Tin mới

Đồng Nai: Phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chính sách

(Mặt trận) -Thời gian qua, công tác phối hợp giữa 3 cơ quan của tỉnh Đồng Nai: HĐND (cơ quan ban hành chính sách), UBND (thực thi chính sách) và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai (cơ quan phối hợp) cũng như các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng và thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh luôn được đảm bảo, chú trọng.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai ký kết quy chế phối hợp năm 2022. 

Trong đó, phải kể đến sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa HĐND tỉnh với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai trong việc tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh. Qua đó, đã góp phần giúp các chủ trương và quyết sách của HĐND tỉnh luôn kịp thời, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

* Phối hợp thường xuyên, chặt chẽ

Thường trực HĐND tỉnh cho biết, trong năm 2021, HĐND tỉnh đã tổ chức 7 kỳ họp. Qua đó, HĐND tỉnh đã xem xét và ban hành 74 nghị quyết gồm: 8 nghị quyết thường kỳ, 45 nghị quyết chuyên đề, 12 nghị quyết về công tác nhân sự và 9 nghị quyết về hoạt động HĐND làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành nhà nước tại địa phương.

Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng, trong quá trình tổ chức kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh. Quá trình phối hợp được triển khai ngay từ giai đoạn chuẩn bị đến khi hoàn thành việc tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh. Trong đó, Thường trực HĐND tỉnh kịp thời xem xét, cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng nghị quyết do UBND tỉnh trình; phối hợp tổ chức hội nghị thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp. Đồng thời, tham mưu Đảng đoàn HĐND tỉnh phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình, báo cáo và xin ý kiến Ban TVTU các nội dung quan trọng trước khi trình các kỳ họp HĐND tỉnh.

Theo Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, năm 2022, Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2022 theo quy định. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tiễn có thể tổ chức kỳ họp chuyên đề để kịp thời xem xét, thông qua các nghị quyết quan trọng, cấp bách làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành nhà nước tại địa phương. Đồng thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo sự tham gia phản biện xã hội các đề án, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh theo quy định.

Trong năm 2021, đã có 20 nội dung quan trọng được phối hợp trình, báo cáo và xin ý kiến Ban TVTU về: kế hoạch đầu tư công; điều chỉnh chủ trương và quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; điều chỉnh, bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai; chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh...

Công tác phối hợp giữa các các cơ quan còn được thể hiện rõ ở việc Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh đều tham dự và cho ý kiến tại cuộc họp thành viên UBND tỉnh thông qua các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Tại cuộc họp thẩm tra của các ban HĐND tỉnh, thành viên UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan cũng tham dự để trao đổi, giải trình các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong năm qua, các ban HĐND tỉnh đã thực hiện thẩm tra đối với 54 báo cáo, dự thảo nghị quyết UBND tỉnh trình kỳ họp.

Trong khi đó, cũng nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp trong tổ chức kỳ họp, về phía UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự và chỉ đạo các thành viên UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND cấp huyện tham dự xuyên suốt kỳ họp nhằm nắm bắt kịp thời các nội dung liên quan, tham gia thảo luận, giải trình về các vấn đề đại biểu quan tâm hoặc còn có ý kiến khác nhau trong phiên thảo luận.

Mặt khác, cũng từ ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu, giải trình cụ thể một số nội dung mà các đại biểu quan tâm. Đối với những vấn đề cử tri đặt ra chưa được trả lời tại kỳ họp, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tham mưu, trả lời bằng văn bản trình Thường trực HĐND tỉnh thông báo cho cử tri được rõ. Sau kỳ họp, UBND tỉnh phối hợp Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh tổ chức triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh.

MTTQ là kênh quan trọng để cử tri, nhân dân gửi gắm các ý kiến đến cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, từ đó MTTQ trở thành kênh thông tin quan trọng, làm cơ sở để ban hành chính sách sát, đúng với thực tiễn. Chính vì vậy, theo Thường trực HĐND tỉnh, thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong việc thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp.

Tại kỳ họp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có thông báo về tâm tư, nguyện vọng, ý kiến kiến nghị của cử tri cũng như việc MTTQ tham gia xây dựng chính quyền và những ý kiến, kiến nghị.

Cũng nhằm phối hợp xây dựng chính sách, Ủy ban MTTQ Việt Nam còn tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với một số nội dung tờ trình, dự thảo nghị quyết quan trọng. Điển hình như trong năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội về chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Qua phản biện xã hội, cơ bản các ý kiến đều thống nhất với dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh; đồng thời, kiến nghị đơn vị soạn thảo xem xét chỉnh sửa, nghiên cứu bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và đã được các cơ quan, đơn vị tiếp thu, hoàn thiện.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà, sau kỳ họp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị, xã hội tiếp tục thể hiện rõ sự góp phần tích cực trong việc triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua việc vận động quần chúng tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện.

* Đảm bảo tiến độ, chất lượng nội dung trình kỳ họp

Bên cạnh những kết quả tích cực, nổi bật nêu trên, công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vẫn còn có một số tồn tại cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, việc phối hợp chuẩn bị nội dung tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh còn có một số hạn chế như: vẫn còn tình trạng tờ trình, dự thảo nghị quyết chuyển tới các ban chậm hơn so với tiến độ. Điều này tạo ra một số khó khăn, áp lực trong công tác thẩm tra của các ban.

Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước cho hay, số lượng nghị quyết được ban hành tại các kỳ họp liên quan đến lĩnh vực kinh tế - ngân sách chiếm số lượng khá lớn trong tổng số nghị quyết được ban hành tại kỳ họp, trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của ban ít. Khi các nội dung tờ trình được chuyển đến ban chậm tiến độ yêu cầu, trong một thời gian ngắn, ban phải tiếp cận nhiều nội dung nghị quyết sẽ dẫn đến khó lòng đảm bảo nghiên cứu kỹ, sâu. Mặt khác, các ban sẽ không đủ thời gian để thực hiện thêm các hoạt động giám sát, khảo sát nhằm thu thập thêm các thông tin, vấn đề liên quan phục vụ cho công tác thẩm tra được kỹ lưỡng nhất có thể. Ngoài ra, có nhiều dự thảo nghị quyết đòi hỏi phải lấy ý kiến phản biện xã hội, nếu thời gian quá ngắn, sẽ không kịp thực hiện hoạt động này, làm ảnh hưởng đến độ sâu, chất lượng của dự thảo nghị quyết.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, trong chuỗi quy trình, thủ tục xây dựng và ban hành chính sách theo luật định thì việc đánh giá tác động, lấy ý kiến đối tượng bị tác động bởi chính sách là quy định mang tính bắt buộc nhằm đảm bảo chính sách được ban hành phù hợp thực tiễn, có tính khả thi cao. Nếu không chuẩn bị đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng nội dung tờ trình thì kéo theo các quy trình liên quan sẽ bị ảnh hưởng và tác động đến tính hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết khi ban hành.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà cho rằng, với những nội dung cần tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội, UBND tỉnh nên gửi sớm nội dung cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để Mặt trận thực hiện tốt hoạt động phản biện xã hội, góp phần vào quá trình xây dựng chính sách sát thực tiễn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, từ thực tiễn quá trình điều hành, quản lý, vấn đề nào nổi cộm phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, UBND tỉnh đều chủ động đề xuất với HĐND tỉnh để ban hành chính sách kịp thời. Điển hình như trong năm 2021, đã có nhiều chế độ chính sách liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh phải ban hành kịp thời. Song quá trình thực hiện xây dựng nghị quyết, vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, bên cạnh mặt làm tốt, vẫn còn những nội dung tờ trình, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh chưa đảm bảo tiến độ theo luật định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, trong năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo chấn chỉnh các sở, ngành khắc phục tình trạng chậm hoàn thành tiến độ tờ trình, nghị quyết theo quy định, góp phần xây dựng chính sách hiệu quả, hiệu lực.

Hồ Thảo

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản