Tin mới

Trách nhiệm, đúng trọng tâm, xây dựng

(Mặt trận) - Công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch là nhóm lĩnh vực đầu tiên được đưa ra chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung hỏi - đáp đã cho thấy rõ hơn kết quả việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 thuộc trách nhiệm của 3 lĩnh vực. 

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Mạnh Hùng 

Giám sát đến cùng, kịp thời tháo gỡ khó khăn

Nhóm lĩnh vực thứ nhất thuộc trách nhiệm trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Trong tổng số 30 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 6 đại biểu tranh luận với nhóm lĩnh vực thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận được nhiều câu hỏi nhất. 

Lý giải cho việc vì sao các lĩnh vực đưa ra chất vấn lần này đều nhận nhiều câu hỏi, như trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đó là do các đại biểu rất "yêu văn hóa" nên mới đặt nhiều câu hỏi; và không chỉ "yêu văn hóa", mà các đại biểu còn rất "quý công thương và quý nông nghiệp", nên kỳ thảo luận về kinh tế - xã hội hay chất vấn nào, thì "ba chúng ta cũng đều may mắn được đăng đàn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Với tính chất đây là hoạt động "tái chất vấn", "tái giám sát" các nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 nên nhiều nội dung, dù đã được các “tư lệnh ngành” trả lời kỹ tại các kỳ chất vấn trước đó tiếp tục được các đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn lần này, nhưng dưới góc độ, các vướng mắc, tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực đã được khắc phục ra sao, việc thực hiện các cam kết, lời hứa của Bộ trưởng đến đâu?

Vậy nên, câu hỏi được các đại biểu tiếp tục đặt ra chủ yếu xoay quanh chủ đề "giải pháp". Với lĩnh vực nông nghiệp, đó là giải pháp, chính sách căn cơ nào để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông sản xuất khẩu? Giải pháp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam là gì? Giải pháp để Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với thủy sản của Việt Nam? Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững? Giải pháp bố trí dân cư vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai? Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường?...

Với lĩnh vực công thương là giải pháp căn cơ gì để phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế…? Hay trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, thì một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm chất vấn là: Giải pháp nâng cao chất lượng và tăng số lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cho giai đoạn tới? Giải pháp phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc? Chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa?…

Công tâm và khách quan, không chỉ đánh giá đúng kết quả đạt được của từng lĩnh vực, làm rõ trách nhiệm, các đại biểu cũng gợi mở, đề xuất thêm "hướng đi", "lối ra" cho những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Các "tư lệnh ngành" cũng khá thẳng thắn và trách nhiệm khi thừa nhận tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực mình, đồng thời trả lời một cách minh bạch những vấn đề đại biểu nêu. 

Cử tri và nhiều chuyên gia kinh tế hiện nay cho rằng, việc điều hành giá điện có nhiều bất cập và chính điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện khoảng hơn 47.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023. Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để tháo gỡ việc điều hành giá điện một cách tốt nhất trong thời gian tới - ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) chất vấn. 

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn: Không có chuyện do điều hành giá điện vừa qua có bất cập gây ra thua lỗ của ngành điện! Lý lẽ là bởi, là cơ quan quản lý nhà nước với lĩnh vực điện, Bộ Công Thương thực hiện 3 chức năng cơ bản là xây dựng quy hoạch, kế hoạch; ban hành cơ chế, chính sách; và thanh tra, kiểm tra. "Trong tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện vừa qua đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá". Khẳng định điều này, Bộ trưởng cho biết, điện là một trong những mặt hàng phải bảo đảm bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước. Với đầu vào hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện và cung ứng điện bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia, thì phải mua với cơ chế giá thị trường nhưng đầu ra phải bảo đảm bình ổn giá, bởi giá điện có liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất khác.

Cho nên, "chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra, như đã vài lần báo cáo với Quốc hội, là chênh lệch giữa giá mua và bán ra của EVN đã khoảng từ 208 đến 216 đồng/kW/giờ", Bộ trưởng nói. Còn quá trình tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi cơ chế điều hành như thế nào để EVN sẽ không bị lỗ trong tương lai, Bộ trưởng cho biết, ngành công thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự án Luật Điện lực và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới đây theo hướng xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện. Cùng với đó là phải tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện năng, trong đó có giá sản xuất điện, giá điều độ, vận hành hệ thống điện để bảo đảm khách quan. Hiện nay, Chính phủ đã có quyết định chính thức đưa Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) trực thuộc Bộ Công Thương. Điều đó "sẽ bảo đảm được sự minh bạch, công bằng trong việc điều độ, vận hành hệ thống điện cũng như công bằng giữa các doanh nghiệp phát điện và các đối tượng sử dụng điện", Bộ trưởng nêu rõ.

Mặt khác, theo Bộ trưởng, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với các khách hàng sử dụng điện lớn và sắp ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. Điều đó "sẽ từng bước làm cho thị trường điện của chúng ta sẽ hoàn hảo hơn".

Thẳng thắn, đúng trọng tâm

Thẳng thắn, đúng trọng tâm cũng là tinh thần chủ đạo trong các phần trả lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. 

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trả lời chất vấn của ĐBQH Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) về giải pháp đưa nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường khó tính như châu Âu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, như cà phê, gạo, điều, thủy sản, gỗ… đều đã vào được những thị trường khó tính, như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này chứng tỏ, chúng ta làm tốt thì mới vào được thị trường như vậy.

Dẫu vậy, như thừa nhận của Bộ trưởng, thì hiện doanh nghiệp đang gặp 2 vấn đề khó khăn liên quan đến xuất khẩu nông sản. Một là chi phí logistics, khi xuất khẩu nông sản từ Việt Nam qua các quốc gia thường phát sinh những chi phí rất lớn nên các doanh nghiệp còn ngần ngại. Hai là vấn đề đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường. Thực tế, các tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật này thường thay đổi hàng tháng, chứ không phải hàng năm. Đơn cử như điều kiện về chống hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đối với mặt hàng thủy, hải sản; hay quy định về chống phá rừng của EU (EUDR) đối với các mặt hàng cà phê, cao su và gỗ, sản phẩm từ gỗ…

Khó là thế, nhưng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, giải pháp là cần có thêm những chính sách hỗ trợ. Thực tế, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên và liên tục tiến hành phiên họp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nhằm thúc đẩy việc phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng của Việt Nam sang các nước. Tuy nhiên, “thị trường mở nhưng chúng ta có vào được hay không còn do cách chúng ta đi". Nêu rõ vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với chức năng quản lý sản xuất, sẽ cùng các bộ, ngành để làm sao cho các doanh nghiệp của chúng ta ngày càng mạnh mẽ hơn. Bộ cũng sẽ có những chính sách với những thị trường đặc thù, có nhiều khó khăn nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí. 

Có hay không tình trạng một bộ phận cán bộ quản lý thị trường "bảo kê" cho người có hành vi sai phạm? Trả lời chất vấn này của ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận: “Chuyện đó là hoàn toàn chính xác”, bởi cán bộ quản lý thị trường hoạt động đơn tuyến, từng người ở từng vị trí có thẩm quyền, trách nhiệm quyết định việc xử phạt hay không xử phạt, xác định hành vi đó vi phạm hay không vi phạm các quy định của pháp luật.

Với tính chất công việc như vậy, theo Bộ trưởng, giải pháp của ngành công thương, là chỉ đạo thường xuyên để bảo đảm có sự luân chuyển địa bàn công tác của cán bộ phụ trách địa bàn; quy rõ trách nhiệm người đứng đầu theo hướng nếu để xảy ra sai phạm, thì sẽ xử lý rất nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng tiếp tục tham mưu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý những hiện tượng vi phạm.

Thực tế, thời gian vừa qua, Bộ đã yêu cầu và xử lý rất nhiều trường hợp, từ cán bộ quản lý cấp đội cho đến cấp cục và xử lý nghiêm với cán bộ trực tiếp xử lý vi phạm trên từng địa bàn. Và đã có hàng chục trường hợp cán bộ trong lực lượng quản lý thị trường chuyển sang cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, quản lý, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phối hợp với các lực lượng trong việc phát hiện, xử lý những sai phạm, kể cả sai phạm của tổ chức, cá nhân trong lực lượng quản lý thị trường. Đồng thời, tiếp tục làm tốt việc luân chuyển địa bàn để hoạt động của các lực lượng này bảo đảm công khai, minh bạch”, Bộ trưởng nêu rõ.

"Nhìn chung, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng". Khẳng định điều này khi phát biểu kết thúc phiên chất vấn với nhóm lĩnh vực đầu tiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các bộ trưởng, trưởng ngành đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ về các vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của các bộ trưởng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục bất cập trong phạm vi phụ trách.  

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản