(Mặt trận) -Phát huy vai trò lãnh đạo của Ðảng, sự điều hành linh hoạt của chính quyền, sự tham gia tích cực của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng sự đồng lòng ủng hộ của người dân, xã Cát Minh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021, trong đó xã Cát Minh là điển hình được chọn báo cáo về tổ chức phong trào thi đua xây dựng xã nông thôn mới nâng cao tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua năm 2021, phát động phong trào thi đua năm 2022 vừa được UBND tỉnh tổ chức.
|
Nhiều tuyến đường ở thôn Xuân An, xã Cát Minh được nâng cấp, mở rộng nhờ sự tích cực ủng hộ, đóng góp của người dân. Ảnh: H.T |
Điểm đáng chú ý ở Cát Minh là phát huy nguồn lực của cộng đồng, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn kinh phí của cấp trên, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác và vốn ngân sách xã, từ đầu năm 2020 đến nay, Cát Minh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao các tiêu chí. Nổi bật là tiêu chí giao thông, năm 2021 đã nâng cấp, mở rộng 6 tuyến trục đường xã với tổng chiều dài hơn 10 km và nâng cấp mở rộng các trục giao thông liên thôn, giao thông nội đồng. Tổng kinh phí thực hiện 40,48 tỷ đồng, trong đó nhân dân tham gia đóng góp công lao động, hiến đất đai, cây cối hoa màu, vật kiến trúc với tổng giá trị 5 tỷ đồng.
Theo ông Võ Văn Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Trung Chánh, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy xã về nỗ lực thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó có tiêu chí quan trọng về giao thông, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể thôn thường xuyên họp bàn các giải pháp phù hợp, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, giải tỏa những vướng mắc, phân tích những lợi ích thiết thực để bà con đồng lòng ủng hộ, hiến đất đai, cây cối, vật kiến trúc... Nhờ vậy, việc nâng cấp, mở rộng hai tuyến đường trên địa bàn thôn với tổng chiều dài hơn 2 km, ảnh hưởng đến 110 hộ dân được thực hiện hiệu quả.
Bà Tô Thị Ly, người dân ở thôn Trung Chánh, chia sẻ: “Từ sự tuyên truyền, vận động của xã, thôn cho thấy đây là chủ trương thiết thực, gia đình tôi ủng hộ hiến đất để mở đường đi thuận lợi cho mình và hàng xóm ở bên trong”.
Theo ông Đặng Xuân Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Xuân An, trước đây nhiều người dân nghĩ đơn giản có đường đi trong thôn là được, mà chưa thấy được hiệu quả, tác động tích cực của việc nâng cấp, mở rộng đường. Từ đó, có những hộ gây khó khăn, trở ngại ban đầu trong việc đáp ứng tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Cấp ủy, chi bộ thôn xác định phải kiên quyết làm được qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; từ đó có cách làm quyết liệt, sâu sát thực tế, có sự phối hợp hiệu quả của chính quyền, MTTQ, hội, đoàn thể thôn.
Được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Đảng ủy, UBND xã, thôn Xuân An chọn mở đầu thực hiện vận động nhân dân ủng hộ mở rộng, bê tông hóa 600 m đường đi qua 2 xóm của thôn. Vấn đề đặt ra là nếu chỉ dựa vào sự đóng góp của các hộ được hưởng lợi từ việc mở rộng đường thì không đủ, mà đóng góp nhiều quá thì người dân không kham nổi. Thôn họp bàn, mạnh dạn đưa ra phương án vận động linh hoạt, hộ dân được hưởng lợi nhiều thì thì đóng góp nhiều hơn theo mức phù hợp. Đồng thời, vận động nhiều hộ dân trong thôn trước đây được hưởng lợi từ mở đường của Nhà nước mà không phải đóng góp gì, nay tự nguyện đóng góp ủng hộ cho việc mở đường ở 2 xóm phía sâu hơn trong thôn.
“Khi đưa ra họp dân, không ngờ bà con hết sức ủng hộ, hoàn thành được tuyến đường qua 2 xóm vào năm 2019, tạo tiền đề cho việc nâng cao nhận thức của người dân trong góp sức mở rộng, nâng cấp các tuyến đường khác trong thôn cho đến nay. Có đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp rồi, bà con lại chủ động đề xuất thôn, xã để đóng góp bắt điện chiếu sáng vào ban đêm, tạo thêm chuyển biến rõ nét cho bộ mặt thôn”, ông Thanh cho biết.
Thu Hiền