(Mặt trận) -Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, những năm qua, tỉnh An Giang đã đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, với nhiều cách làm hay, thiết thực. Qua đó, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị, tích cực đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM)...
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang Võ Nguyên Nam cho biết: Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành các quy định, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội chủ động chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị và gắn với công tác tuyên truyền, triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động đến đoàn viên, hội viên và nhân dân.
|
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Nguyên Nam tặng quà cho người nghèo |
Các cấp chính quyền phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa Chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về công tác dân vận, giai đoạn 2021-2025; thường xuyên rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế xã hội, chăm lo cho nhân dân.
6 tháng đầu năm 2022, tỉnh trợ cấp cho hơn 86.000 đối tượng bảo trợ xã hội, 7.000 người có công với cách mạng, với số trên 383 tỷ đồng; giúp đỡ 259 trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; giải quyết cho trên 11.847 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp với kinh phí gần 200 tỷ đồng. Các ngành, địa phương đã tổ chức tiếp 2.170 lượt đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân theo đúng quy định.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân. Đặc biệt, một số cấp ủy Đảng đã xác định chủ đề trọng tâm của năm là hướng về cơ sở, lắng nghe dân nói; ưu tiên tập trung giải quyết nhiều vụ việc kéo dài góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn không để phát sinh thành điểm nóng.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Công tác giám sát và phản biện xã hội từng bước đi vào trọng tâm và hiệu quả; nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết và phản hồi.
|
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Nguyên Nam dự bàn giao nhà Đại đoàn kết cho người nghèo ở huyện Phú Tân |
Hệ thống dân vận các cấp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy triển khai thực hiện và phát huy vai trò thường trực ban chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố, kiện toàn, thành viên ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong tất cả các loại hình hoạt động. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” từng bước đi vào chiều sâu đã phát huy vai trò chủ thể và sự đồng thuận của nhân dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới được xem là một trong những thành công của An Giang, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân hiểu, đồng thuận và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua các hoạt động, như: Hiến đất cho các công trình chung của địa phương, xây cầu nông thôn, cất nhà ở cho hộ nghèo đã góp phần chia sẻ gánh nặng kinh phí cho ngân sách nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có 68/116 xã đạt chuẩn xã NTM; 27 xã được công nhận đạt tiêu chuẩn xã NTM nâng cao. Ngoài ra, tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, huyện Thoại Sơn).
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang Võ Nguyên Nam nhấn mạnh: Thời gian tới, tỉnh tập trung nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2020-2025) và trong bầu cử trưởng, phó trưởng ấp, khóm (nhiệm kỳ 2022-2027) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình, mô hình tốt về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến nhân dân về xây dựng các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của nhân dân; tích cực thực hành dân chủ, tạo nền nếp và những chuyển biến mới, tích cực ở cơ sở.
Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở; tăng cường phát huy dân chủ trong Đảng, công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền; đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, kiên trì chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, đề cao trách nhiệm lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở.
Ngoài ra, gắn thực hiện dân chủ cơ sở với xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; giám sát trách nhiệm, ý thức chấp hành và gương mẫu thực hiện của cán bộ, đảng viên, công chức. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân của một bộ phận cán bộ, công chức và đảng viên.
TRUNG HIẾU