(Mặt trận) -Ngày 16-8, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận do đồng chí Đổng Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Tp.Phan Rang – Tháp Chàm.
|
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận giám sát việc triển khai thực hiện công tác CCHC tại Tp. Phan Rang – Tháp Chàm. |
Trong những năm qua, công tác CCHC luôn được cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đúng thời gian quy định. Việc niêm yết công khai minh bạch, kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính (TTHC) gắn với đơn giản hóa TTHC đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ công tác. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại các bộ phận không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng xử lý, giải quyết công việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, thành phố đã rà soát, đơn giản từ 324 TTHC xuống còn 274 TTHC, trong đó có 265 thủ tục tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 4; 6 tháng đầu năm, cấp thành phố đã tiếp nhận, giải quyết 10.640 hồ sơ, có trên 98% hồ sơ đã được giải quyết trước và đúng hẹn.
Tại buổi làm việc, thành phố cũng đã trao đổi một số bất cập, khó khăn trong thực hiện công tác cải cách TTHC hiện nay như: Thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất trong việc ứng dụng công nghệ thông tin; công tác số hóa, giải quyết hồ sơ, TTHC trên môi trường mạng, hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, mức độ 4..
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ CCHC thời gian qua. Trong đó, thành phố là một những địa phương có nhiều mô hình mới, cách làm hay sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đề nghị thành phố tiếp thu các ý kiến xác đáng của thành viên đoàn giám sát để hoàn thiện nội dung báo cáo. Nhấn mạnh mục tiêu của công tác CCHC là góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện CCHC; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, dịch vụ bưu chính công ích. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, đặc biệt là trong giải quyết TTHC, nâng cao tỷ lệ giải quyết các TTHC trên môi trường mạng.
Kim Thùy