Tin mới

Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, khí hậu cực đoan. Bên cạnh đó, việc khai thác và sử dụng tài nguyên cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực này.

Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 3, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương lần thứ 2, khóa XVII

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Tác động do biến đổi khí hậu diễn ra nghiêm trọng

Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích gần 4 triệu ha là nơi sản xuất ra một phần lớn sản lượng lương thực của cả nước (Ảnh: K.V)

Có thể thấy, tác động của Biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long là rất to lớn. Đây là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước thảm họa thiên tai. Theo những kịch bản mới nhất về nước biển dâng được công bố. Nếu nước biển dâng từ 73cm - 100cm vào năm 2100 (năm cuối thế kỷ 21) sẽ có 39% diện tích đất đai ngập lụt, 35% dân số chịu ảnh hưởng xấu do thời tiết phức tạp, ngày một cực đoan hơn, không theo quy luật thông thường.

Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 12 tỉnh và thành phố Cần Thơ, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. Từ năm 2010 trở về trước, sạt lở và bồi lắng các dòng sông và bờ biển nơi đây theo quy luật tự nhiên chung và tạo cân bằng tương đối. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay diễn biến sạt lở diễn ra rất nhanh và ngày càng phức tạp, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của khu vực này. So với cả nước, sản lượng lương thực của vùng này chiếm 50%, thủy sản chiếm 70%. Thế nhưng, Đồng bằng sông Cửu Long lại được xem là vùng sẽ phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu nhiều nhất và những tác động này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực.

Theo các chuyên gia dự báo về mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai, nếu nhiệt độ tăng lên 1 độ C sẽ làm giảm 10% năng suất lúa, giảm 5 - 20% năng suất các loại cây họ đậu. Còn nếu nước biển dâng cao thêm 1 m thì sẽ có 70% diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn, tức là sẽ mất đi khoảng 1,5 - 2 triệu ha đất trồng lúa và nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước biển. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường, hạn hán làm tăng áp lực dịch hại trên cây trồng; sâu bệnh tăng cao, thậm chí có thể phát sinh một số loại sâu bệnh mới gây hại trong sản xuất cũng như trong quá trình bảo quản, sơ chế. Các tỉnh ven biển như: Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… là những tỉnh chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ mất phần lớn lượng phù sa từ thượng lưu; lún mặt đất đang tiếp tục gia tăng với tốc độ lớn. Cộng thêm mực nước biển gia tăng do biến đổi khí hậu kéo theo vùng ven biển ngập sâu đến vài ba mét vào cuối thế kỷ 21, làm cho rừng ngập mặn có nguy cơ biến mất trong tương lai không xa. Hiện có đến 50% chiều dài bờ biển của Đồng bằng sông Cửu Long sạt lở mạnh, có nơi bờ biển xâm lấn hơn 50m, trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất ven biển.

Hiện, Đồng bằng sông Cửu Long có trên 560 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 786km, trong đó sạt lở bờ sông 562 điểm gồm 520km; sạt lở bờ biển 49 điểm gồm 266km. Sạt lở đặc biệt nguy hiểm 40 điểm gồm 266km. Nhiều khu vực đô thị đã xảy ra sạt lở gây thiệt hại không nhỏ, ảnh hưởng đến đời sống cư dân nơi đây như thị xã Tân Châu, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang); thị xã Hồng Ngự, thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp); thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long)…Bên cạnh đó suy thoái rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng tới mức báo động. Theo đó, diện tích rừng ngập mặn chỉ tính từ năm 2011 đến năm 2015 đã giảm 10% tương ứng với 28.387ha, và trong năm 2016 đã giảm 272.030ha.

Những nguyên nhân chính

 

Hệ thống kênh thau chua rửa mặn ở Kiên Giang (Ảnh: K.V)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long có đặc điểm là đồng bằng trẻ, thuộc hạ lưu sông Mê Kông, là vùng đất mềm yếu, khả năng chịu lực thấp và khá bằng phẳng, dễ bị xói lở do tác động của tự nhiên và nhân tạo. Độ cao ở dọc biên giới Campuchia từ 1,5-4m; dọc theo sông Tiền và sông Hậu từ 1-3m; mạng lưới sông dày đặc, mật độ trên 4 km/km2. Tổng chiều dài bờ biển 774 km và khúc khuỷu, bị ngăn cách bởi cửa sông, kênh; cứ khoảng 20 km đường bờ có 1 sông chảy cắt ngang.

Từ đặc điểm địa hình và địa chất nêu trên, một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là do các nước trên thượng nguồn sông Mê Kông gia tăng các hoạt động kinh tế, tập trung vào thủy điện và nông nghiệp, gây ra hệ lụy tiêu cực đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Trong tương lai gần, số lượng hồ thủy điện được quy hoạch trên thượng lưu sông Mê Kông là trên 100 công trình với tổng dung tích 106 tỷ m3. Do đó dẫn đến lượng phù sa, bùn cát về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm tới 42% so với trước năm 2012.

Cùng với đó, việc khai thác nước ngầm và khai thác cát quá mức cũng đang gây sụt lún đất tăng dần trong những năm qua. Từ năm 1991-2016, nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long mực nước ngầm hạ xuống hơn 5m, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực 1,1cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5cm/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Trong 10 năm (1998-2008), cát trên sông Tiền và sông Hậu đã bị khai thác rất nhiều, tổng cộng khoảng 200 triệu tấn vật liệu đáy sông. Riêng năm 2016 có 65 giấy phép khai thác cát được cấp tại các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng khai thác 15 triệu m3. Đó là chưa kể đến khối lượng khai thác cát của 11 dự án nạo vét luồng lạch giao thông đường thủy.

Các chuyên gia về thủy lợi cho rằng, do các công trình thủy điện làm giảm phù sa mịn gây ra hiện tượng “nước đói phù sa” và cát, sỏi dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển. Hiện tượng thiếu hụt này trong vùng nước biển ven bờ làm giảm bồi đắp và gia tăng sạt lở. Nhất là đoạn bờ biển phía Biển Đông từ Sóc Trăng đến Mũi Cà Mau và phía Biển Tây từ Mũi Cà Mau đến Hà Tiên. Qua số liệu nghiên cứu của Ủy hội Mê Kông cho thấy, so với năm 1992 và năm 2014, tải lượng phù sa mịn sông Mê Kông giảm từ 160 triệu tấn/năm còn 85 triệu tấn/năm. Khuynh hướng sạt lở sẽ diễn ra trầm trọng hơn.

Ngoài ra, theo điều tra về dân số mới đây, tổng dân số các xã vùng ven biển khoảng 898.510 người, gồm 179.546 hộ, chiếm khoảng 5% tổng số dân của toàn vùng. Trong khi đó, diện tích rừng ngập mặn chỉ chiếm 2% diện tích đất tự nhiên. Đa số dân cư ở đây là các hộ nghèo, đời sống hàng ngày phụ thuộc vào việc kiếm sống ở vùng đất ngập mặn. Ý thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của một bộ phận dân cư còn thấp nên đã xảy ra hiện tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để nuôi tôm, khai thác lâm đặc sản đã gây thiệt hại, làm cho một số khu rừng ngập mặn bị đảo lộn. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng mức độ triều cường gây xói lở và xâm nhập mặn trong những năm qua.

Theo Quy hoạch tổng thể thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng giai đoạn 2012-2030, để ứng phó cần khoảng 90.000 tỷ đồng, nhưng trong giai đoạn 2011-2015 chỉ bố trí được khoảng 16.500 tỷ đồng, mới đáp ứng được 40% nhu cầu quy hoạch nên hệ thống thủy lợi toàn vùng chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Riêng Chương trình nâng cấp đê biển chỉ bố trí được 40% so với mức vốn được phê duyệt. Chính vì sự đầu tư không đồng bộ, dàn trải, thời gian thi công kéo dài nên nhiều dự án dở dang, chưa phát huy được hiệu quả.

Dự báo, trong những năm tới, nạn ngập lụt tại đây sẽ tăng mạnh, nhất là vùng ven biển và giữa đồng bằng. Vùng ven biển ngập triều cũng gia tăng, đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn. Xói lở sông, kênh và bờ biển sẽ rất khó lường, nên việc mất đất sẽ nghiêm trọng hơn. Bởi vậy, một kế hoạch hành động toàn diện cả quản lý và kỹ thuật cần phải tiến hành ngay từ bây giờ trước khi mọi cố gắng đều trở nên quá muộn.

Theo K.V/Báo Điện tử Đảng Cộng sản

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản