Tin mới

“Cần câu” của người nghèo ở Hậu Giang

(Mặt trận) -Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng gia đình, được xem là đòn bẩy để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.

Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên

Bình Phước: Đại hội điểm MTTQ Việt Nam huyện Phú Riềng, nhiệm kỳ 2024-2029

Tuyên Quang: Gặp mặt Chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

 Gia đình ông Hợi đã thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi phù hợp.

Những mô hình tiêu biểu

Trước đây, gia đình ông Huỳnh Văn Hợi, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, là hộ nghèo của xã. Từ khi gia đình được hỗ trợ vốn để thực hiện mô hình sinh kế, cuộc sống đã bước sang trang mới.

Kể về những ngày gian khó đã qua, ông Hợi bộc bạch: Gia đình ông không có đất ruộng, nên tận dụng diện tích đất phía trước nhà để chăn nuôi. Mấy năm qua, ông nuôi vịt, mỗi đợt lời được vài triệu đồng. Nhiều lần ông cũng muốn mở rộng, gia tăng số lượng nuôi nhưng thiếu vốn. Năm 2020, ông được cho mượn 15 triệu đồng từ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông đã đầu tư vào mô hình nuôi vịt. Vốn có sẵn kinh nghiệm, được cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, đợt nuôi đầu tiên mang lại cho ông lợi nhuận kha khá.

Tiếp nối thành công bước đầu, ông không ngừng gia tăng số lượng đàn vịt, nhờ giá cả thuận lợi, đem lại nguồn thu nhập khá, gia đình ông đã thoát nghèo. “Nhà nước đã tạo điều kiện, mình phải tính toán suy nghĩ để tìm mô hình làm ăn phù hợp, có như vậy mới thoát được nghèo. Như gia đình tôi chỉ có khoảng đất phía trước, chỉ có thể nuôi vịt, vì mô hình này không cần quá nhiều diện tích đất. Nếu mình cứ mãi trông chờ vào sự hỗ trợ, không nghĩ cách làm ăn, không biết cố gắng thì đến khi nào mới có thể thoát nghèo”, ông Hợi bày tỏ.

Để tạo điều kiện giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, trong năm 2021, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ đã thực hiện mô hình “Hỗ trợ bò giống giảm nghèo 1+1”. Theo bà Nguyễn Kim Thoa, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Viễn A: “Thực hiện mô hình chúng tôi vận động nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân, qua đó hỗ trợ bò cho 3 hộ nghèo trên địa bàn xã. Mô hình “Hỗ trợ bò giống giảm nghèo 1+1” nghĩa là một hộ nghèo sẽ được trao một con bò giống nuôi đến khi nào sinh sản, thì sẽ tặng bò con cho gia đình nghèo khác trong xã”.

Là hộ dân được thụ hưởng từ mô hình, gia đình chị Phạm Thị Thúy Hằng, ở xã Vĩnh Viễn A, rất phấn khởi. Ngoài nuôi bò, chị còn nuôi lươn, trong quá trình chăn nuôi, gia đình luôn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ khoa học kỹ thuật ở xã. Theo chị Hằng, từ ngày được hỗ trợ bò, gia đình chị săn sóc cẩn thận, bởi đây là sự động viên, quan tâm rất lớn mà các cấp, các ngành, địa phương dành cho gia đình.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Từ thực tế công tác giảm nghèo cho thấy: Việc quan trọng nhất là “trao cần câu”, tạo cho người dân nguồn sinh kế hiệu quả, để từ đó mọi người có điểm tựa vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong năm 2021, UBMTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, vận động đoàn viên, hội viên và người dân tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đã nhân rộng 47 mô hình sinh kế, hỗ trợ cho 500 hộ nghèo... với tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng. Cùng với đó, có 9 địa phương tiếp tục thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2020-2022.

Là một trong những địa phương được hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020, xã Hòa An có 63 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được mượn vốn từ 10 đến 15 triệu đồng/hộ. Theo ông Cao Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An: Nhờ nguồn vốn từ dự án, người dân đã thực hiện một số mô hình phù hợp. Qua kiểm tra nhiều hộ đã từng bước cải thiện đời sống.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là hỗ trợ sinh kế, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Nếu như đầu năm 2021 toàn tỉnh có 6.965 hộ nghèo, chiếm 3,46%, thì đến cuối năm giảm còn 4.419 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,19%.

Để tổ chức thực hiện tốt các mô hình sinh kế, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, các địa phương có sự lựa chọn những hộ cần giúp đỡ, để hỗ trợ hoặc cho mượn vốn thực hiện mô hình sinh kế một cách công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao từ phía người dân. Nhìn chung, các mô hình hỗ trợ sinh kế đã góp phần giúp người dân tiếp cận với các giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất phù hợp, là đòn bẩy quan trọng, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ 9 địa phương thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, dự án kéo dài đến năm 2022 gồm xã Tân Long, xã Hiệp Hưng, xã Phụng Hiệp, xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp), xã Vĩnh Viễn A, xã Lương Nghĩa, xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ), xã Long Bình (thị xã Long Mỹ) và xã Vị Bình (huyện Vị Thủy), với tổng kinh phí gần 3 tỉ đồng. Trong năm 2021, UBMTTQ Việt Nam các cấp nhân rộng 47 mô hình sinh kế, hỗ trợ cho 500 hộ nghèo trên toàn tỉnh với các mô hình như mô hình “Hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo 1+1”, mô hình “Giảm nghèo 3 trong 1” (huyện Long Mỹ), mô hình hỗ trợ sinh kế nuôi gà, nuôi lươn (huyện Vị Thủy), mô hình hỗ trợ dê giống (thành phố Ngã Bảy)... với tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng. Các địa phương, đoàn thể còn thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế khác...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản