Thành phố Hà Nội phát triển đô thị thông minh. Ảnh: Kỳ Anh
1. Bối cảnh phát triển bền vững - đô thị thông minh
Đô thị hoá (ĐTH) là quá trình tất yếu của phát triển KT-XH, văn hoá và KHCN. Đầu thế kỷ XIX đô thị hoá diễn ra chủ yếu ở châu Âu, Bắc Mỹ thì đến giữa thế kỷ XX phát triển mạnh ở châu Á. Nếu năm 1800 toàn thế giới chỉ có 4% dân số sống ở đô thị (tỷ lệ ĐTH) thì đến năm 2000 theo thống kê của Liên hợp quốc đã là 47% và hiện nay đã trên 60%. Nhiều nước phát triển tỷ lệ ĐTH tới 80-90%. Còn ở Việt Nam, năm 1985 cả nước có gần 500 đô thị, tỷ lệ ĐTH là 19% (gần 12 triệu người), năm 2000 tỷ lệ ĐTH là 34,2%, đến 2015 đã có 787 đô thị với tỷ lệ ĐTH 39% với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 67 TP trực thuộc tỉnh, hơn 50 thị xã, còn chủ yếu là thị trấn.
Đô thị hóa đã tạo động lực để phát triển KT-XH, văn hoá nhưng cũng đã để lại hệ lụy lên hệ sinh thái và môi trường đó là suy giảm đất nông nghiệp, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tổn hại đa dạng sinh học. Trong bối cảnh như vậy, toàn cầu đứng trước thách thức là phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không làm tổn hại đến đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Năm 1992, hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển bền vững tại Rio de Janero (Brazin) với sự tham gia của 179 lãnh đạo các quốc gia, đã thông qua chương trình Nghị sự 21 về phát triển bền vững cho thế giới với chủ đề: Tăng trưởng kinh tế phải hài hòa với chất lượng sống, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ cộng đồng toàn cầu, quản lý định cư, phân bố hợp lý con người và bảo vệ môi trường an toàn. Từ đó, phát triển bền vững đã là xu thế toàn cầu và tác động đến từng lĩnh vực với nghiên cứu cụ thể hơn, chuyên ngành hơn, trong đó có lĩnh vực ĐTH. Đó là đô thị bền vững - đô thị sinh thái - đô thị xanh, kiến trúc xanh và gần đây là đô thị thông minh.
Quá trình nghiên cứu, xác định giải pháp để phát triển bền vững (PTBV) đã thấy rõ hơn tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Từ đó, xu thế phát triển đô thị xanh với các tiêu chí:
- Cấu trúc phát triển đô thị, địa điểm xây dựng phải đáp ứng yêu cầu tôn tạo, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, chú trọng phủ xanh bề mặt, phòng chống thiên tai.
- Sử dụng hợp lý tài nguyên, năng lượng, khí quyển khai thác hiệu quả không khí tự nhiên, ánh sáng tự nhiên.
- Tạo lập chất lượng môi trường tốt cho cả đô thị từng khu chức năng và cả trong từng ngôi nhà, chú trọng tới không gian xanh công cộng.
- Bảo tồn bản sắc, giá trị văn hoá đặc trưng của từng vùng, miền, từng không gian riêng biệt và lối sống truyền thống.
Ý tưởng chung về đô thị xanh là xu thế chung của nhiều nước, trong đó có sáng kiến của Ngân hàng châu Á (ADB) triển khai chương trình sáng kiến thành phố xanh cho các thành phố châu Á và Thái Bình Dương. Song biện pháp thì được xác định, lựa chọn theo từng trường hợp cụ thể.
Thí dụ, năm 1990, thành phố Curitiba (Brazin) chú trọng, lựa chọn giải pháp ưu tiên là phân bố dân số theo tuyến, đô thị và tổ chức hệ thống xe buýt đồng bộ ở các cấp đơn vị hành chính, nhờ vậy đã tăng tỷ lệ giao thông công cộng tới 45%. Năm 2007, New York xây dựng thành phố xanh với giải pháp chú trọng là vấn đề dân số, sử dụng nguồn nước, giảm khí thải CO2 và sử dụng năng lượng tái tạo... Trong vài thập niên gần đây, để khắc phục tình trạng phát triển đô thị tràn lan, để bảo vệ môi trường và lấy con người làm trọng tâm, tạo lập lành mạnh, an toàn, công bằng trong đô thị, đã hình thành trào lưu xây dựng đô thị thông minh vói các yếu tố:
- Duy trì, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên cũng như cảnh quan đặc trưng từ điều kiện tự nhiên của đô thị.
- Phát triển không gian đô thị bền vững: chú trọng phát triển mới với cải tạo nâng cấp khu hiện hữu và gắn kết với nhau cả hạ tầng và cảnh quan. Các khu phát triển mới phải là khu đô thị hoàn chỉnh với trung tâm đa chức năng.
- Ứng dụng hạ tầng thông minh để kết nối đô thị bao gồm thiết bị thông minh, công nghệ thông tin hiện đại, quản lý điều hành tổng hợp.
Như vậy, ĐTTM có thể hiểu là đô thị có không gian bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại để mang lại cho người dân môi trường sống an toàn, tiết kiệm.
Trên thế giới đánh giá ĐTTM dựa vào các tiêu chí:
- Kinh tế thông minh (phát triển có sức cạnh tranh).
- Vận động thông minh (giao thông - hạ tầng kỹ thuật).
- Cư dân thông minh (nhân lực, năng lực).
- Môi trường thông minh (tài nguyên tự nhiên).
- Quản lý đô thị thông minh.
- Chất lượng cuộc sống tốt (thông minh).
Thực hiện các yêu cầu trên, Hoa Kỳ là một trong nhiều nước phát triển mạnh theo hướng này để xây dựng đô thị hiệu quả, thân thiện, tăng khả năng và nhu cầu giao tiếp của người dân, tiết kiệm nguồn lực tự nhiên, xã hội và bước đi đầu là quy hoạch ĐTTM và xây dựng bộ tiêu chuẩn liên quan. Cũng tương tự Trung Quốc đã có dự án trợ giúp các ĐTTM, Nhật Bản đã xây dựng ĐTTM ngay khi tái thiết sau trận động đất ở Đông Nhật Bản. Hàn Quốc đã có kế hoạch với 2 giai đoạn xây dựng đô thị thông minh, với thực tiễn triển khai chủ yếu ở các ĐTTM (66%). Ấn Độ có kế hoạch xây dựng 100 ĐTTM...
Qua một số thí dụ trên cho thấy xu thế PTĐT trên thế giới hiện nay đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh với 2 hợp phần là quy hoạch xây dựng đô thị thông minh kết nối với hạ tầng tiên tiến, sử dụng nguồn lực thông minh kết hợp công nghệ thông tin để khai thác tiềm năng, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện đời sống người dân, quản lý đô thị tổng hợp để phát triển bền vững.
Cần các hạ tầng đồng bộ cho những khu đô thị mới của Hà Nội. Ảnh: Kỳ Anh
2. Phát triển đô thị ở Việt Nam
Quá trình ĐTH ở Việt Nam đã tác động rõ rệt đến phát triển KT-XH và tăng trưởng nhanh chóng là 30 năm qua (từ sau thời kỳ đổi mới) cả về số lượng và chất lượng. Đến nay (2015) Việt Nam đã có 787 đô thị, tỷ lệ ĐTH 39% theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009) thì đến 2025 cả nước có khoảng 1.000 đô thị với dân số khoảng 52 triệu (50% tổng dân số) với nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 450.000ha (chiếm 1,4% diện tích tự nhiên cả nước) 100% chính quyền đô thị từ loại III trở lên áp dụng chính quyền đô thị điện tử, công dân đô thị điện tử.
Tốc độ ĐTH tăng nhanh song chất lượng còn một số tồn tại cần quan tâm, đó là:
- Phát triển còn mất cân đối giữa các vùng, giữa đô thị và nông thôn, giữa phát triển và bảo vệ môi trường.
- Phát triển chưa bền vững: còn áp lực về hạ tầng kỹ thuật.
- Thiếu nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật.
- Bất cập trong sử dụng đất đô thị.
- Năng lực, trình độ quản lý đô thị chưa đáp ứng tốc độ phát triển, tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao.
- Chưa có giải pháp hiệu quả với tác động của BĐKH, nhất là ở các đô thị lớn, đô thị phía Nam.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đã có những tiếp cận với vấn đề toàn cầu trong ĐTH.
Việt Nam năm 1992 đã ký cam kết tham gia chương trình Nghị sự 21, gần đây (2012) Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định 432/QĐ-TTg).
Năm 2008, Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH và năm 2011 là chiến lược quốc gia về BĐKH tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đã có nhiều nghiên cứu, trao đổi với nước ngoài về mô hình PTBV, đô thị bền vững, đô thị sinh thái, đô thị xanh và gần đây là về phát triển ĐTTM. Một số thành phố đã rất chú trọng đến xu thế này, thí dụ với sự giúp đỡ của Tập đoàn VNPT, huyện đảo Phú Quốc đã có kế hoạch phát triển ĐTTM với mục tiêu nâng cao chất lượng sống, phát triển ĐTBV, nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, người dân tham gia quản lý và giám sát chính quyền. TP. Hồ Chí Minh cũng đã tiếp cận với hướng xây dựng thành phố thông minh mà trước hết là áp dụng công nghệ hiện đại để giải quyết ách tắc giao thông và ngập nước, tăng cường năng lực quản lý, năng lực xử lý có chú trọng đến giải pháp bảo mật và phấn đấu đạt chuẩn thế giới vào năm 2025. Thủ đô Hà Nội cũng đã xây dựng khung dự án về thành phố thông minh và có kế hoạch hợp tác với các nước phát triển để giải quyết vấn đề tồn tại hướng tới là thành phố thông minh.
3. Những vấn đề đặt ra trong định hướng đô thị thông minh
Không thể phủ nhận ĐTTM là vấn đề được thế giới quan tâm và Việt Nam đã thực sự tham gia vào xu thế này, không chỉ để phát triển kinh tế bền vững mà còn là yêu cầu cấp bách từ dân số, áp lực hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục và tinh giản quản lý.
- Để xây dựng ĐTTM rất cần nhìn nhận tiếp cận từ quy hoạch đô thị thông minh. Xác định đặc thù để có giải pháp thích hợp và lựa chọn lĩnh vực ưu tiên.
- Chính phủ cần xây dựng khung thể chế và chiến lược xúc tiến của quốc gia.
- Mỗi đô thị xác định rõ nguồn lực, kể cả hợp tác nước ngoài và nâng cao năng lực cộng đồng, xây dựng hệ thống điều hành, hệ thống bảo mật và có kế hoạch thực hiện theo từng lĩnh vực ưu tiên.
Để đô thị thông minh trở thành hiện thực, không chỉ là sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mà còn phải kết hợp với quy hoạch thông minh để tạo nên không gian đô thị bền vững. Một đô thị thông minh phải hội tụ đủ: kinh tế thông minh (phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh), kết cấu hạ tầng thông minh (giao thông, dịch vụ đồng bộ, phúc lợi công cộng, môi trường an toàn, giáo dục, văn hoá, lao động việc làm, phân phối...), cư dân thông minh, tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống thông minh (chất lượng sống tốt cho mọi cư dân) và không thể thiếu là quản lý đô thị cũng là quản lý thông minh.
Hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có nhiều đô thị, thành phố thông minh xứng tầm với thế giới.
TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam