Tin mới

Ảnh báo chí trong “cơn lốc” thông tin trên Internet hiện nay

(Mặt trận) - Ảnh báo chí giúp cho độc giả nhanh chóng và dễ dàng tiếp nhận thông tin, giúp truyền tải những thông tin mà văn tự chưa thể nói hết được.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Lý luận và thực tiễn ảnh báo chí

Ở giai đoạn phát triển nào của xã hội thì ảnh báo chí vẫn là một phương tiện thông tin thị giác có nhiều tác dụng. Nó là sự hình tượng hóa của ngôn từ và còn có giá trị làm cho bài viết thông thoáng, rõ ràng, tạo sự nghỉ mắt cho độc giả khi đọc.

Ảnh báo chí giúp cho độc giả nhanh chóng và dễ dàng tiếp nhận thông tin, giúp truyền tải những thông tin mà văn tự chưa thể nói hết được.

Đơn cử, khi đất nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thì ảnh báo chí của chúng ta được đặt ở vị trí xung kích, có vai trò to lớn trong các thể loại báo chí.

Có thể ảnh báo chí ra đời muộn hơn so với một số thể báo chí khác, nhưng lại đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động báo chí.

Với xu hướng làm báo hiện đại ngày nay thì ảnh báo chí luôn là một phần không thể thiếu trong việc cung cấp nội dung toàn diện đến người đọc.

Một bức ảnh báo chí có thể truyền tải đến người đọc những nội dung đầy đủ như là một bài báo viết hàng trang giấy.

 Bức ảnh Em bé Napalm của Nick Ut. Trung tâm bức ảnh là Kim Phúc, 9 tuổi, đang khóc trong đau đớn. Quần áo của cô bé bị thiêu cháy trong khi từng mảng da rộp lên vì bỏng. Bức ảnh đã làm thay đổi cái nhìn của thế giới về chiến tranh Việt Nam, thổi bùng phong trào phản chiến ở Mỹ. (Tác giả Nick Ut đã giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer)

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, mỗi bức ảnh báo chí (ảnh thời sự) đều mang đến cho người xem một cảm xúc bởi tính chân thật và thông tin mà nó mang đến.

Chúng ta không quên những tác phẩm nổi tiếng có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao như: “O Du kích nhỏ” của Phan Thoan, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của Minh Trường, “Chiếm Căn cứ Đầu Mầu” của Đoàn Công Tính, “Tải đạn” của Lê Chí Hải... và hàng trăm bức ảnh thời sự nổi tiếng khác.

 Bức ảnh O du kích nhỏ sau khi ra đời đã gây được tiếng vang rất được coi là nguồn động viên cho cuộc chiến đấu của quân đội và nhân dân miền Bắc Việt Nam chống lại chiến tranh phá hoại của Không quân Hoa Kỳ (nguồn ảnh: Internet).

Nhiếp ảnh chỉ chụp được những hình ảnh nhìn thấy, sờ thấy. Đó chính là yếu tố quyết định để nhiếp ảnh nói chung và ảnh báo chí nói riêng mang tính chân thực mà không một môn nghệ thuật nào có được.

Theo các nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh thì sự tồn tại của ảnh báo chí trước hết là tính tài liệu, thiếu vắng nó ảnh báo chí chỉ là hình ảnh trang trí, ít giá trị.

Tuy nhiên, để làm nên một tác phẩm ảnh báo chí thực sự thì tính tài liệu cũng cần xem xét với tính nghệ thuật của ảnh.

 Đường về - Ảnh: Ngô Văn Nhung

Theo thống kê của ông Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trong Tham luận tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng ảnh báo chí”, trên báo hiện nay, số lượng ảnh xuất hiện không phải là ít. Nhìn chung tỷ lệ ảnh sử dụng trên các báo khá cao.

Hầu hết ảnh đăng báo của chúng ta hiện nay là ảnh kèm theo tin, bài; có tính chất bổ trợ trực quan cho tin, bài, minh họa cho tin, bài chứ chưa được các cơ quan báo chí và các nhà báo chúng ta tao nên những tác phẩm ảnh báo chí độc lập, có sức nặng như khả năng có thể của thể loại báo chí này.

Ở thời điểm hiện tại thì mới chỉ số ít cơ quan báo chí quan tâm đến việc này, mà đó lại là các Tạp chí chuyên ảnh như Báo ảnh Việt Nam chẳng hạn.

 Nghệ nhân bánh giầy - Ảnh: Phạm Thành Nghiệp.

Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ, không chỉ các loại máy ảnh được cải tiến hơn, có những chế độ tốt hơn và đặc biệt là sự xuất hiện của những chiếc điện thoại chụp được ảnh khiến việc chụp ảnh trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.

Một câu hỏi được đặt ra là việc sử dụng nhưng bức ảnh chụp bằng điện thoại có thể làm một bức ảnh báo chí theo những chuẩn mực trước đây có được không? Câu trả lời là hoàn toàn có và nó là một hiện tượng rất phổ biến đối với các phóng viên, nhà báo bây giờ.

Ảnh chính là yếu tố đầu tiên thu hút sự chú ý của người đọc. Chính vì thế, các hình ảnh trên mỗi tin, bài của các trang báo mạng điện tử đều có kích thước khá lớn.

Đối với báo điện tử, việc cập nhật thông tin đòi hỏi sự nhanh chóng chính xác, việc chụp ảnh đưa tin về một vụ việc nóng có thể hình ảnh không được nét, không có những tiêu chí như chiều sâu, khuôn hình nhưng nó đảm bảo phản ánh nhanh nhất về sự việc thì vẫn được dùng.

Chính ưu thế cập nhật thông tin nhanh chóng của báo điện tử lại dẫn đến những hạn chế nhất định đối với chất lượng của tác phẩm báo chí. Vấn đề đặt ra đó là chất lượng hình ảnh trong các tin bài lại khá mờ gây khó chịu cho người đọc.

 Thạc sĩ Phạm Quốc Cường, Tổng thư ký toà soạn điện tử Phapluatplus.vn trao giải Báo chí bình chọn tại Triển lãm Nhiếp ảnh sinh viên Đại học SKDA "Kết nối đam mê" 2016.

Là một cơ quan trẻ mới được thành lập, tòa soạn điện tử Pháp luật Plus - Báo Pháp luật Việt Nam đã tận dụng một cách tối đa nhất, triệt để nhất, khai thác và truyền tải thông tin đa phương tiện nhanh chóng chính xác và kịp thời tới độc giả.

Trong đó chủ đạo là truyền thông đa phương tiện gồm ảnh báo chí, truyền hình trên báo điện tử và audio và đây chính là sự tổng hòa của các loại hình báo chí trên báo điện tử như báo nói, báo hình, báo điện tử.

Đối với ảnh báo chí, hầu hết biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên tòa soạn Pháp luật Plus đã tận dụng phương thức khai thác thông tin, hình ảnh một cách tối đa nhất, triệt để nhất, kịp thời thông tin chính xác tới người đọc.

Đơn cử, khi xảy ra một vụ hỏa hoạn, một vụ giải cứu con tin, một sự kiện nóng được dư luận quan tâm, trước cơn khát thông tin của độc giả, những phóng viên phải tận dụng bằng những thiết bị cá nhân như điện thoại di động, máy tính bảng… để nhanh nhất có được hình ảnh và chuyển về tòa soạn.

 Mẹ ngồi xỏ chỉ luồn kim - Ảnh: Hoàng Đông.

Cách tác nghiệp đặc biệt và cũng là xu hướng hiện nay đó là phóng viên Pháp luật Plus, chỉ cần một chiếc điện thoại di động có kết nối internet, tất cả mọi thông thời sự, ảnh thời sự sẽ được chuyển ngay tới tòa soạn nhanh hơn rất nhiều lần so với cách gửi nội dung truyền thống.

Tại tòa soạn Pháp luật Plus, không chỉ có ảnh báo chí, mà còn là sự kết hợp với các yếu tố truyền thông đa phương tiện, là sự tích hợp của ảnh với ít nhất một yếu tố truyền thông hiện đại.

Một sản phẩm ảnh báo chí kết hợp với các yếu tố truyền thông đa phương tiện tốt là khi các yếu tố truyền thông kết hợp nhuần nhuyễn với nhau và hỗ trợ đắc lực cho đề tài cần thể hiện.

Phương hướng và giải pháp

Ở Việt Nam trước đây, không có nhiều trường đào tạo chính qui về ảnh báo chí. Trong đó, chương trình đào tạo chưa thực sự chuyên nghiệp cũng như giáo viên giảng dạy không được đào tạo chuyên sâu về  ảnh báo chí, do vậy các phóng viên ảnh ra trường đều phải “đào tạo lại”.

Tuy nhiên gần đây, do đổi mới phương pháp giảng dạy nên các trường đào tạo đã có những buổi học hấp dẫn sinh viên. Các trường báo chí đã mời các nhà báo có tên tuổi tham gia giảng dạy với những kinh nghiệm thực tế. Do vậy sinh viên rất hứng thú khi được nghe và tương tác trực tiếp các phóng viên ảnh có kinh nghiệm.

Mặt khác, việc tuyển phóng viên, biên tập viên của một số toà soạn báo hiện nay là lựa chọn những người đã có sản phẩm hoặc từ đội ngũ cộng tác viên đã trải qua thời gian cộng tác với báo.

 Một góc triển lãm ảnh "Kết nối đam mê" của khoa Nhiếp ảnh trường ĐH SKĐA Hà Nội.

Hiện nay, một số toà soạn không coi trọng khâu ảnh báo chí, hầu hết là không có phóng viên ảnh chuyên sâu, thường là phóng viên viết bài kiêm nhiệm chụp ảnh.

Chính vì thiếu sự chuyên nghiệp và không được đào tạo căn bản về nhiếp ảnh, đa số họ chụp theo công thức, dập khuôn. Cách chọn ảnh hơi có phần tùy tiện trên báo vẫn còn khá phổ biến.

Hơn nữa, nhiều ảnh và tin không có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Do đó, giải pháp là nên tăng cường chất lượng giảng viên, định kỳ mời các chuyên gia trong lĩnh vực ảnh báo chí đến giảng dạy thực tế cho học viên.

Ngoài ra, đối với tòa soạn báo cũng cần tập huấn những khoá đào tạo thường niên cho phóng viên, biên tập viên về ảnh báo chí và tất cả mọi đối tượng đều phải tham gia.

Thư ký tòa soạn thì cần phải nghiêm khắc, chặt chẽ trong việc lựa chọn ảnh (tiêu chí, chất lượng…) trước khi đăng bài. Tăng cường hợp tác với các tổ chức báo chí trong nước và nước ngoài cũng như các hãng cung cấp máy ảnh... để tổ chức thường niên cho phóng viên ảnh Việt Nam.

ThS. Phạm Quốc Cường

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản