|
Chi trả tiền hỗ trợ các nạn nhân. |
Theo Ban Vận động, tại đợt 1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và quận trích từ nguồn ủng hộ các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn hỗ trợ 6,126 tỷ đồng đã thực hiện hỗ trợ 6,126 tỷ đồng. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hỗ trợ 406 triệu đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Khương Đình hỗ trợ 5,720 tỷ đồng cho 143 người sống trong tòa nhà, số tiền 40 triệu đồng/người.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố, quận đã hỗ trợ cho các nạn nhân từ nguồn ngân sách quận là 3,585 tỷ đồng; cùng với nguồn hỗ trợ bổ sung từ ngân sách thành phố là 2,237 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 56 nạn nhân tử vong số tiền 50 triệu đồng/người; 42 người phải cấp cứu và điều trị số tiền 30 triệu đồng/người.
Hỗ trợ 26 hộ gia đình tạm cư với số tiền 36 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 8 cá nhân tạm cư 9 triệu đồng/cá nhân; hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho 25 em học sinh, sinh viên 15 triệu đồng/em; hỗ trợ 1 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ 100 triệu đồng, 4 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ số tiền 70 triệu đồng/em.
Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em quận đã hỗ trợ 69 triệu đồng cho các trẻ em tử vong, bị thương; Hội Chữ thập đỏ quận đã hỗ trợ 228,2 triệu đồng cho các nạn nhân.
Đợt 2 thực hiện hỗ trợ từ ngày 5-11-2023, gồm hỗ trợ bổ sung 1 trường hợp sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Khương Đình hỗ trợ đợt 1 là 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cho người sống trong tòa nhà: 89,6 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ chi phí sinh hoạt bảo đảm ổn định cuộc sống cho người còn sống, 88 người với số tiền 700 triệu đồng/người, tổng 61,6 tỷ đồng; hỗ trợ thờ cúng đối với người tử vong (hỗ trợ cho thân nhân của người tử vong đứng ra thờ cúng) cho 56 người với số tiền 500 triệu đồng/người, tổng 28 tỷ đồng.
Hỗ trợ 37 nạn nhân bị thương 15,1 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ người bị thương phải điều trị tại bệnh viện từ 3 đến 7 ngày cho 3 người với số tiền 300 triệu đồng/người, tống số tiền 900 triệu đồng; hỗ trợ người bị thương phải điều trị tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên 33 người với số tiền 400 triệu đồng/người, tổng 13,2 tỷ đồng; hỗ trợ người bị thương nặng, hiểm nghèo 1 người với số tiền 1 tỷ đồng.
Hỗ trợ cho đối tượng là trẻ em là 19,2 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ sổ tiết kiệm cho 1 trẻ mồ côi cả cha và mẹ 2 tỷ đồng; hỗ trợ sổ tiết kiệm cho trẻ mất cha hoặc mẹ: 4 cháu với 1 tỷ đồng/cháu, tổng số tiền 4 tỷ đồng.
Hỗ trợ sổ tiết kiệm cho trẻ dưới 16 tuổi (cha, mẹ còn sống) là 22 cháu, số tiền 600 triệu đồng/cháu, tổng số tiền 13,2 tỷ đồng.
Tổng hỗ trợ đợt 2 là 123,94 tỷ đồng; tổng cộng đợt 1 và đợt 2 hỗ trợ 130,12 tỷ đồng.
Số tiền còn lại là 2,221 tỷ đồng căn cứ khoản 7 điều 10 Nghị định 93/2021, Ban vận động thống nhất để xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực xảy ra hỏa hoạn theo quy định.
|
Gia đình bà Trần Thị Liên nhận kinh phí hỗ trợ thông qua hình thức sổ tiết kiệm. |
Phương án hỗ trợ căn cơ, đúng quy định
Ban Vận động tiếp nhận, phân phối nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện khắc phục hậu quả vụ cháy quận Thanh Xuân cho biết, 17h ngày 16-10-2023, Ban đã ban hành thông báo về việc dừng tiếp nhận các khoản ủng hộ, đóng góp.
Ngày 30-10-2023, Ban Vận động đã có thông báo công khai số tiền ủng hộ, khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn được tiếp nhận là 132.287.384.182 đồng, trong đó, bao gồm các khoản lãi phát sinh. Số tiền ủng hộ được gửi tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam.
Với phương châm chỉ đạo công tác hỗ trợ kinh phí cho các nạn nhân của vụ cháy bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát cụ thể từng trường hợp. Kết quả công tác rà soát cho thấy, các nạn nhân có hoàn cảnh gia đình rất khác nhau, mức độ thiệt hại về người và tài sản của mỗi gia đình và mức độ thương tích của mỗi nạn nhân cũng khác nhau. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Ban Vận động tiếp nhận, phân phối nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn tại phường Khương Đình là phải cân đối phương án hỗ trợ cho nạn nhân cụ thể, phải rà soát kỹ từng trường hợp, để từ đó đưa ra mức hỗ trợ phù hợp nhưng vẫn phải bảo đảm công bằng, không để bất cứ nạn nhân nào phải chịu thiệt thòi.
|
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội giám sát việc thực hiện các thủ tục chi trả kinh phí hỗ trợ. |
Trao đổi tại buổi trao kinh phí hỗ trợ, khẳng định sự mất mát của các gia đình nạn nhân trong vụ cháy là không gì có thể bù đắp được, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, sau gần 20 ngày kể từ ngày dừng tiếp nhận vận động hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy, phương án hỗ trợ các nạn nhân được xây dựng trên các tiêu chí được quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
“Phương án hỗ trợ các nạn nhân được xây dựng trên các tiêu chí về mức độ thiệt hại của mỗi hộ gia đình, tổng số tiền tiếp nhận được đến thời điểm dừng tiếp nhận. Từ đó, quận có căn cứ xây dựng phương án hỗ trợ. Phương án này đã được báo cáo và nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên Ban Vận động của thành phố. Chúng tôi cho rằng, phương án này là phương án căn cơ, vừa giải quyết được hỗ trợ trước mắt cũng như giúp các hộ dân ổn định cuộc sống lâu dài”, ông Nguyễn Sỹ Trường nói.
Theo Hà Nội mới