Tin mới

Về kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu: Những yêu cầu đưa ra và thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu

(Mặt trận) - Sáng 4/10/2021, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “… Tập trung ưu tiên thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã có bài viết đề cập tới vấn đề người đứng đầu và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan đơn vị, nhất là cấp chiến lược.

Dân giám sát, dân thụ hưởng ở Tuyên Quang

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Ninh Bình

Đổi mới nội dung giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Quang cảnh Hội nghị Trung ương bốn, khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Những yêu cầu và tố chất của người đứng đầu

Một cách tự nhiên, nhất là trong điều kiện một đảng cầm quyền hiện nay, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam tự nó giữ vị thế, vai trò tiên phong hết sức căn bản và quan trọng đối với việc khẳng định vị thế, vai trò và uy tín lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị. Bởi họ được coi là tinh hoa của thể chế, là rường cột quốc gia.

Nhưng, người đứng đầu cần có những tư chất gì, làm những gì trong vai trò là người lãnh đạo hay quản lý, quản trị ở mỗi phương diện theo vị trí, chức năng và nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị? Thẩm quyền, trách nhiệm của họ ra sao? Kiểm soát quyền lực đối với họ như thế nào?... 

Đó vẫn đang là những vấn đề nóng bỏng, cấp bách phải giải quyết trong công việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là những người giữ trọng trách đứng đầu.

Hội đủ 4 nhân tố cơ bản

Thực tiễn cho thấy, người cán bộ lãnh đạo và quản lý nói chung, người đứng đầu nói riêng, cần có những tố chất chuyên biệt phù hợp với yêu cầu và tương dung với đòi hỏi của tiến trình lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. 

Với những yêu cầu chung, về phẩm chất chính trị và đạo đức, trước hết là sự trung thành, mẫn cán và sáng tạo. Thứ hai là sự trong sáng và không vụ lợi. Thứ ba là dám chịu trách nhiệm và biết hy sinh. Thứ tư là trung thực và không xu thời. Thứ năm là tự biết xấu hổ với chính mình, vì nói như người xưa: Không biết xấu hổ thì không thành người được. Thứ sáu là tự biết giấu mình, tức không ba hoa, khoe khoang, hợm hĩnh.

Về năng lực trí tuệ, trước hết, cần có tầm viễn kiến chính trị, khả năng tiên lượng hợp quy luật và hợp lòng dân. Thứ hai, cần có năng lực dẫn dắt, truyền cảm hứng đồng thời có khả năng định chế thiết thực và tính khả thi cao. Thứ ba, có óc thực tế, óc tổ chức, óc phản biện và tính quyền biến, mềm dẻo. Thứ tư, phải vừa bao quát vừa sâu sát, cụ thể hay nói cách khác vừa có óc chiến lược vừa có khả năng ứng phó sách lược an toàn và hiệu quả. Thứ năm, tri thức chuyên môn phải vừa rộng lại phải vừa sâu ngang tầm với lĩnh vực mình đảm trách. Thứ sáu, vừa đột phá vừa thận trọng vừa quyết đoán trên nền một sức bật chuyên môn hùng hậu, một nền tảng văn hóa chính trị phong phú và dày dạn. Thứ bảy, năng lực ra quyết định, chịu trách nhiệm và kiểm tra việc thực thi quyết định.

Về phương pháp, người đứng đầu phải có phương pháp vừa khái quát vừa cụ thể. Phải có gan nghĩ việc, có gan quyết đoán, có gan làm việc và có gan chịu trách nhiệm một cách trực tiếp trước tập thể, trước cấp trên và trước toàn xã hội. Về phong cách, phải vừa mềm dẻo về hành xử nhưng cứng cỏi trong biện luận, thuyết phục. Bao quát tổng thể nhưng không hời hợt, chung chung. Giữ nghiêm kỷ luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn. Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật. Thực tiễn xác nhận rằng, lòng can đảm phải là phẩm chất chính của người lãnh đạo, cho dù nó được thể hiện ở đâu.

Nói gọn lại, phải hội đủ 4 nhân tố cơ bản: Bản lĩnh chính trị - bản lĩnh nghề nghiệp lãnh đạo, quản lý - bản lĩnh sống và là tấm gương trước tổ chức và Nhân dân. Đó là những nhân tố cần, có tính chất chung nhất đối với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, người đứng đầu nói riêng. Bởi lẽ, họ chính là người đại diện cho Đảng, Nhà nước bảo đảm cho chủ trương, đường lối của Đảng được thực hiện thông qua Nhà nước và hệ thống chính trị; là người thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực của Nhà nước trên thực tế; và là một trong những nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển của đất nước.

Tổng hòa những yêu cầu cơ bản đó là nền tảng tạo nên vị thế và năng lực của người đứng đầu cấp ủy. Nó là sự đòi hỏi và cũng là thách thức. Việc thực thi tới mức nào sẽ quyết định sự thành hay bại, uy tín cao hay thấp của họ trong công tác và trong cuộc sống hàng ngày của họ tới mức đó; việc bảo đảm thực hiện đường lối của Đảng, phát huy sức mạnh của Nhà nước và việc thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu, khả năng làm việc và uy tín đạo đức của người đứng đầu ở mức độ đó.

Tự mình phải là tấm gương về đạo đức

Với những tố chất cụ thể chuyên biệt, trước hết là phẩm chất chính trị - tư tưởngĐây là phẩm chất hàng đầu, cơ bản nhất. Bởi, thiếu nó thì không thể nói tới việc định hướng về lý tưởng, khả năng nhận thức đúng đắn và phấn đấu có hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, càng không thể nói đến việc nghiên cứu, xem xét và phát triển chúng với tính cách là điểm xuất phát, bao trùm và quán xuyến toàn bộ những hoạt động của mình. Vì thế, phẩm chất chính trị - tư tưởng của người lãnh đạo chính là niềm tin vững chắc lý tưởng XHCN, là khả năng nhận thức và phấn đấu thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước một cách kiên quyết và triệt để nhất. 

Đây là tiền đề kích thích người lãnh đạo nhận thức và dự đoán trước những khuynh hướng mới nhất trong các phạm vi hoạt động tương ứng của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội... của đất nước. Đồng thời, nó cũng là tiền đề giáo dục và kích thích tinh thần dũng cảm đổi mới. Phẩm chất này hoàn toàn phải được bảo đảm và giữ vững bởi tính nguyên tắc của Đảng, bởi tính không khoan nhượng với bất kỳ một khuyết điểm nào, dù là nhỏ nhất trong công tác; bởi tính đối lập triệt để với tất cả những gì trái với nó là sự mơ hồ về quan điểm chính trị, lập trường cách mạng, quan điểm quần chúng, sự sa sút ý chí chiến đấu, sự suy thoái tư tưởng chính trị và nhiệt tình cách mạng. Và cuối cùng, phẩm chất đó phải được thể hiện bằng hành động thực tế và được đánh giá bằng kết quả cụ thể.

Thứ hai là nhân cách lãnh đạo và nhân cách sống. Nhân cách chính trị của người đứng đầu phải được thể hiện trước hết trên phương diện tiềm năng trí lực và văn hóa. Đó là những hiểu biết đầy đủ về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là trình độ giác ngộ chính trị - tư tưởng cao, là niềm tin không lay chuyển vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng.

Nhân cách sống đó là trình độ văn hóa tổng hợp rộng lớn đủ để nắm vững và làm chủ sự phát triển phức tạp, đa dạng của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Phải biết đoàn kết với những người ngoài Đảng, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng lao động. 

Hiển nhiên, trong phẩm chất của người đứng đầu không phải chỉ có tiêu chuẩn về chính trị - tư tưởng, về nhân cách, mà cần có phẩm chất công tác. Nó được biểu hiện sinh động ở khả năng tiếp cận một cách phù hợp các hoàn cảnh, tình huống xuất hiện, tìm ra con đường ngắn nhất để đạt tới mục tiêu với hiệu suất cao. Dù dưới hình thức này hay hình thức khác, thông qua phong cách lãnh đạo, phẩm chất công tác của người đứng đầu phải đạt tới và phải được thể hiện cụ thể, sinh động bằng uy tín và năng lực tổ chức của họ.

Uy tín của người đứng đầu là một trong những điều kiện có tính chất quyết định thành công đổi mới phương thức lãnh đạo. Vì, không có uy tín thì người lãnh đạo, quản lý không thể lãnh đạo được tốt, nếu không nói là không thể lãnh đạo được ai, được gì. Uy tín của người đứng đầu là kết quả tổng hợp của mấy mặt sau đây: trước hết, sự gương mẫu toàn diện, có lối sống trong sạch, tận tụy hy sinh vì tập thể; có tầm hiểu biết rộng lớn, bao gồm nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn sống; có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, tất cả thể hiện ở chỗ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; liên hệ chặt chẽ với đồng chí, đồng nghiệp, sống trong lòng nhân dân và cấp dưới... 

Đồng thời, năng lực lãnh đạo giữ vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không nói là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định. Ngoài những điểm cần phải có, như niềm tin, lòng trung thành, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm..., cần có trình độ nghiệp vụ nữa. Điểm sau cùng này là hết sức quan trọng, vì không có khả năng am hiểu công việc, không thành thạo chuyên môn thì “không thể lãnh đạo được”. Bởi vì, ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. 

Người đứng đầu phải thống nhất giữa lời nói và việc làm, linh hoạt và mềm dẻo, tháo vát, chủ động, đặc biệt là cần phải có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước tập thể trên cơ sở nắm bắt trúng thực tế, không nghiêng ngả trước dư luận thị phi theo kiểu “đẽo cày giữa đường”; tập hợp và xử lý kịp thời thông tin, ra quyết định đúng, trúng và phù hợp. 

Cùng với những tố chất cần phải có ở trên, để có được một năng lực lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy phải có những “đặc điểm chuyên biệt”. Đó là “sự trực giác về tổ chức” hay sự nhạy bén về tâm lý của người lãnh đạo. Tức là phải biết chọn được con đường ngắn nhất, phù hợp nhất để đi vào tâm lý mọi người một cách hiệu quả nhất, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Kinh nghiệm xác tín, các nhà lãnh đạo xuất chúng thường bỏ công để tăng lòng tự tin của nhân sự dưới quyền mình.

Cuối cùng, là phẩm chất tâm lý - đạo đức. Đối với người đứng đầu, năng lực đối thoại, sự kiên tâm, tính bền bỉ, nhã nhặn, tránh bực tức và nóng nảy thất thường là những đặc tính hết sức cần thiết. Hơn lúc nào hết, lúc này, cần nhấn mạnh thêm tính quyết đoán và sự thận trọng, tự chủ và bình tĩnh, giản dị và khiêm tốn, biết lắng nghe, khuyến khích thảo luận, tranh luận... dù trong bất cứ tình huống nào.

Người đứng đầu phải có trách nhiệm gương mẫu tự phê bình và phê bình đúng lúc và đúng mức, lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác với thái độ trân trọng, theo dõi và quan tâm tới mọi người. Nói như Aristotle: Không thể là người theo sau tốt thì cũng sẽ không thể là người lãnh đạo tốt. 

Sau cùng, phải dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và nhược điểm của mình. Tự mình phải là một tấm gương về đạo đức. Đây là việc rất cơ bản trong công việc lãnh đạo bằng phương pháp nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị.  Dù làm công tác lãnh đạo hay quản lý, người đứng đầu phải thể hiện mình trước hết là một nhà chính trị, một nhà tổ chức thực tiễn và một nhà văn hóa trọn vẹn.        

Nói như cổ nhân: Chân lý bất vong, nhân nghĩa vĩnh tồn. Người đứng đầu thể hiện hai điều đó: Nhìn ra, nắm lấy, hành động theo quy luật và giữ lấy, cố kết, phát triển Lòng người! Diễn đạt một cách hình ảnh: Người đứng đầu là người nhìn thấy trước những điều sẽ đến, những việc nhất định đến mà chưa ai nhìn ra; nói những điều cần nói ấy mà chưa ai dám nói; truyền cảm hứng lôi cuốn cộng đồng làm những việc ấy cần làm mà chưa ai dám làm; chịu trách nhiệm trước hết tất cả những công việc đó, kiên quyết bảo vệ cộng đồng hành động theo mình mà chưa ai dám chịu trách nhiệm; và là người đi sau cùng trong việc nhận lợi ích từ tất cả những công việc mà người đứng đầu nhìn, nói và làm đó.   

Từ toàn bộ những tố chất đó, có thể khái lược thành 22 chữ: Tầm nhìn - Trí tuệ - Sáng tạo - Bản lĩnh - Dân chủ - Liêm sỉ - Nhân văn - Gương mẫu - Trách nhiệm - Kỷ luật - Hy sinh.       

Vì, tốc độ của người đứng đầu, người lãnh đạo là tốc độ của tập thể, của cộng đồng và của quốc gia.

 Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu

Nếu quyền lực là quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy thì thẩm quyền là sự biểu hiện tập trung cụ thể trên thực tế của quyền lực. Thực chất quyền lực là năng lực, khả năng của một cá nhân hay tổ chức tác động đến những cá nhân, tổ chức khác phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương thức, phương tiện hay công cụ nào đó trên phương diện chính trị, lập pháp, hành chính, tư pháp, hay kinh tế, thông tin… Trong đó, quyền lực chính trị là quan trọng nhất, bao trùm, chi phối đến mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Những biến thể quyền lực và thủ đoạn hàng hóa hóa quyền lực

Nếu sự lãnh đạo có nghĩa là một nhóm người, dù lớn hay nhỏ, sẵn lòng ủy quyền, trao thẩm quyền khi họ thể hiện được tài phán đoán, trí khôn, sức lôi cuốn cá nhân, dẫn dắt cộng đồng thì thẩm quyền tự nó đã trở thành trách nhiệm và là trách nhiệm đối với người trao thẩm quyền hoặc ủy quyền và cộng đồng. Do vậy, theo nghĩa nào đó, nếu thẩm quyền không song trùng và gắn với trách nhiệm thì thẩm quyền trở nên không giới hạn; đến lượt nó, trách nhiệm trở nên vô nghĩa và thậm chí trở thành hư vô đối với thẩm quyền. Và khi đó, quyền lực tuyệt đối nhất định sẽ dẫn tới tha hóa tuyệt đối, nếu thẩm quyền không được khắc chế và kiểm soát bằng đạo đức, bằng pháp luật và các công cụ kiểm soát khác thông qua sự định vị, định lượng và định chế trách nhiệm. Khi ấy, tệ lộng quyền, lạm quyền, tiếm quyền, buôn bán, sở hữu quyền, thậm chí thoán đoạt quyền lực nhất định nảy nòi từ đây, phát tác, hoành hành và tác yêu tác quái; và trách nhiệm trở nên vô nghĩa, thậm chí bị sỉ nhục, ngay cả trách nhiệm đối với chính người nắm giữ quyền lực. Lúc ấy, không thể định chế trách nhiệm của người nắm giữ quyền lực đối với cộng đồng, với xã hội hay với đất nước nữa. 

Hiện nay, nạn tha hóa, thoái hóa quyền lực, thậm chí cả “đạo vị” (ăn trộm quyền lực) và buôn bán quyền lực dưới mọi hình thức và cấp độ làm xuất hiện những lợi ích nhóm, nhóm lợi ích trong các “liên minh ma quỷ”, có nguy cơ nảy nòi những “sứ quân”, một mặt biến những người được trao thẩm quyền thành những “ông tướng, bà tướng” tự tung tự tác, thậm chí những “ông vua con” trong “những bầu trời riêng”; mặt khác, gây chia rẽ giữa Đảng với Nhà nước và Nhân dân, phá vỡ sự thống nhất đất nước. Có thể hình dung: từ việc dùng thẩm quyền của mình để tác động không đúng, không phù hợp cho đến sự “ưu ái” đối với các lĩnh vực nhằm trục lợi cho mình và nhóm lợi ích tới việc quyết định chủ trương, chính sách, cấp phép, cấp vốn, quy hoạch, tư túng bổ nhiệm cán bộ… đều là hậu quả của sự tha hóa, thoái hóa quyền lực. Đặc biệt, sự tha hóa, thoái hóa quyền lực vừa trắng trợn vừa tinh vi, câu kết chặt chẽ ngang - dọc, trên - dưới, trong - ngoài… bằng những “luật ngầm” đã xuất hiện trong lãnh đạo, quản lý trên các phương diện kinh tế, xã hội ở nhiều nơi.

 Những sự tha hóa, thoái hóa quyền lực đều nhằm trục lợi - tức là tham nhũng dưới mọi thủ đoạn, hình thức và mức độ: từ tham nhũng kinh tế, chính trị tới tham nhũng chính sách, lòng tin - chúng cấu kết rất tinh vi, chặt chẽ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, lợi dụng các khoảng trống, thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế và chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chúng bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chà đạp lên cả luân thường đạo lý, cốt chiếm đoạt mọi thứ vì cá nhân và phe nhóm. Đáng chú ý là, sự tha hóa, thoái hóa quyền lực của không ít người đứng đầu rất đa dạng, tinh vi và thường xoay chung quanh một số cá nhân “trung tâm” hoặc “liên minh” đa trung tâm, liên kết vùng, thậm chí cả ở ngoài nước nhưng núp sau tấm bình phong tập thể, cộng đồng, thậm chí “nhân danh” quốc gia, dân tộc. Mặt khác, thực tiễn đang cho thấy, việc phát hiện và xử lý các vụ việc có liên quan đến tha hóa, thoái hóa quyền lực thường rất khó khăn, phức tạp, vì nó gắn với người có chức vụ, có quyền hạn nên có mối quan hệ chằng chịt, đa dạng, có không ít trường hợp được bao che, thậm chí phản kích quyết liệt lại lực lượng kiểm tra, thanh tra, giám sát và các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật. 

Hệ lụy của sự tha hóa quyền lực và tệ nạn chung quanh quyền lực

Tha hóa, thoái hóa quyền lực rất dễ dẫn tới ngộ nhận quyền lực, lạm quyền, lộng quyền, cuồng quyền, thậm chí nạn trộm cắp, buôn bán quyền lực và cả sự thoán đoạt quyền lực. Từ sở hữu quyền lực tới trộm cắp chức vụ hay đạo vị, buôn bán quyền lực là một bước chuyển hóa rất ngắn, chỉ trong gang tấc và hiểm họa khôn lường. Ngay từ tháng 6.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm)”. “Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật úy lạo. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử”. Người coi các loại cán bộ “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên”, “cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư...” đều là BẤT LIÊM “mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”.   

Từ trộm cắp chức vụ tới buôn quan, bán tước, thoán đoạt quyền lực chỉ là một vệt trượt ngắn, rất ngắn nhưng hiểm họa chết người khôn lượng.Ngày 19.8.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục cảnh báo: Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại. 

Không ít nơi do buông lỏng sự kiểm soát quyền lực đã và đang phạm vào lỗi đó.

Thực tế đã và đang chứng kiến không ít sự rối loạn, thậm chí phá vỡ những ranh giới giữa khuôn khổ thẩm quyền được giao với sự năng động, sáng tạo vốn rất mong manh nhưng rất đa dạng, phong phú… dẫn tới sự rối loạn hệ giá trị trong đánh giá, thẩm định, vượt ngoài khuôn khổ cho phép và làm rối loạn kỷ cương, kỷ luật ở không ít nơi. Họ thường ẩn nấp sau tấm bình phong nhân danh, chính danh, chính pháp nhưng kỳ thực để vứt bỏ chính danh, chính pháp và thay bằng thực thi sự mạo danh, đạo danh, thậm chí cả mượn danh, nặc danh vô pháp vô thiên, rắp mưu quyền lợi cá nhân, phe nhóm, phường hội. Vô hình dẫn tới nạn rũ bỏ, trốn tránh trách nhiệm theo thẩm quyền, chia cắt kỷ luật và khoanh vùng pháp luật. Rốt cuộc xâm hại và phá vỡ cả hai: thẩm quyền và trách nhiệm, làm rối loạn đạo lý, lũng đoạn kỷ cương và xâm hại pháp luật. V. I. Lê nin gọi sự “khoanh vùng” pháp luật đó là “sự man rợ”. 

Qua các vụ đại án đã xét xử gần đây càng cho thấy và cảnh báo nghiêm khắc điều đó. Nhưng đáng sợ hơn, khi bị chi phối bởi lợi ích nhóm, tệ “cát cứ phường hội” tất dẫn tình trạng thật giả lẫn lộn, phải trái bất minh, “chụp mũ” những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hoặc tấn công những người dũng khí đấu tranh chống lại nạn lạm quyền, lộng quyền, tiếm quyền, đạo quyền hoặc cố ý làm trái, sẽ làm thui chột, thậm chí phá vỡ động lực phát triển, làm rạn vỡ đội ngũ cán bộ các cấp, nguy cơ làm băng hoại không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị. 

Đó là điều hết sức nguy hiểm, có thể đe dọa vận mệnh của Đảng, sự sinh tử đối với chế độ và sự mạnh yếu của đất nước.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản