận có nhiều điểm mới

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, đây là lần thứ hai hội nghị được tổ chức sau thành công của hội nghị lần thứ nhất.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, sự đổi mới phương pháp, tăng cường trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trình dự án Luật, Quốc hội đã thảo luận, thông qua nhiều dự án Luật quan trọng, tác động trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, được nhân dân quan tâm và kỳ vọng.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua 7 luật, trong đó, MTTQ Việt Nam đã dành công sức, tâm huyết tham gia góp ý kiến, phản biện khá tốt dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản; dự thảo Luật Nhà ở và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời gửi nội dung phản biện gửi Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chủ trì soạn thảo. Các ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam đã được nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc và được đưa vào hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đặc biệt, đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức phản biện 2 lần trước khi cơ quan chủ trì soạn thảo trình Quốc hội cho ý kiến. UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến đóng góp; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo ở các cấp, với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, đóng góp vào hầu hết các nội dung của toàn bộ dự thảo. UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều khoản trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5.

“Những ý kiến đóng góp phản biện của UBMTTQ Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của kỳ họp Quốc hội khoá XV”, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Về kết quả giám sát và động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã giám sát, động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết.

Ngay từ đầu năm, khi xây dựng Kế hoạch Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam đã đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Luật được kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV thông qua, tập trung vào các dự án Luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật tài nguyên nước, và nhiều Luật khác.

Thông qua các hình thức như tổ chức được các hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn; phát hành các tài liệu bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, bài, phóng sự về các nội dung có liên quan; lồng ghép phù hợp trong các hoạt động khi triển khai các nhiệm vụ chính trị.

Bên cạnh đó, trong xây dựng kế hoạch hoạt động giám sát năm 2024, UBTƯ MTTQ Việt Nam luôn đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành và các tổ chức thành viên theo dõi, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua đã trở thành một hoạt động giám sát thường xuyên, nền nếp của Mặt trận. 

Liên quan đến một số nhiệm vụ chủ yếu về tham gia ý kiến góp ý, phản biện xã hội đối với quy trình xây dựng luật và giám sát thực thi pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam từ nay đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc phản biện xã hội đối với các dự án Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, tập trung vào phản biện xã hội đối với 2 dự án Luật: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Thực hiện nhiệm vụ này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành 2 Kế hoạch, sẽ tổ chức các hội nghị được tổ chức trong tháng 3; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu dân cử; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; làm sâu sắc, sáng rõ thêm nguyên tắc cơ bản: “MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, nhất là quy trình, nguyên tắc hiệp thương bầu cử, giám sát hoạt động của đại biểu dân cử để nâng cao thực chất quyền làm chủ của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam.

Nhấn mạnh các văn bản pháp luật mới được thông qua, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều quy định mới; theo đó, cần được quan tâm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân hiểu để thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu đề nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định liên quan để hướng dẫn Luật; các bộ, cơ quan ngang bộ sớm ban hành các thông tư và văn bản hướng dẫn để đảm bảo có đầy đủ các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện khi các Luật mới được thông qua có hiệu lực.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu cũng cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật quan trọng đã có ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận để theo dõi, đề xuất kịp thời việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo các ý kiến phản biện; tham gia ý kiến vào các dự án, dự thảo văn bản. Về lâu dài, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; cụ thể hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điều chỉnh về hoạt động từ thiện, nhân đạo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các Cơ quan có liên quan để tổ chức triển khai và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội theo phương châm “Quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp, pháp luật””, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản