Tin mới

Xác định trách nhiệm từng chủ thể trong huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19

(Mặt trận) - Sáng 23.9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long 

Đánh giá toàn diện việc huy động vật lực, tài lực và nhân lực

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nêu rõ, giám sát chuyên đề này được triển khai nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan tình hình và kết quả thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong mỗi nội dung nêu trên sẽ làm rõ tình hình, thực trạng và thực hiện chính sách, pháp luật; kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập; nguyên nhân (chủ quan, khách quan); bài học kinh nghiệm, đặc biệt là mối quan hệ và bài học kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng với công tác phòng chống dịch.

Đồng thời, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khả thi của chính sách, pháp luật; làm rõ ưu, nhược điểm của việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với từng nội dung, lĩnh vực giám sát. Xác định trách nhiệm của các chủ thể, đối tượng giám sát liên quan đến từng nội dung giám sát. Đề xuất, kiến nghị giải pháp để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý nhằm phát huy các kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng chủ thể có liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền với thời hạn, lộ trình cụ thể, phù hợp. Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về các nội dung giám sát.

Về nội dung giám sát, căn cứ các văn bản hiện hành của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành (103 văn bản về việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; 59 văn bản về y tế cơ sở, y tế dự phòng), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đối với việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch sẽ phân tích trên các khía cạnh nguồn lực (tài lực, vât lực) và nhân lực. Trong đó, nguồn lực bao gồm ngân sách nhà nước, Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, viện trợ ngoài nước, các chính sách tài khóa, các chính sách tiền tệ; nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước. Nhân lực bao gồm lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch được huy động trong ngành Y tế, Quân đội, Công an; lực lượng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đối với việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế cơ sở, Đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá việc ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở; hệ thống tổ chức y tế cơ sở, mối quan hệ giữa các cơ sở thuộc tuyến y tế cơ sở và việc đáp ứng với thực hiện chức năng nhiệm vụ; cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với y tế cơ sở; phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính cho y tế cơ sở; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực bảo đảm cho hoạt động của y tế cơ sở; kết quả thực hiện bao gồm các nhiệm vụ thường xuyên và trong phòng, chống đại dịch (phòng, chống dịch Covid-19), ứng phó với thảm họa. Đồng thời, đánh giá việc tổ chức bộ máy y tế dự phòng, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế dự phòng.

Về phạm vi giám sát, đối với việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ thực hiện giám sát trên phạm vi cả nước, thời gian từ ngày 1.1.2020 đến 31.12.2022. Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước, thời gian từ ngày 1.1.2018 đến hết 31.12. 2022.

Giám sát của Quốc hội không làm thay cơ quan kiểm tra, thanh tra

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tich Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, Đoàn giám sát đã chuẩn bị kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo giám sát rất kỹ lưỡng, đặc biệt đã chủ động tiến hành khảo sát, nghiên cứu, họp nhiều lần, chuẩn bị tài liệu công phu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trên cơ sở chuẩn bị hiện nay tiếp tục hoàn thiện để trình Hội nghị giám sát toàn quốc ngày 27.9 tới, ban hành các kế hoạch, đề cương sau khi gửi xin ý kiến Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố.

Về mục tiêu của cuộc giám sát này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, một chức năng quan trọng của Quốc hội là thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng pháp luật, để trên cơ sở đó các khối, cơ quan thực hiện. Do vậy, nên chăng trước tiên cần tiến hành tổng hợp các chủ trương, chính sách, pháp luật, văn bản hướng dẫn của các tổ chức, cơ quan, nhất là về khối hành pháp để tổ chức thực hiện và cuối cùng là khâu tổ chức thực hiện như thế nào. Nói cách khác, trước tiên cần thực hiện tổng hợp các chủ trương, pháp luật, chính sách để xác định có cơ sở, căn cứ để đánh giá đối với chuyên đề giám sát này.

Trong đó, về huy động nguồn lực phòng, chống dịch, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, gốc của công tác này là các nghị quyết, chủ trương của Trung ương và Nghị quyết 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, cũng như nhiều nghị quyết liên quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định có ban hành văn bản hướng dẫn triển khai kịp thời, bao phủ không và Chính phủ triển khai thực hiện như thế nào.

Nói đến cùng, hoạt động giám sát của Quốc hội là nói đến trách nhiệm giải trình. Qua các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải tỏa được trách nhiệm giải trình cho cơ quan hành pháp, cho Chính phủ. Nhấn mạnh mục đích này của hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua giải trình sẽ làm rõ có thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay không, mặt nào là tốt, mặt nào được, mặt nào còn tồn tại, yếu kém, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, giám sát của Quốc hội không làm thay cơ quan kiểm tra, thanh tra, mà là giám sát tổng hợp. Đoàn giám sát của Quốc hội không thể đi tính từng con số, vì không có chức năng này, cũng không đủ khả năng thực hiện. Hơn nữa, cơ quan kiểm toán đã làm trước nên không cần thiết làm lại công tác này, chỉ làm sâu hơn một số vấn đề phát hiện được qua nghiên cứu các báo cáo, số liệu.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao đề xuất Kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát cần hoàn thiện hơn Kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo, trong đó làm rõ mục tiêu, yêu cầu của chuyên đề giám sát này trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Đoàn giám sát cần phát huy các kết quả từ hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán về nội dung giám sát thời gian qua. Đặc biệt, chú ý nghiên cứu các báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, báo cáo tuần, hàng tháng của Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 liên quan tới công tác phòng, chống Covid-19; các văn bản, tài liệu đã có.

Về nội dung giám sát, trên cơ sở Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, Thường trực Đoàn giám sát cần nghiên cứu viết gọn, rõ về vấn đề này, qua đó cho thấy trọng tâm, trọng điểm của giám sát; làm rõ trách nhiệm giải trình và đề xuất các giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thời gian tới.

Về các đối tượng báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, không yêu cầu Thường trực HĐND cấp tỉnh bắt buộc báo cáo. Theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND để thực giám sát tại địa phương và có báo cáo chung. Tuy nhiên, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng khuyến khích Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát riêng và có báo cáo kết quả giám sát riêng.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản