(Mặt trận) - Sáng 27/4, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị Tọa đàm bàn các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Dự hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành và các tổ chức chính trị- xã hội; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện; đại diện một số xã, phường và trưởng ban TTND, ban GSĐTCCĐ tiêu biểu.
Hiện nay, toàn tỉnh có 109 ban TTND xã, phường, thị trấn với 932 thành viên. Thời gian qua, hệ thống các ban TTND đã tổ chức triển khai thực hiện giám sát tập trung vào những vấn đề trọng tâm, theo từng nhóm nội dung, nhất là việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của chính quyền cơ sở; việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc thực hiện quy định của địa phương về các quy định mức đóng góp, thu, chi ở cơ sở; giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai; chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án...
Qua giám sát, Ban TTND đã phát hiện và kiến nghị với chính quyền cơ sở trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Về hoạt động của ban GSĐTCCĐ, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 334 ban GSĐTCCĐ với 1.928 thành viên. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, các ban GSĐTCCĐ đã trực tiếp tổ chức giám sát nhiều nội dung quan trọng đối với 589 công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện, kiến nghị hàng chục vụ việc vi phạm đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý; giúp cho việc đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo việc công khai, minh bạch trong đầu tư, đồng thời ngăn chặn các sai phạm, tiêu cực gây thất thoát, lãng phí …
Tuy nhiên, việc tổ chức và hoạt động của ban TTND và ban GSĐTCCĐ còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc làm giảm hiệu quả hoạt động như: sự bất cập của một số quy định của pháp luật về các lĩnh vực; các thành viên của ban TTND, ban GSĐTCCĐ đảm nhiệm giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế về kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực giám sát; chưa có sự quan tâm tương xứng đối với công tác TTND, GSĐTCCĐ; một số địa phương chưa tạo điều kiện thuận lợi cho ban TTND, ban GSĐTCCĐ hoạt động…
Trên cơ sở đánh giá đúng các mặt mạnh, điểm yếu trong hoạt động của ban TTND và ban GSĐTCCĐ, các đại biểu dự tọa đàm đã thẳng thắn trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác của ban TTND, ban GSĐTCCĐ; tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tồn tại, vướng mắc của người dân, đảm bảo ổn định trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, các ý kiến còn tập trung làm rõ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, việc triển khai của MTTQ, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội trong hoạt động giám sát của ban TTND và ban GSĐTCCĐ; thực trạng việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết và thông báo kết quả của cơ quan có thẩm quyền khi được ban TTND và ban GSĐTCCĐ kiến nghị.
Cũng tại buổi tọa đàm, đã có nhiều kinh nghiệm, cách làm hiệu quả được chia sẻ để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của ban TTND và ban GSĐTCCĐ.
Theo Báo Hà Nam