|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh (đứng thứ 6 từ phải qua) thăm, động viên lực lượng tuyến đầu. |
Trách nhiệm và kịp thời
- Kết quả thực hiện lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid - 19" tại tỉnh Bình Thuận đến thời điểm này như thế nào, thưa bà?
- Ngay sau khi Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam được phát đi, Ủy ban MTTQ tỉnh đã ra Thư kêu gọi các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tổ chức tôn giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch của tỉnh vào ngày 3.6.
Đến nay, chúng tôi đã quyên góp được 51 tỷ đồng; 150 máy tạo oxy trị giá 2 tỷ đồng; gần 36 nghìn khẩu trang, 1.100 kính chắn giọt bắn, 2.600 bộ đồ bảo hộ y tế, 1.500 găng tay y tế, 500 lít cồn sát khuẩn, 100 dụng cụ đo SP02, 70 tấn lương thực, thực phẩm...
Mới đây nhất, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã thống nhất hỗ trợ kinh phí cho Tỉnh đoàn triển khai chương trình “Lít xăng xanh” cho 1.350 tình nguyện viên tham gia chống dịch. Dự kiến, trong tuần đầu tháng 9, chúng tôi sẽ tiếp nhận 200 tấn gạo từ Công ty TNHH Thương mại, Quảng cáo, Du lịch, địa ốc Đất Việt Phương Nam để hỗ trợ cho các hộ khó khăn.
Trước đó, Tập đoàn địa ốc Novaland ủng hộ 10 tỷ đồng, chuyển trực tiếp vào tài khoản của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để mua vaccine chuyển về tỉnh. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp các nhu yếu phẩm như cá tươi, cá khô, nước mắm, thanh long tươi, rau củ, quả… trị giá hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
- Việc phân bổ, sử dụng kinh phí vận động quyên góp phòng, chống dịch được thực hiện ra sao, thưa bà?
- Việc quản lý, sử dụng, phân bổ nguồn Quỹ phòng, chống dịch được quản lý chặt chẽ, công khai rõ ràng, minh bạch đúng theo hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Chúng tôi đã xuất chi hỗ trợ Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ suất ăn cho Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế huyện Tuy Phong, Khu C chung cư Văn Thánh trong thời gian phong tỏa. Bên cạnh đó, hỗ trợ hộ nghèo, người cao tuổi cô đơn gặp khó khăn do dịch bệnh; hỗ trợ 100% nguồn kinh phí do MTTQ cấp huyện vận động được để lại địa phương chi cho hoạt động phòng chống dịch... với tổng số tiền gần 27,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, đã vận động các Mạnh Thường Quân, các nhà hảo tâm phân bổ gạo, rau củ, quả và các nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các khu cách ly tập trung, các điểm phong tỏa trên địa bàn tỉnh trị giá hơn 2 tỷ đồng. Mọi hoạt động ủng hộ, tiếp nhận, phân bổ diễn ra với tất cả tình cảm, trách nhiệm và kịp thời.
Nắm sát đời sống người dân
- Bà đánh giá như thế nào về tinh thần đoàn kết, chung tay tham gia phòng chống dịch của các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Thuận thời gian qua?
- Có lẽ, một trong những nét đẹp nhất của dân tộc Việt Nam là tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái. Trong chiến tranh, thiên tai và giờ đây là dịch Covid-19, nghĩa đồng bào ruột thịt vẫn vẹn nguyên.
Qua việc phát động “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19” lần này, tôi thật xúc động trước sự những tấm lòng bác ái của các tổ chức, cá nhân. Các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, “nhường cơm sẻ áo”, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ cho những hoàn cảnh yếu thế, những mảnh đời khó khăn trong xã hội. Đồng thời, toàn tỉnh trên dưới một lòng thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế để cùng nhau sớm vượt qua đại dịch.
- Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ làm gì để có thêm nguồn lực hỗ trợ công tác phòng chống dịch, thưa bà?
- Trong thời gian tới, để có thêm nguồn lực ứng phó với dịch, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tập trung vào 4 hoạt động.
Một là, tiếp tục chỉ đạo hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Trung ương, địa phương và các ngành chức năng về phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Hai là, nắm sát tình hình đời sống của các tầng lớp Nhân dân; những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của người dân và doanh nghiệp, nhất là ở khu vực bị phong tỏa, địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16; việc thực hiện an sinh xã hội; những vướng mắc, bất cập trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước xem xét, giải quyết.
Ba là, tiếp tục kêu gọi vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức thành viên chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, khu vực bị phong tỏa, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Bốn là, tổ chức giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với Nhân dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch; kịp thời đưa các chính sách đến đúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả.
- Xin cảm ơn bà!
Thái Bình thực hiện