Tin mới

Cuộc sống mới trên bản Dao Bà Rà

(Mặt trận) -Là bản vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình trước đây, cuộc sống của bà con bản Dao Bà Rà, xã Hùng Sơn còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng giờ đây, bản Dao như được khoác lên màu áo mới khi đường sá đi lại thuận tiện, những ngôi nhà kiên cố được xây dựng nhiều thêm, con trẻ được học hành đầy đủ. Niềm vui cuộc sống mới hiện hữu trên từng gương mặt người dân.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Nhờ trồng chè, nhiều hộ dân bản Dao Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) có nguồn thu nhập khá.

Trở lại bản Dao Bà Rà vào một ngày đầu xuân. Sắc xuân vẫn còn vương trên những cành đào, cành mận nở hoa rực rỡ. Những búp chè xuân được bà con thu hái. Đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh xóm, đồng chí Triệu Kim Thủy, Bí thư chi bộ cho biết: Xóm có 87 hộ, 446 nhân khẩu, 100% là bà con người Dao sinh sống. Cuộc sống trước đây vô cùng vất vả do không có đường đi lại, đường giao thông nông thôn toàn bộ là đường đất. Dốc cao dựng đứng, đất, đá lởm chởm, trời nắng thì bụi mù, trời mưa lầy lội, trơn trượt khiến cuộc sống bà con đã vất vả lại thêm phần khó khăn hơn. Nông sản bán ra rẻ nhưng đồ dùng, nhu yếu phẩm và vật liệu xây dựng đắt đỏ. 

Đến cuối năm 2020, con đường bê tông từ trung tâm xã lên bản Dao Bà Rà được hoàn thành, mở ra đường thoát nghèo cho bà con nơi đây. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cùng sự nỗ lực của bà con, một số hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phá bỏ vườn tạp và những giống cây giá trị kinh tế kém sang nuôi, trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng chè, tre, nứa, lành hanh, bương… là những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho bà con. Nhờ chăm sóc có hiệu quả, cây phát triển tốt, bước đầu cho thu nhập khá. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 tăng lên 20 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2015 (11 triệu đồng/người).

Hiện nay, tại Bà Rà có 4 hộ trồng chè với tổng diện tích trên 2 ha, gồm các hộ: Phùng Đăng Phúc, diện tích 7.000 m2, Lý Sinh Sơn 6.000 m2, Lý Sinh Viên 6.000 m2, Lý Hữu Huy 3.000 m2. Theo các hộ dân, thổ nhưỡng, khí hậu của Bà Rà rất phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây chè. Bên cạnh đó, chè cũng là loại cây dễ trồng, không yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cao, có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt và chống lại các loại sâu bệnh hại. Hơn nữa, giá trị kinh tế của trồng chè cao hơn gấp nhiều lần so với trồng ngô và trồng rừng. Nhờ đó, nhiều năm nay, một số hộ dân có nguồn thu nhập ổn định từ chè lên đến 100 triệu đồng/năm. 

Gặp cụ Triệu Thị Cùn năm nay 93 tuổi, là một trong những người cao tuổi nhất ở Bà Rà. Trong ánh mắt hiện rõ niềm vui, cụ chia sẻ: Ngày trước, người dân tộc Dao thường sống du canh du cư, cuộc sống nay đây mai đó không ổn định nên vất vả lắm. Sống trên núi cao, không có đường đi lên, cuộc sống đói nghèo cứ đeo bám dai dẳng, không dám nghĩ đến một ngày sẽ có nhà 2, 3 tầng kiên cố, có xe máy, ô tô đi lại thuận tiện thế này. Tất cả nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước luôn quan tâm giúp đỡ để người dân thoát nghèo. Chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết để giúp nhau cùng phát triển. Giữ lấy phong tục, tập quán của dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay để phù hợp với nếp sống văn hóa mới. 

Chia tay Bà Rà, hình ảnh người dân bản Dao hối hả xuống đồng gieo trồng vụ mùa mới, nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ cắp sách đến trường và ánh mắt của những cụ già ngồi bên bậc thềm khiến lòng tôi cũng thấy vui lạ. Một mùa xuân mới lại về, mang theo hy vọng, niềm tin mới về một cuộc sống tốt đẹp hơn đang đến gần với người dân bản Dao thật thà, chất phác.

Khánh Linh (TTV)

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản