Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa bàn dân cư có nhiều đổi mới
Trong dịp kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2017), mặc dù nhiều địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ, song đã có hơn 100.000 khu dân cư trong cả nước (tỷ lệ 95% tổng số khu dân cư) tổ chức được Ngày hội Đại đoàn kết với không khí đầm ấm, vui tươi (trong đó trên 60% khu dân cư tổ chức bữa cơm Đại đoàn kết).
Nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, đông đảo cán bộ, đảng viên đã về chung vui với các khu dân cư trong cả nước. Đã có 14 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, 03 đồng chí Ban Bí thư, 22 đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng công tác tại cơ quan Trung ương về tham dự Ngày hội ở 40 khu dân cư tại 24 tỉnh, thành phố. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội tại thành phố Hải Phòng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Ngày hội tại tỉnh Bắc Giang. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Ngày hội tại tỉnh Bắc Kạn và phường Điện Biên, TP. Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Ngày hội tại tỉnh Hòa Bình và Nghệ An. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự Ngày hội tại tỉnh Phú Thọ và Thừa Thiên - Huế. Nhiều địa phương gắn việc tổ chức Ngày hội với trao nhà Đại đoàn kết, tặng quà hộ nghèo, phát triển quỹ khuyến học, vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Việc duy trì tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết là một phương thức quan trọng để đoàn kết, tập hợp gắn bó các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Khối đại đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo ngày càng được tăng cường, củng cố
Thực hiện các kết luận của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc”, “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo” và Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã thường xuyên thăm hỏi, động viên, chăm lo và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo, người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng.
Tổ chức được nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa đồng bào các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo với lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền; tổ chức các hoạt động gắn kết giữa các tôn giáo trên địa bàn; vận động, hóa giải những bất đồng và bức xúc trong các tầng lớp nhân dân. Năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức được 170.193 buổi tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cho 9.576.126 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tập hợp xây dựng 2.578 báo cáo tổng hợp từ 113.241 ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh đến cơ quan Đảng, Nhà nước. Tổ chức 7.271 cuộc thăm hỏi, gặp mặt, tiếp xúc đồng bào các dân tộc với 346.677 lượt người tham gia. Tổ chức 9.186 cuộc thăm hỏi, gặp mặt, tiếp xúc đồng bào các tôn giáo với 589.066 lượt người tham gia. Tổ chức 1.186 cuộc gặp mặt biểu dương tổng cộng 26.990 điển hình tiên tiến, người uy tín, tiêu biểu ở cơ sở.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã khơi dậy nhiều sáng kiến hay, cách làm hiệu quả từ cơ sở
Từ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã hình thành nhiều mô hình, sáng kiến của Mặt trận góp phần hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đã đồng loạt triển khai việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; vận động nhân dân ủng hộ nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển các mô hình tự quản trong cộng đồng; nhân rộng các mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu. Nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển các hợp tác xã kiểu mới trong xây dựng nông thôn mới, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khảo sát và làm việc với nhiều địa phương; xây dựng báo cáo chuyên đề và phối hợp với Chính phủ tổng kết 5 năm thi thành Luật Hợp tác xã 2012; khảo sát trong cả nước, lựa chọn xây dựng cuốn sách “Những hợp tác xã kiểu mới điển hình tiên tiến giai đoạn 2014 - 2016”. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã đóng góp quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Tính đến cuối tháng 11/2017, cả nước đã có 2.884 xã (chiếm tỉ lệ 32,30%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt chỉ tiêu đề ra là 31%); tính đến hết 15/12/2017, cả nước có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt chỉ tiêu 5 đơn vị).
Chủ động, kịp thời phát động và triển khai các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ người nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Năm 2017, thiên tai bão lũ liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức các đợt phát động và ra lời kêu gọi nhân dân toàn quốc ủng hộ giúp đỡ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra. Tính đến ngày 15/12/2017, tổng số tiền Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp vận động và tiếp nhận từ các nguồn đóng góp hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai là 607,070 tỷ đồng. Trong đó Trung ương tiếp nhận số tiền 51 tỷ đồng; địa phương tiếp nhận 556,070 tỷ đồng. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phân bổ đến các tỉnh bị thiệt hại số tiền là 46,585 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chi hỗ trợ số tiền là 396,767 tỷ đồng.
Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhân Tháng cao điểm vì người nghèo, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp "Chung tay vì người nghèo" năm 2017 tại hai điểm cầu TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chương trình đã tiếp nhận ủng hộ và cam kết ủng hộ người nghèo số tiền hơn 264 tỷ đồng.
Năm 2017, Quỹ “Vì người nghèo” ở bốn cấp nhận được 919,483 tỷ đồng; các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ trực tiếp 3.096 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội ở các địa phương. Cả nước đã giúp đỡ xây dựng và sửa chữa 32.414 căn nhà Đại đoàn kết; giúp đỡ, hỗ trợ 155.423 hộ nghèo phát triển sản xuất, 2.729.328 lượt người nghèo được khám chữa bệnh, 322.114 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ xây dựng 1.305 công trình dân sinh (cầu, đường, lớp học, trạm xá…).
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra lời kêu gọi và tổ chức Lễ phát động thực hiện 3 tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Qua 3 tháng cao điểm, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở 4 cấp đã tiếp nhận gần 200,6 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 26.882 căn nhà cho người có công với tổng giá trị hơn 737 tỷ đồng.
Công tác giám sát và phản biện xã hội được triển khai đồng bộ trong hệ thống Mặt trận với chất lượng, hiệu quả cao hơn
Năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức thành viên triển khai 11 chương trình giám sát cấp Trung ương. Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đã triển khai tổ chức 850 cuộc giám sát cấp tỉnh; 4.469 cuộc giám sát cấp huyện và 45.584 cuộc giám sát cấp xã. Cùng với giám sát độc lập, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã cử đại diện tham gia các đoàn giám sát của các tổ chức thành viên và các cơ quan nhà nước ở địa phương 22.450 cuộc. Cấp Trung ương và nhiều địa phương đã thực hiện tốt giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức được 15.745 cuộc phản biện xã hội và 32.064 công việc, nội dung tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Phát huy vai trò các tầng lớp nhân dân và các tổ chức thành viên trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Hưởng ứng quyết tâm của Đảng và Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động và hướng dẫn trong toàn hệ thống Mặt trận nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng về công tác xây dựng Đảng. Phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động, triển khai Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Sau một năm phát động, đã có 1.126 tác phẩm báo chí (phát thanh, báo in, báo điện tử, báo giấy) tham gia. Ngày 02/01/2018, Ban Tổ chức đã tổng kết và trao 31 giải A, B, C và Khuyến khích. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm giải pháp “Mặt trận Tổ quốc Việt giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”; “Thực trạng, giải pháp Mặt trận tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; duy trì việc tổng hợp và xử lý thông tin nhanh (hàng tuần) phản ánh trên báo chí về chống tham nhũng, lãng phí.
Công bố “Sách vàng sáng tạo Việt Nam” năm 2017 và phát động phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo” trong các tầng lớp nhân dân
Nhằm tôn vinh và giới thiệu những công trình sáng tạo khoa học, công nghệ trong các tầng lớp nhân dân, nhân dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ công bố “Sách vàng sáng tạo Việt Nam” năm 2017. Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã công bố và biểu dương 72 công trình tiêu biểu của tác giả, nhóm tác giả.
Để tiếp tục khơi dậy tinh thần sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, hưởng ứng phong trào "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc“ do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và phát biểu tại buổi lễ.
Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận cấp xã và Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017
Kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2017), nhằm tôn vinh và ghi nhận những kết quả nổi bật của cán bộ Mặt trận ở cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã dự và phát biểu tại Hội nghị. Hội nghị đã biểu dương và trao 51 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 391 bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng Ban công tác Mặt trận tiêu biểu có nhiều thành tích trong công tác Mặt trận giai đoạn 2014-2017.
Trong chương trình Hội nghị, các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các anh hùng - liệt sĩ Bắc Sơn, thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và thăm Tòa nhà Quốc hội. Những tấm gương Chủ tịch Mặt trận cấp xã và Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng sẽ là những hạt nhân tạo nên sức lan tỏa trong cộng đồng, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.
Tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia
Năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia; tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, đoàn kết nhân dân biên giới.
Ngày 25/6/2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia tại Hà Nội, Việt Nam. Ngày 14/7/2017 tổ chức Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị Việt Nam - Lào tại tỉnh Quảng Bình, Việt Nam; ngày 16/8/2017 phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển Campuchia - Việt Nam tại tỉnh Kam Pot, Vương quốc Campuchia. Trong năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh có chung đường biên giới đã tổ chức được 330 hoạt động giao lưu nhân dân với 16.097 người tham gia.
Hoàn thiện các cơ chế đảm bảo, nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam nhiều địa phương tiếp tục tham mưu cho Đảng, phối hợp với cơ quan nhà nước và các tổ chức thành viên xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách, thống nhất phương thức phối hợp, hình thành các cơ chế đảm bảo cho hoạt động của MTTQ Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến nay hầu hết các Tỉnh ủy, Thành ủy và cấp ủy cấp huyện đã có văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động.
Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 07/10/2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đến nay hầu hết Ủy ban nhân dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện đã rà soát, ký kết triển khai các quy chế, chương trình phối hợp. Ngày 15/6/2017, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Nghị quyết liên tịch số 403/NQLT quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đây là văn bản pháp lý quan trọng giữa Mặt trận với các cơ quan cao nhất của Nhà nước để triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội. Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn kinh phí đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
Hiện nay, Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang duy trì 05 quy chế phối hợp; 02 nghị quyết liên tịch; 26 chương trình phối hợp với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các ban, bộ, ngành và các tổ chức thành viên ở Trung ương, trong đó có 11 chương trình phối hợp về công tác giám sát. Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã triển khai tổng số 683 chương trình phối hợp (242 chương trình ký kết mới năm 2017; bình quân 11 chương trình/1 tỉnh), trong đó 80% các chương trình phát huy hiệu quả tốt (661 chương trình).
Cấp Trung ương đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo khoa học về các lĩnh vực đem lại hiệu quả thiết thực như: đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách; phát huy vai trò của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; phát huy vai trò các hội đồng tư vấn, ban tư vấn; giải pháp tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên; giải pháp thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân… Năm 2017, cấp Trung ương tập huấn trực tiếp cho 260 cán bộ Mặt trận cấp tỉnh; bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Mặt trận cho 485 cán bộ Mặt trận cấp tỉnh và cấp huyện. Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đã mở 1.289 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 129.422 lượt cán bộ Mặt trận và Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam