Bởi đa số thí sinh trúng tuyển 2 ngôi trường trên đều thuộc các địa phương nằm giữa “tâm bão” với những dấu hiệu “không hề nhẹ” như một sự khẳng định nghi ngờ phần nào có lý.
Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân. Ảnh: Q.Q.
Theo thông báo từ Học viện ANND, số thí sinh trúng tuyển vào Học viện năm nay tập trung vào các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn. Lạng Sơn - địa phương đang khiến dư luận nghi ngờ kể từ khi vụ bê bối điểm thi xảy ra, đứng đầu cả nước về tỷ lệ trúng tuyển vào Học viện ANND với 23 thí sinh. Đặc biệt, trong đó có 12 thí sinh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - K20, thi tại Lạng Sơn, đang được cộng đồng rất “quan tâm”.
Không chỉ dẫn đầu về số thí sinh trúng tuyển, Lạng Sơn và Hòa Bình còn có tới 5/6 thí sinh là thủ khoa của Học viện ANND (Hòa Bình 3 thí sinh và Lạng Sơn 2 thí sinh).
Cũng thật “ngẫu nhiên”, khi Hòa Bình và Cao Bằng có số thí sinh đỗ vào Học viện ANND chỉ sau Lạng Sơn với 14 thí sinh mỗi tỉnh. Tiếp đó là Hà Tĩnh với 15 thí sinh, Sơn La và Bắc Kạn mỗi tỉnh 11 người.
Điều đáng nói là, các “lò” đào tạo học sinh chuyên ở các địa phương có truyền thống nhiều năm dẫn đầu về số thủ khoa Học viện ANND như Hà Nội, Nam Định, Nghệ An năm nay trở nên “mờ nhạt” trước hàng loạt thí sinh của các tỉnh vốn không có tên trên “bản đồ thi cử”.
Một con số cũng đáng lưu ý là, trong 235 thí sinh trúng tuyển vào Học viện ANND có tới 156 thí sinh là chiến sĩ nghĩa vụ, chiếm tới 61%, áp đảo so với 39% còn lại là học sinh phổ thông!
Dư luận đã đặt câu hỏi vì sao, từ những thí sinh vốn không thi đỗ đại học ngay khi rời ghế phổ thông, mà nay vừa học vừa làm lại bỗng “bứt phá ngoạn mục” một cách “đồng đều”, đến mức có người đỗ cả thủ khoa!
Sự vươn lên này là một bất ngờ hay đáng ngờ? Họ có bí quyết gì để học sinh các trường chuyên vốn được đào tạo “gà nòi”, từng giành các giải cao trong nước và quốc tế, cũng phải chào thua và không còn “cửa”?
Chính đại diện Học viện ANND cũng nhận xét rằng kết quả năm nay có nhiều khác thường so với diễn biến thực tế của kỳ thi vừa qua. Vì thế, nhà trường cũng mong muốn được rà soát lại, thậm chí có thể đối chiếu điểm thi với bài thi gốc của một số thí sinh trúng tuyển, nhất là các địa phương đang có nghi vấn gian lận điểm thi THPT quốc gia, nhằm đảm bảo sự công bằng cũng như chất lượng đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên hiện tại, nhà trường vẫn chấp nhận kết quả đang có vì vướng về mặt pháp lý để có thể kiểm tra lại điểm.
Giám đốc Học viện CSND, Thiếu tướng Đặng Xuân Khang cũng cho biết, từ khi thực hiện lấy điểm kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, các trường khó kiểm soát được chất lượng thí sinh. Số thí sinh là chiến sĩ nghĩa vụ trúng tuyển tăng lên nhiều, cũng như tỉ lệ thí sinh ở nông thôn đỗ nhiều hơn thí sinh thành phố.
Lạng Sơn và Hòa Bình dẫn đầu về số thí sinh trúng tuyển Học viện An ninh Nhân dân năm nay.
Cho dù việc rà soát lại với các thí sinh có điểm thi cao bất thường ở các địa phương có bê bối có được tiến hành hay không, thì trong suy nghĩ của mọi người, đó vẫn là những “tì vết” khó rửa. Do đó, Bộ Giáo dục Đào tạo và các trường đại học cần có biện pháp thích hợp để loại bỏ ngay từ đầu sự gian trá đội mác tri thức. Nếu việc rà soát hiện chưa có cơ sở pháp lý, tại sao không bổ sung, sửa đổi để tiếp cận thực tế cuộc sống, bởi qui định nào cũng do con người làm nên cả?
Từng có dư luận về việc trước đây, một số trường đại học đã phát hiện những bài thi có điểm cao bất thường, nên đã đề nghị trích xuất bài thi gốc để xem xét, nhưng đã không được ngành giáo dục hợp tác. Giờ đây, khi các vụ gian lận đã bùng phát thành “dịch”, thì Bộ Giáo dục Đào tạo chẳng còn lý do gì để từ chối việc thanh tra, rà soát một cách nghiêm túc những vấn đề đã được dư luận phát hiện là bất thường.
Hậu quả do công tác thi cử của ngành giáo dục còn quá nhiều lỗ hổng đang khiến các ngành phải gánh, mà “nhận lãnh” trước tiên là các trường đại học. Nếu để lọt những thí sinh học dốt nhưng vẫn ngồi ghế đại học, nhất là các trường liên quan đến pháp luật, sức khỏe con người như Công an, Y - Dược, thì hậu quả là vô cùng nguy hại cho xã hội.
Trong bối cảnh gian lận thi cử có qui mô lớn như hiện nay, còn Bộ Giáo dục Đào tạo rất lúng túng trong việc tìm kiếm một giải pháp tối ưu, thiết nghĩ, các trường đại học cần chủ động bảo vệ uy tín bằng việc siết chặt đầu ra, cũng là góp phần gián tiếp hạn chế việc gian lận ở đầu vào. Một số trường đã có biện pháp nâng cao chất lượng đầu ra rất hiệu quả: Mỗi năm, Đại học Bách khoa Hà Nội buộc thôi học từ 700-800 sinh viên do học kém. Năm ngoái, trường Đại học Luật TP.HCM cũng buộc thôi học 112 sinh viên vì kết quả học kém cùng hàng trăm sinh viên bị “báo động đỏ”. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng buộc thôi học 35 em có kết quả học tập thấp và cảnh báo học vụ 579 sinh viên…
Bên cạnh đó, có thể siết chặt đầu ra như nhiều nước đã làm: Đại học Coastal Georgia chấp nhận tới 92% đơn đăng ký nhập học, nhưng chỉ có 15% số sinh viên tốt nghiệp. Đại học Dine nhận 100% thí sinh ứng tuyển nhưng chỉ có 15% sinh viên tốt nghiệp.
Thôi thì, trong bối cảnh gian lận thi cử tràn lan như hiện nay, chỉ có giải pháp mạnh tay siết chặt đầu ra của các trường đại học mới hy vọng dần thiết lập lại trật tự công bằng trong học tập.
Theo Thanh Hằng/Dân Việt