|
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Đây là công việc hết sức hệ trọng bởi chính những cán bộ do Đảng tin tưởng giới thiệu đảm nhận những trọng trách trong bộ máy Nhà nước là người thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đưa các quyết sách lãnh đạo của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể, sát hợp với thực tiễn phát triển đất nước, để qua đó phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng.
Cẩn trọng trong lựa chọn cán bộ
Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc,” “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.”
Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu, từ tuyển chọn, nhận xét, đánh giá cán bộ đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ... Mỗi khâu có vai trò, ý nghĩa quan trọng khác nhau, trong đó, công tác quy hoạch cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, đã được Đảng khẳng định trong “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”: Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Những năm gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận về công tác quy hoạch cán bộ. Trong đó phải kể đến Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo;” Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ góp phần tạo sự chủ động, khắc phục tình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Đây chính là sự cụ thể hóa quyết tâm liên tục đổi mới, tập trung sức lãnh đạo nâng cao công tác quy hoạch cán bộ, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng.
Nhiều năm qua, công tác quy hoạch có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực cả về chất lượng, quy trình và cách làm. Đặc biệt để chuẩn bị nguồn cán bộ cho khóa XIII, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, trên cơ sở tổng kết công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 (số 11-KH/TW, ngày 06/11/2018) bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, hiệu quả; có nhiều nội dung đổi mới về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, cách làm đối với từng nhóm chức danh; đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu trong công tác giới thiệu, đề xuất và thẩm định nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Các cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, về cơ bản bảo đảm số lượng, cơ cấu, chất lượng; đã được đào tạo qua 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ cấp chiến lược, là nguồn nhân sự hết sức quan trọng để chủ động chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
Để quy chuẩn nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, đặc biệt từ khi Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ra đời, đã có nhiều văn bản của Đảng về công tác đánh giá cán bộ. Trong đó nổi bật là Quy chế đánh giá cán bộ, công chức (ban hành theo Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 8/2/2010 của Bộ Chính trị khóa X). Điểm đáng lưu ý trong công tác đánh giá cán bộ là với các nội dung thuộc chức trách, nhiệm vụ và hiệu quả, hiệu lực trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, ngoài việc đánh giá theo tiêu chí định tính (phân loại theo các mức xuất sắc, tốt, hoàn thành và không hoàn thành, có vi phạm) còn có các tiêu chí định lượng (tỷ lệ phần trăm mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân và của tổ chức hoặc ngành, lĩnh vực được giao phụ trách).
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, Bộ Chính trị (khóa XII) có Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Khung tiêu chí đánh giá cán bộ đã quy định rõ 2 nhóm tiêu chí: Về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó, có những tiêu chí chung và những tiêu chí đặc thù cho 6 chức danh cán bộ của hệ thống chính trị, bao gồm cơ quan tham mưu của Đảng; cơ quan hành chính nhà nước; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; lực lượng vũ trang; tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân. Nội dung đánh giá cho một chức danh cụ thể là những chức trách, nhiệm vụ của chức danh đó theo quy định của Đảng, Nhà nước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có thẩm quyền nhận xét, đánh giá cán bộ do mình quản lý.
Quy định 89 đề ra khung tiêu chí xếp loại cán bộ với 4 mức: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài các tiêu chí có tính cá nhân, Quy định ràng buộc rất chặt chẽ trách nhiệm cá nhân trước tập thể. Với nhiều điểm mới, các quy định đã khắc phục những hạn chế trong đánh giá, phân loại cán bộ trước đây. Lần đầu tiên, một khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị dựa trên tiêu chuẩn chức danh cán bộ đã được xác lập, trong đó có những tiêu chí về nội dung (phẩm chất, năng lực), những tiêu chí về cấp độ (phân theo 4 loại) và có tiêu chí đặc thù (gắn với chức danh cán bộ). Lần đầu tiên, Bộ Chính trị xác lập được tiêu chí đánh giá rất cụ thể với yêu cầu rất cao đối với cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý - những người giữ vị trí chủ chốt, trọng yếu của Đảng, Nhà nước.
Tiêu chuẩn cán bộ và khung tiêu chí đánh giá từng loại cán bộ được ban hành theo Quy định 89, Quy định 90 đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đấu tranh không khoan nhượng với tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây cũng là công cụ để Đảng kiểm soát quyền lực cán bộ, nhân dân giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng quyền lực được giao.
Đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định tới việc sắp xếp, sử dụng cán bộ hiệu quả. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ... trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp...
Trọng dụng người có đức, có tài
Quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, trong đó có công tác sử dụng cán bộ. Dấu ấn trong nhiệm kỳ XII là đã đẩy mạnh thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn trong sử dụng cán bộ.
Tại Thông báo Kết luận về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng,” Bộ Chính trị nhấn mạnh: Đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là nhiệm vụ quan trọng, nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước...
Thực hiện Đề án này nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác; đóng góp trí tuệ, sức lực cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý; hạn chế và loại trừ dần dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý tại các bộ, ban, ngành, địa phương.
Theo chỉ đạo của Ban Bí thư, đến cuối năm 2020, 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Sau gần 3 năm thực hiện, 12/14 cơ quan Trung ương đã tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, 42 ứng viên đã trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên; cấp phòng có 10 ứng viên).
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 17/22 địa phương đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên; cấp phòng có 335 ứng viên).
Đổi mới công tác tuyển chọn mới chỉ là bước đầu, vẫn còn một số điều cần rút ra bài học kinh nghiệm qua thí điểm và cần sự kiểm chứng bằng thực tế công việc sau bổ nhiệm của các ứng viên ở vị trí mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực công tác tổ chức xây dựng Đảng và một số ứng viên tham dự thi tuyển, cách làm này tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, trao cơ hội phát triển như nhau cho những người đủ tiêu chuẩn; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Sự đổi mới này là cơ sở để phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, qua đó cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước.
Khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới
Dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên phát huy năng lực, sở trường trong công tác, ngay đầu nhiệm kỳ XIII, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Điều này một lần nữa khẳng định đây là vấn đề được Đảng rất quan tâm, qua đó giúp cán bộ đảng viên tự tin hơn, dám bước qua những lối mòn, những thách thức, có thêm những cơ hội để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.
Kết luận 14-KL/TW là sự cụ thể hóa những nội dung đã được Đại hội XIII quyết định. Một trong những phương hướng của nhiệm kỳ XIII đã được Đảng xác định là xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, Kết luận 14-KL/TW cũng nêu vấn đề “khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”. Những dự liệu này góp phần tạo niềm tin và động lực để cán bộ, đảng viên dám dấn thân cống hiến vì lợi ích chung.
Việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là giải pháp căn cơ đối với công tác cán bộ, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương và rộng hơn là sự phát triển của cả đất nước. Đây chính là cơ chế tạo động lực cho sự đổi mới, bứt phá, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, phát triển đúng như tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã xác định./.
Quỳnh Hoa