Một tấm pano tiếng Việt “Bún bò giò heo” trong bụng một con cá voi chết dạt vào bờ biển Thái Lan. Những thùng rác được đổ thẳng ra biển vì “ở đây biển chính là thùng rác” và một thứ top đầy xấu hổ: Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất thế giới. Chúng ta đang làm gì và có đáng được tha thứ hay không?!
Vỏ "Bún bò giò heo" phát hiện trong bụng cá voi tại biển Thái Lan. Nguồn ảnh: The Nation/Asia News Network
Bức ảnh những chiếc chai kim loại trên bàn hội nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) hôm qua đã “lên báo” kèm lời giải thích: Tất cả các cơ quan của Bộ này đã không còn sử dụng chai nhựa, túi nilon trong các hoạt động hàng ngày. Ngay cả các hội nghị quan trọng nhất, ban tổ chức cũng dùng chai kim loại sử dụng nhiều lần để đựng nước, thay vì chai nhựa.
Chúng ta có thể nói gì ngoài việc vỗ tay!
Nói có vẻ to tát thì Bộ TNMT đang như một người nêu gương, một lá cờ đầu. Và nó trở nên đẹp đẽ, ý nghĩa hơn rất nhiều nếu nó trở thành một cách thức, một phong trào từ chính các cơ quan công sở, để lan tỏa tới người dân.
Thực tiễn bên ngoài đang là những gì khủng khiếp nhất mà chúng ta là nạn nhân, do chính là những gì mình gây ra.
Tháng 6 năm nay, tràn ngập báo chí thế giới là tin tức về một chú cá voi chết dạt vào bờ chết ở Thái Lan. Kinh hoàng nhất là những gì tìm thấy trong dạ dày cá: Có đến gần 10kg rác nhựa, túi nilon. Trong đống “thuốc độc” ấy, có một tấm pano nhựa mang dòng chữ tiếng Việt “Bún bò giò heo”.
Tấm pano ấy chỉ nhắc lại một thực tế là có từ 8-13 tấn rác nhựa đổ ra biển mỗi năm. Rằng hơn 1/4 lượng rác thải nhựa ở đại dương xuất phát chỉ từ 10 con sông, 8 trong số đó nằm tại châu Á. Rằng cùng với Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu về lượng rác thải nhựa đổ ra biển.
Top 5 xả rác, một kỷ lục, một thứ top rất xấu hổ.
Ít hôm trước, một clip đổ rác thẳng xuống biển đã “gây bão” trên mạng xã hội. Câu chuyện đơn giản: Nguyễn Việt Hùng trong chuyến đi dọc bờ biển của mình có lần ghé qua xã Bình Châu giáp cảng Sa Kỳ. Quang cảnh mà anh bắt gặp là “rác đầy đường và dân thì hồn nhiên thả rác ra cửa biển”.
Tại sao ư? Người dân bảo ở đây thùng rác duy nhất có trong cảng Sa Kỳ. Và “cửa biển chính là bãi đổ rác”.
Cái tựa bài “Chúng ta đáng được tha thứ hay không!?” chính là câu hỏi mà Hùng đặt ra hôm ấy.
Để tự cứu mình nói đơn giản thì chỉ là sự thay đổi thói quen, ý thức, nhưng cũng quá khó vì thói quen là thứ khó thay đổi, còn ý thức thì lại phụ thuộc vào nhận thức.
Chúng ta cần những hành động như ở Bộ TNMT, chúng ta cần những “hiệp sĩ đại dương” như Nguyễn Việt Hùng. Và chúng ta cần một lần kể lại câu chuyện những chiếc pano “bún bò giò heo” trong bụng cá. Kể cho bạn bè, cho người xung quanh, và cho chính chúng ta.
Theo Anh Đào/Báo Lao động