Hiện nay, trong các báo cáo nghiên cứu dư luận xã hội, thường xuất hiện các cụm từ như: “dư luận cho rằng; một số ý kiến cho rằng; nhiều ý kiến cho rằng”… Nhiều người khi mới tiếp cận nghiên cứu hoặc hiểu “lơ mơ” về dư luận xã hội thì cho rằng, cứ nhắc đến dư luận là phải có các cụm từ nêu trên. Thậm chí, họ sử dụng cụm từ “dư luận cho rằng” một cách không có căn cứ, “thích” thì sử dụng trong các báo cáo tổng hợp, nghiên cứu dư luận xã hội. Thực tế, việc sử dụng các cụm từ nêu trên phải được hiểu một cách khoa học thông qua khái niệm “dư luận xã hội” và các chỉ báo khoa học để đo lường. Nhà nghiên cứu có được khái niệm và chỉ báo đo lường phù hợp thì kết quả nghiên cứu “dư luận xã hội” mới thực sự rõ ràng, thuyết phục và khoa học.
Khái niệm “dư luận xã hội”
Khái niệm “dư luận xã hội” xuất hiện lần đầu tiên trong triết học chính trị bằng tiếng Anh và tiếng Pháp ở thế kỷ XVIII. Các khái niệm về “dư luận xã hội” tương đối khác nhau và được phát triển bởi các nhà khoa học xã hội trên thế giới, theo chu trình thời gian. Cụ thể, như: Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) là người sáng lập và phổ biến thuật ngữ dư luận với tác phẩm L’opinion publique viết vào khoảng năm 1774, trong đó nhấn mạnh sự xem xét các khía cạnh chính trị của dư luận hơn là coi dư luận với tư cách là một hiện tượng xã hội1 (Rousseau J.J, 1774). Vào thế kỷ XIX, Wiliam Alexander Makinnon (1784 - 1870) nêu quan điểm: “Dư luận có thể được coi là dạng tình cảm ở bất cứ chủ thể nhất định nào. Chúng được quan tâm bởi những người có hiểu biết nhất, thông minh nhất và có đạo đức nhất trong cộng đồng. Chúng dần dần lan truyền và được chấp nhận bởi hầu hết mọi người ở các trình độ giáo dục và trong cảm xúc riêng tư trong một quốc gia văn minh”2. Abbot Lawrence Lowell (1856-1943) đã viết: “Dư luận có thể được xác định như là sự chấp nhận của một trong hai hay nhiều hơn nữa các quan điểm trái ngược nhau, chúng có thể được chấp nhận bởi ý nghĩ hợp lý xem đó như một sự thực”. Theo Young (1923), dư luận xã hội (public opinion) là “Sự phán xét, đánh giá của các cộng đồng xã hội đối với các vấn đề có tầm quan trọng, được hình thành sau khi có sự tranh luận công khai”. Folsom (1931) cho rằng: “Dư luận xã hội là ý kiến chỉ của nhóm thứ cấp” khi có sự tham gia của công chúng hay của một nhóm thứ cấp hơn là nhóm sơ cấp, nhóm giao tiếp trực diện, chúng ta có dư luận xã hội”. Trong số đầu tiên của Tạp chí The Public Opinion Quartely (năm 1937), Floyd H. Allport (1890 -1979) định nghĩa dư luận như sau: “Dư luận xã hội có nghĩa hàm ý tới tình huống có nhiều cá nhân mà trong đó các cá nhân bộc lộ bản thân họ, hay có thể được yêu cầu bày tỏ ý kiến của họ - như tán thành, ủng hộ một số điều kiện, một số người xác định nào đó, hay một đề xuất quan trọng phổ biến, tương xứng với số lượng, cường độ và sự kiên trì, khiến cho hành động tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới đối tượng liên quan có thể xảy ra”3. Warner (năm 1939) cho rằng: “Dư luận xã hội là kết quả tổng hợp các ý kiến trả lời của mọi người đối với câu hỏi nhất định, dưới điều kiện của cuộc phỏng vấn”. Cũng có định nghĩa khác về dư luận xã hội như: “Dư luận xã hội là các tập hợp ý kiến cá nhân ở bất kỳ nơi đâu mà chúng ta có thể tìm được (Childs, 1956). Mekvin Richter (năm 1977) trong công trình nghiên cứu “The political theory of Monterquieu” đã viết: “Dư luận là một hình thức luật pháp mà các nhà quản lý kiểm duyệt và như là một vị trí xã hội đặc biệt, nó chỉ áp dụng trong các trường hợp cụ thể”4. Valdimer Orlando Key (1908-1963) cho rằng: “Dư luận xã hội là những ý kiến được nắm giữ bởi những con người cá nhân, điều mà các chính phủ tìm thấy và cần sự lưu ý thận trọng, khôn ngoan”. Barbara A.Bardes và Robert W.Oldendick (2007) sau khi tổng hợp nhiều định nghĩa về dư luận xã hội, đã đề xuất: “Dư luận xã hội là tập hợp của những quan điểm của cá nhân trưởng thành vào những vấn đề công chúng quan tâm”5.
Ở Việt Nam, trong quan điểm Nho giáo và thực tiễn xã hội thời phong kiến, chưa có khái niệm chính thức về dư luận xã hội. Các học giả, nhà tư tưởng thời điểm này chỉ nói đến những khái niệm, thuật ngữ tương tự như “lòng dân”, “ý dân”, “dân là gốc”. Quan điểm về dư luận xã hội thời kỳ này có thể được đánh giá thông qua quan điểm về vai trò của người dân trong đời sống chính trị - xã hội. Chẳng hạn, trong sách Thượng Thư có viết: “dân vi bang bản”; Mạnh Tử nói: “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”6 (dịch giả Lương Khắc Hiếu, 2014).
Hiện nay, trong quan niệm, định nghĩa về dư luận xã hội của các nhà khoa học, cũng như những người có quan tâm đến khái niệm “dư luận xã hội” còn nhiều điểm rất khác nhau. Một số học giả quan niệm chỉ có ý kiến của đa số mới được coi là “dư luận xã hội”. Tuy nhiên, một số học giả khác lại cho rằng, dư luận xã hội bao gồm các ý kiến không chỉ của đa số, mà còn cả của thiểu số. Một số nhà khoa học Việt Nam định nghĩa về “dư luận xã hội” như sau:
Vào năm 1995, tác giả Mai Quỳnh Nam trong cuốn “Dư luận - Mấy vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu”, đã đưa ra định nghĩa về “dư luận xã hội”: “Dư luận xã hội là sự thể hiện tâm trạng xã hội, phản ánh sự đánh giá của các nhóm xã hội lớn, của nhân dân nói chung về các hiện tượng đại diện cho lợi ích xã hội cấp bách trên cơ sở các quan hệ đang tồn tại”7. Trong khi đó, vào năm 1999, tác giả Phạm Chiến Khu định nghĩa “dư luận xã hội”: “Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự”, đã nhấn mạnh phải lưu ý đến các nội hàm sau: Mỗi luồng ý kiến là một tập hợp các ý kiến cá nhân giống nhau, dư luận xã hội có thể bao gồm nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau; luồng ý kiến có thể rộng (tuyệt đại đa số, đa số, nhiều ý kiến) hoặc hẹp (một số ý kiến; dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến cá nhân, tự phát, chứ không phải là ý kiến của một tổ chức, được hình thành theo con đường tổ chức (hội nghị, hội thảo…); dư luận xã hội không phải là một phép cộng các ý kiến cá nhân, tự phát, mà là một chỉnh thể tinh thần xã hội, thể hiện nhận thức, tình cảm, ý chí của các lực lượng xã hội nhất định; chỉ có những sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội có tính thời sự (động chạm đến lợi ích, các mối quan tâm hiện có của nhiều người) mới có khả năng tạo ra dư luận xã hội8. Vào năm 2002, tác giả Lê Ngọc Hùng định nghĩa: “Dư luận là một hiện tượng xã hội đặc biệt biểu hiện thái độ, tình cảm, nhận thức, quan niệm và xu hướng hành động của nhóm xã hội đối với vấn đề đặt ra trong cuộc sống”9. Tác giả Nguyễn Quý Thanh (năm 2007) trong cuốn “Xã hội học về dư luận xã hội” đã viết: “Dư luận xã hội có tính chất đánh giá về các vấn đề xã hội mà nhóm công chúng cảm thấy có ý nghĩa với họ hoặc là vấn đề đó động chạm đến lợi ích chung, các giá trị chung”10. Trong một nghiên cứu năm 2011, PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng: “Dư luận - đó là hệ thống những luồng ý kiến, phán xét, đánh giá về những tình huống cụ thể, được hiểu và đánh giá của nhận thức quần chúng ngày hôm nay, và của những khái niệm xuất hiện gắn với những tình huống trên vì mục đích gì và bằng cách nào cần phải thay đổi, điều chỉnh hay duy trì trật tự thực tại đang diễn ra”11. PGS.TS Lương Khắc Hiếu (năm 2014) định nghĩa về “dư luận xã hội”: “Dư luận xã hội là sự biểu hiện trạng thái ý thức xã hội của một cộng đồng người nào đó, là sự phán xét, đánh giá của đại đa số trong cộng đồng người đối với các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ trong một thời điểm nhất định”12.
Như vậy, khái niệm về dư luận xã hội ở trên thế giới và ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Tựu chung lại, có thể định nghĩa ngắn gọn về dư luận xã hội: Dư luận là một hiện tượng xã hội đặc biệt biểu hiện thái độ, tình cảm, nhận thức, quan niệm và xu hướng hành động của nhóm xã hội đối với vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Hệ thống các chỉ báo đo lường dư luận xã hội
Chỉ báo đo lường dư luận xã hội
Chỉ báo là gì? chỉ báo (indicators) là các chỉ tiêu mang tính mô tả và báo trước được sử dụng để phân tích điều kiện kinh doanh và dự báo kinh tế - xã hội (tác giả Nguyễn Văn Ngọc, 2006).
Các nghiên cứu về dư luận xã hội thường sử dụng các chỉ báo khác nhau để đo lường. Việc sử dụng các chỉ báo dư luận xã hội phụ thuộc vào các hướng tiếp cận nghiên cứu, cũng như từng chủ đề cụ thể. Phillip Converse (năm 1964) cho rằng, dư luận xã hội bao gồm 2 quan điểm, luồng ý kiến từ giới thượng lưu và công chúng. Cụ thể là giới thượng lưu thì có hiểu biết sâu sắc về công cộng, luồng ý kiến đại chúng thì có sự hiểu biết ít hơn về các vấn đề của cộng đồng. Ngược lại, Robert Lane (năm 1973) cho rằng, những con người bình thường đều có tư tưởng, hiểu biết nhất định cho dù họ không trình bày những quan điểm đó một cách dễ dàng và mạch lạc giống như nhóm thượng lưu, có nghĩa là dư luận xã hội không chỉ là những ý kiến của giới thượng lưu, mà còn là của mọi người dân có nhận thức khác. Vào năm 1979, Barbara. Farhar, Partricia Weis, Charles T.Unseld, Barbara A. Burn đã tiến hành nghiên cứu dư luận xã hội về năng lượng. Tập thể tác giả đã phân tích dư luận xã hội về năng lượng dựa trên các chỉ báo đo lường là: hiểu biết (knowledge), thái độ (attitude) và niềm tin (belief). Stanley Feldman (năm 1988) trong bài “cấu trúc của dư luận xã hội”: vai trò của chỉ số niềm tin và giá trị, đã cho rằng, dư luận xã hội được đo lường bằng thái độ, niềm tin và nhạy cảm chính trị trong cộng đồng. David P. Daniels và Jon A. Krosnick (năm 2011) đã nghiên cứu dư luận xã hội về chính sách môi trường, tác giả đo lường dư luận xã hội về môi trường thông qua 3 chỉ báo chính: Thái độ; Niềm tin; Mong muốn. Elliott, Regens và Seldon (năm 1995) đã đo lường dư luận xã hội có phụ thuộc vào yếu tố kinh tế hay không? Tác giả đã phân tích cấu trúc dư luận xã hội bao gồm: thái độ, niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân có phụ thuộc vào yếu tố điều kiện kinh tế. Edward Maguire, Devon Johnson (năm 2015) tiến hành nghiên cứu “cấu trúc của dư luận xã trong chính sách tội phạm, nghiên cứu trường hợp tại 7 quốc gia vùng Caribe”, tác giả đã chủ yếu sử dụng chỉ báo thái độ để đo lường dư luận xã hội. W. Phillips Davison (năm 2016) trong bài viết về dư luận xã hội, tác giả đã cho rằng, dư luận xã hội được đo lường bằng các chỉ báo “nhận thức, thái độ và niềm tin” về một chủ đề cụ thể.
Năm 2002, trên Tạp chí Tâm lý học, số 4, tác giả Lê Ngọc Hùng với bài viết: “Dư luận: bản chất và một vài vấn đề trong phương pháp nghiên cứu”, cho rằng, dư luận xã hội được đo lường bằng 3 chỉ báo cơ bản, đó là: nhận thức, thái độ và xu hướng hành động của các tầng lớp nhân dân. Tác giả Nguyễn Quý Thanh (năm 2006) trong cuốn Xã hội học về dư luận xã hội cho rằng, dư luận được hình thành trên cơ sở tương tác các ý kiến cá nhân. Các ý kiến cá nhân hình thành trên cơ sở tâm thế, thái độ của họ, do đó, nếu xét theo chiều cạnh về “chất” thì dư luận xã hội được đo lường bằng 3 thành phần “tình cảm, duy lý và ý chí”. Trong đó, thành tố ý chí thể hiện cam kết hành động của dư luận xã hội theo sự dẫn dắt của thành tố tình cảm và thành tố duy lý. Trong cuốn sách này, tác giả Nguyễn Quý Thanh cũng nêu rõ cấu trúc của 2 khái niệm có sự liên quan chặt chẽ đến dư luận xã hội là: thái độ và niềm tin. Cấu trúc của niềm tin bao gồm trọng tâm và cường độ; cấu trúc của thái độ bao gồm tri thức, tình cảm và hành vi. Việc đo lường dư luận xã hội, ngoài các chỉ báo then chốt, cần chú ý đến những chỉ báo liên quan khác như thái độ và niềm tin. Tác giả Phạm Chiến Khu (năm 2006) cho rằng, dư luận xã hội được đo lường bằng các luồng ý kiến khác nhau về một vấn đề. Có sự khác nhau giữa các luồng ý kiến về các vấn đề công cộng trong xã hội, luồng ý kiến đồng tình, luồng ý kiến phản đối. Tác giả Mai Quỳnh Nam (năm 2017) cho rằng, các nhà xã hội học Mỹ luôn cho rằng, dư luận xã hội là sự đánh giá luôn có tri thức, nhưng có tri thức không phải lúc nào cũng dẫn đến việc xuất hiện sự đánh giá hay ý kiến. Ngoài những yếu tố của tri thức đúng đắn, trong cấu trúc của dư luận xã hội còn có cả khái niệm – hình ảnh khái quát của nhiều ấn tượng cảm xúc, tri thức nhìn thấy rất phức tạp.
Như vậy, có thể thấy hệ thống các chỉ báo đo lường dư luận xã hội được các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đưa ra khá phong phú.
Phân tích khái niệm và chỉ báo đo lường dư luận xã hội
Dư luận xã hội là một chủ đề nghiên cứu khoa học, nên nó được nghiên cứu trong nhiều góc độ và hướng tiếp cận khác nhau của từng học giả. Việc lựa chọn khái niệm dư luận xã hội hay các chỉ báo đo lường để phân tích hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nghiên cứu. Trong số rất nhiều các khái niệm về dư luận, nhà nghiên cứu có quyền chọn bất kỳ khái niệm dư luận xã hội nào mà thấy phù hợp với hướng nghiên cứu của mình, từ đó, nhà nghiên cứu lựa chọn chỉ báo để đo lường dư luận xã hội, sao cho khái niệm dư luận xã hội và chỉ báo được lựa chọn có sự tương đồng. Điều tra dư luận xã hội bao gồm các giai đoạn như: xác định mục đích, đối tượng điều tra; xây dựng phiếu điều tra; chọn mẫu điều tra; triển khai điều tra tại thực địa; xử lý và phân tích kết quả; trình bày và công bố kết quả. Lựa chọn khái niệm và chỉ báo đo lường dư luận xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn xây dựng phiếu điều tra. Lựa chọn khái niệm và chỉ báo đo lường dư luận xã hội đúng sẽ làm tăng chất lượng của phiếu câu hỏi điều tra; tăng “độ hiệu lực” (Validity) và “độ tin cậy” (Reliability).
- Độ hiệu lực (validity): Robson (2010) cho rằng độ hiệu lực (validity) trong nghiên cứu khoa học xã hội là sự phản ánh chính xác bộ công cụ đo lường có đo lường đúng, đầy đủ vấn đề mà nhà nghiên cứu muốn đo lường hay không?
- Độ tin cậy (reliability): Sau nhiều lần tiến hành nghiên cứu với cùng nhóm khách thể nghiên cứu, nhà nghiên cứu thu được những kết quả như nhau và tính đồng nhất trong các tiêu chí trong bộ công cụ nghiên cứu.
Chúng ta sử dụng khái niệm và chỉ báo đo lường dư luận xã hội trong thiết kế phiếu câu hỏi điều tra như thế nào? Ví dụ: giả sử chúng ta xác định 3 chỉ báo để đo lường dư luận xã hội là: nhận thức, thái độ, hành vi và xu hướng hành động của người dân về một sự việc nào đó, thì “nhận thức”, “thái độ”, và “xu hướng hành động” chính là hệ thống các chỉ báo thượng tầng (tầng cao nhất) là các chỉ báo khái niệm cơ bản, còn hạ tầng (tầng thấp nhất) là các chỉ báo thực nghiệm. Giữa thượng tầng và hạ tầng trong hệ thống các chỉ báo đó là những chỉ báo khái niệm thành phần (tầng trung gian). Có thể minh họa hệ thống các chỉ báo bằng sơ đồ:
Việc xây dựng hệ thống chỉ báo thực nghiệm như đã nêu trên về thực chất là phân tích nội dung khái niệm, cụ thể hóa các khái niệm để phục vụ nghiên cứu dư luận xã hội thông qua thông tin thực nghiệm. Hệ thống các chỉ báo đó tạo nên cấu trúc của khái niệm trừu tượng. Phức tạp (khái niệm cơ bản) phản ánh cơ cấu nội tại của hiện tượng xã hội ứng với nội dung khái niệm ấy và khái niệm đó vẫn được thao tác và đơn giản hóa bằng các chỉ báo đo lường “trung gian” và “hạ tầng”. Hay nói cách khác, các chỉ báo đo lường hạ tầng chính là hệ thống các câu hỏi được đưa vào trong phiếu câu hỏi để đo lường dư luận xã hội. Về bản chất, khi sử dụng các chỉ báo trong thiết kế phiếu câu hỏi là tìm ra các chỉ báo đo lường “hạ tầng” và “trung gian” sao cho 2 chỉ báo “hạ tầng” và “trung gian” phải trả lời hoàn toàn cho chỉ báo đo lường “thượng tầng” (Trần Hồng Vân, 1987).
Khái niệm “dư luận xã hội” đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử. Tuy nhiên, với tính khoa học phức tạp và phong phú vốn có, khái niệm “dư luận xã hội” vẫn chưa có một cách hiểu chung nhất. Mỗi tác giả đều có các quan điểm khác nhau về dư luận xã hội, phụ thuộc vào bối cảnh chính trị, trình độ văn hóa, kinh tế và xã hội. Do vậy, sử dụng khái niệm dư luận xã hội trong nghiên cứu cần phải được lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế diễn ra tại địa bàn nghiên cứu. Khái niệm dư luận xã hội đa dạng, phong phú kéo theo các chỉ báo để đo lường dư luận xã hội cũng đa dạng, phong phú không kém. Việc lựa chọn khái niệm và chỉ báo đo lường phải có cơ sở khoa học, phải có cùng một cách tiếp cận lý thuyết. Việc lựa chọn khái niệm và chỉ báo đo lường dư luận xã hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thiết kế phiếu điều tra dư luận xã hội. Việc lựa chọn một khái niệm, hệ thống chỉ báo đo lường tốt (chỉ báo thượng tầng, chỉ báo trung gian, chỉ báo hạ tầng) sẽ làm cho phiếu điều tra dư luận xã hội có tính hiệu lực (validity) cao, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu dư luận xã hội.
Bùi Hồng Việt
ThS, Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương
Chú thích:
1. Rousseau J.J (1774), L’opinion publique, edited by JohnT.Scott.pp.156.
2. Makinnon W.A. (1828), On the rise, progress and present state of public opinion in Great Britain and other parts of the world.
3. Floyd H. Allport (1937), Toward a Science of Public Opinion, the Public Quaterly, 1:7ff,23.
4. Richter M. (1977), The Political theory of Montesquieu, Cambridge University Press USA. NY, pp.52.
5. Bardes B.A and Oldendick R.W, (2007), Public Opinion: Measuring the American Mind, Thomson Wadsworth, USA, pp2.
6. Lương Khắc Hiếu (2014), Nghiên cứu và định hướng dư luận xã hội, Nxb. Lý luận Chính trị.
7. Mai Quỳnh Nam (1995), Dư luận – Mấy vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu”, Tạp chí Xã hội học, số 1, 1995, Hà Nội, tr.4
8. Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (1998), Tập bài giảng Dư luận xã hội, phục vụ cho việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương.
9. Lê Ngọc Hùng (2002), Dư luận: bản chất và một vài vấn đề trong phương pháp nghiên cứu, Tạp chí Tâm lý học, số 4, 2002, Hà Nội, tr7.
10. Nguyễn Quý Thanh (2006), Xã hội học về dư luận xã hội, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
11. Nguyễn Văn Dững (2011), Báo chí và dư luận, Nxb. Lao Động, Hà Nội, tr.25.
12. Lương Khắc Hiếu (2014), Nghiên cứu và định hướng dư luận xã hội, Nxb. Lý luận chính trị.