(Mặt trận) - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đề nghị lao động tự do của các địa phương kẹt lại Đà Nẵng trong dịch bệnh liên hệ với Ủy ban MTTQ quận, huyện, xã phường để được hỗ trợ về lương thực, thực phẩm thiết yếu.
|
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) trao hỗ trợ cho 146 trường hợp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn. (Ảnh Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang cung cấp). |
Nếu như gần 1.700 du khách kẹt lại Đà Nẵng sau lệnh cách ly phòng, chống dịch (bắt đầu từ 0h ngày 28/7 và tiếp tục gia hạn thêm 14 ngày kể từ 0h ngày 12/8) được hỗ trợ lưu trú, bố trí chuyến bay đưa về nơi cư trú thì khoảng 16.000 lao động (chủ yếu là lao động tự do) đến Đà Nẵng các địa phương khác, đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Sáng 16/8, ở con đường vắng vẻ gần khu chợ đầu mối Hòa Cường, chúng tôi gặp một số phụ nữ bó gối ngồi dưới gốc cây. Chấp hành lệnh giãn cách, mỗi người chọn một gốc cây để ngồi và đặt trước mặt cái rổ nhỏ đựng rau muống, rai cải hoặc hoa quả chờ người qua lại ghé mua.
Các cô cho biết, họ từ Thanh Hóa, Nghệ An và cả Quảng Trị vào Đà Nẵng lao động thời vụ. Dịch bùng phát, không việc làm, không thu nhập và cũng không thể về quê vì nhiều lý do, đành trụ lại mưu sinh bằng mọi cách.
Sáng sớm, họ tìm đến chợ đầu mối Hòa Cường, lấy mỗi người một ít rau, quả của các xe hàng đậu trước chợ rồi tản ra các tuyến đường vắng vẻ quanh đó, bày bán.
Khi được hỏi “ngày kiếm được nhiều ít”, có cô gái mặt kín khẩu trang bảo “cũng đủ cơm cá anh nờ!”. Nhắc đến tiền trọ, cô gái đăm chiêu nhìn rổ rau chưa bán được mớ nào trả lời bâng quơ “trụ được bữa mô hay bữa nớ!”.
Đà Nẵng bước sang ngày thứ 4 của đợt phong tỏa, cách ly 14 ngày lần thứ 2 (kể từ khi dịch bùng phát trở lại), vắng vẻ nên rất dễ tìm lao động tự do bị kẹt lại.
Trong khi các cô gái mưu sinh bằng buôn thúng bán mẹt thì những thanh niên từ nhiều miền quê khác nhau đến Đà Nẵng lao động tự do mà dân địa phương quen gọi là “thợ đụng” (đụng gì làm nấy) khoác lên người cái áo xanh grab, đứng, ngồi đợi khách ở mọi ngã tư.
Một thanh niên tên là Thanh, quê tận Tương Dương (Nghệ An), vắt vẻo trên chiếc xe máy cũ trước cổng ga Đà Nẵng, vươn vai mỏi mệt nói với tôi “sáng tới chừ chưa được cuốc mô, trưa ni chắc mần gói mỳ tôm!”.
Cách không xa chỗ thanh niên này đứng là vài thanh niên khác cũng trong hoàn cảnh tương tự, ngóng ra đường chờ ai đó kêu “xe đi hỷ!” nhưng càng ngóng càng không thấy có ai kêu.
Chủ một khu trọ có nhiều lao động ngoài tỉnh thuê ở đường Nguyễn Huy Tưởng, phường Hòa Minh (Liên Chiểu) nói rằng gia đình bà đã giảm tiền trọ, thậm chí cho những hoàn cảnh khó khăn nợ tiền qua dịch nhưng không thể biết dịch còn kéo dài bao lâu.
Câu hỏi không biết dịch kéo dài bao lâu là tâm trạng chung của tất cả lao động ngoại tỉnh kẹt lại Đà Nẵng. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, đang có trên dưới 16.000 lao động ngoại tỉnh (đến từ các địa phương miền Trung) kẹt lại TP này trong đại dịch. Nếu kể cả công nhân tại các khu công nghiệp thì số lao động ngoại tỉnh ở Đà Nẵng thời điểm này là trên dưới 100.000 người.
Cùng với nỗ lực của bản thân lao động tự do bị kẹt lại; đoàn thể và các tổ chức xã hội của Đà Nẵng cũng thực hiện nhiều chưng trình hỗ trợ giúp họ vượt qua khó khăn với hàng chục ngàn suất cơm mỗi ngày. Tuy nhiên, đấy chỉ là giải pháp trước mắt trong khi dịch bệnh có thể còn kéo dài.
Có gì đó rất đáng lo ngại khi chủ một doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở Khu công nghiệp Hòa Khánh nói rằng đến một lúc nào đó, doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và việc đầu tiên là cắt giảm nhân công. Hàng chục ngàn lao động ngoại tỉnh mất việc ở 4 khu công nghiệp của Đà Nẵng chắc cắn sẽ làm tăng thêm số lượng lao động ngoài tỉnh cần giúp đỡ trong đại dịch.
Được biết Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng Đà Nẵng đã tham mưu cho UBND TP trình Thủ tướng đưa lao động ngoại tỉnh về quê. Hiện tại sở này đang rà soát, lên danh sách số lượng lao động ngoại tỉnh cần trở về nơi cư trú để có cơ sở đề xuất với UBND TP.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cũng đề nghị lao động tự do của các địa phương kẹt lại Đà Nẵng trong dịch bệnh, cần liên hệ với Ủy ban MTTQ quận, huyện, xã phường để được hỗ trợ về lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Thanh Tùng