|
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương kiểm tra công tác bầu cử tại thị xã Sơn Tây |
Phóng viên: Xin bà cho biết đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp TP. Hà Nội đã được tiến hành như thế nào?
Bà Nguyễn Lan Hương: Xác định công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch và hướng dẫn MTTQ các cấp của Thành phố tham gia công tác bầu cử và thực hiện các nhiệm vụ trong bầu cử, bảo đảm đúng tiến độ.
Thực hiện Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 35 của Thành ủy Hà Nội, để bảo đảm chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, thẩm định hồ sơ người ứng cử; nghiên cứu bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách bầu cử; đặt tiêu chuẩn, chất lượng của đại biểu lên hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp chất lượng của đại biểu.
Các bước trong quy trình hiệp thương đã được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Những người ứng cử được giới thiệu tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải là người tiêu biểu, không chỉ được sự tín nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tổ chức đó mà còn phải được sự tín nhiệm của nhân dân nơi người ứng cử đang sinh sống.
MTTQ các cấp thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện, nhất là việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác của người tự ứng cử, bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử giữa các ứng cử viên.
Trải qua quy trình 5 bước với 3 vòng hiệp thương chặt chẽ, dân chủ, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã hiệp thương, lựa chọn danh sách 36 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 160 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đây là những đại diện tiêu biểu, xứng đáng, có đức, có tài, bảo đảm về chất lượng, số lượng, cơ cấu, thành phần. Chất lượng của các ứng cử viên nhiệm kỳ này cao hơn so với nhiệm kỳ trước, với 100% ứng cử viên đại biểu Quốc hội có trình độ Đại học trở lên và 98,13% ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố Hà Nội có trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên. Tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố được bảo đảm, đạt 41,67% và 38,75%, cao hơn so với quy định của Luật. Tỷ lệ trẻ và ngoài Đảng của người ứng cử đại biểu Quốc hội đạt 19,44% và 8,33%; tỷ lệ này của người ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đạt 20,33% và 14,38%.
Đặc biệt, theo phân bổ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hà Nội không có cơ cấu dân tộc. Tuy nhiên, thực tế, Hà Nội vẫn có một phần nhỏ dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Để bảo đảm có tiếng nói đại diện của đồng bào dân tộc với Quốc hội, Hà Nội đã hiệp thương giới thiệu 01 đại biểu đại diện cho đồng bào dân tộc ở Thủ đô ứng cử đại biểu Quốc hội.
Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, MTTQ các cấp đang tích cực chuẩn bị tổ chức để các ứng cử viên vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
|
5 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố tại hội nghị tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ. |
Phóng viên: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận vào thời điểm hiện nay là tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử. Thưa bà, hoạt động này đã được Mặt trận các cấp triển khai như thế nào?
Bà Nguyễn Lan Hương: Kể từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, các ứng cử viên đã tiến hành vận động bầu cử.
Theo quy định, có hai hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp là: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các cuộc tiếp xúc ở địa phương nơi ứng cử; vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong hai hình thức này, người ứng cử đều phải báo cáo với cử tri chương trình hành động của mình nếu trúng cử.
Bám sát tiến độ, nội dung công việc theo quy định và với vai trò của mình, MTTQ các cấp thành phố xác định phải tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri đảm bảo an toàn, đúng luật, công khai, dân chủ; tạo điều kiện công bằng để các ứng cử viên được nghiên cứu, xây dựng và trình bày chương trình hành động, được trao đổi với các cử tri về các vấn đề cần quan tâm.
Để đảm bảo việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tập trung giám sát một số nội dung chính: Việc thực hiện các quy định về nguyên tắc, thời gian, hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử (quy định tại Điều 63, 64, 65 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND); Trách nhiệm của người ứng cử; Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử (quy định tại điều 68 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND);
Việc tuyên truyền công tác bầu cử ở địa phương; Trách nhiệm của các cơ quan trong việc đăng tải nội dung vận động bầu cử, chương trình hành động của người ứng cử và việc đảm bảo công bằng về số lượng các lần trả lời phỏng vấn, đăng tải chương trình hành động giữa những người ứng cử. Các chương trình hành động của người ứng cử sẽ được Ủy ban MTTQ Thành phố lưu giữ để làm cơ sở giám sát hoạt động của đại biểu nếu trúng cử.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định từ kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, ông cam kết thực hiện 8 chương trình hành động. |
Phóng viên: Để xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của cử tri, Đại biểu Quốc hội, HĐND TP. Hà Nội sẽ phải làm gì để hiện thực hóa sự phát triển Thủ đô trong những năm tiếp theo cũng như đưa đất nước trở nên phồn vinh, thịnh vượng, phát triển?
Bà Nguyễn Lan Hương: Trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố Hà Nội là vinh dự lớn đối với mỗi đại biểu, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề trước cử tri và đất nước.
Cử tri Thủ đô đặt niềm tin, kỳ vọng lớn vào những vị đại biểu này sẽ thay mặt Nhân dân tham gia vào quá trình lập pháp, hoạch định chính sách và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Cử tri cũng kỳ vọng, đại biểu dân cử tiếp tục tu dưỡng, tham gia có trách nhiệm, thẳng thắn trong các hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp; phải thực sự gần dân, sát dân, giữ mối liên hệ với nhân dân và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người đại biểu dân cử, xứng đáng với niềm tin mà người dân đã gửi gắm.
Đại biểu dân cử phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Mỗi đại biểu cần chủ động nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ theo luật định. Cần tích cực nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND; thường xuyên trau dồi kỹ năng hoạt động, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin để giúp HĐND ban hành nghị quyết đúng đắn, đảm bảo phù hợp thực tiễn địa phương. Tăng cường tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ kịp thời, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND và thực sự là người đại biểu đại diện của Nhân dân.
Quan trọng, đã là đại biểu dân cử thì phải có bản lĩnh, trách nhiệm và thực hiện đúng lời hứa trước cử tri.
|
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương kiểm tra công tác bầu cử |
Phóng viên: Bà có thể cho biết, Hà Nội đã có sự chuẩn bị các phương án, tình huống cho ngày bầu cử như thế nào? Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp như hiện nay?
Bà Nguyễn Lan Hương: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ủy ban MTTQ thành phố đã hướng dẫn MTTQ các cấp chủ động chuẩn bị tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, của UBTƯ MTTQ Việt Nam và các quy định của địa phương. Trong quá trình triển khai, Mặt trận các cấp cần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt để có những hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Về phương án cụ thể, theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia về tổ chức bầu cử trong tình huống dịch Covid-19 phát sinh ở các địa phương, tổ bầu cử phải bảo đảm quyền bầu cử trường hợp thực hiện cách ly y tế và tại các địa phương có dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, tổ bầu cử rà soát danh sách cử tri đang thực hiện cách ly y tế tập trung, tại nhà và các trường hợp khác không thể đến phòng bỏ phiếu bình thường theo quy định. Đến ngày bầu cử, tổ bầu cử cử người mang phiếu bầu và hòm phiếu phụ đến địa điểm có cử tri cách ly y tế để cho họ bỏ phiếu. Bỏ phiếu xong phải khử khuẩn hòm phiếu phụ trước khi mang về phòng bỏ phiếu.
Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử hoặc địa phương phải áp dụng cách ly hay phong tỏa, Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án (thời điểm, cách thức bỏ phiếu...) để Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
Bằng sự quyết tâm cao nhất, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô đang nỗ lực thực hiện những phần việc còn lại để đảm bảo sẵn sàng cho ngày hội toàn dân được diễn ra an toàn, thuận lợi.
|
Cử tri tìm hiểu thông tin về danh sách ứng cử viên được niêm yết tại huyện Quốc Oai |
Phóng viên: Để tổ chức tốt kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, với trách nhiệm, vai trò và nhiệm vụ được giao, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai những nhiệm vụ gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Lan Hương: Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã hoàn thành việc niêm yết công khai danh sách cử tri trên địa bàn. Từ thời điểm niêm yết, các địa phương đã phân công người trực, mở sổ theo dõi tiếp nhận ý kiến, phản ánh của cử tri về danh sách cử tri, tiếp tục rà soát dữ liệu về dân cư, tạm trú, tạm vắng, nắm bắt chặt chẽ cử tri cư trú và mọi di biến động cử tri; thường xuyên theo dõi, tiếp nhận, bổ sung, rà soát danh sách cử tri, đảm bảo không để sai sót thông tin cử tri, không để sót cử tri hoặc trùng lặp danh sách cử tri ở nơi thường trú và tạm trú (nhất là trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng không có mặt), có lưu ý đối với những cử tri thực hiện biện pháp cách ly y tế về phòng, chống dịch COVID-19 để có phương án xử lý thích hợp đảm bảo quyền bầu cử cho cử tri, thời gian cập nhật, điều chỉnh danh sách cử tri được thực hiện đến 24 giờ trước thời điểm bỏ phiếu.
MTTQ các cấp đang phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cuộc bầu cử cũng như việc đảm bảo y tế về phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình diễn ra bầu cử trên địa bàn.
Hà Nội cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác tuyên truyền, trang trí, cổ động trực quan, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng bầu cử được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Thành phố đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn Mặt trận các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai công tác tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử; đồng thời, nắm chắc tình hình Nhân dân. Uỷ ban MTTQ Thành phố phối hợp mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường các tin bài tuyên truyền trên các báo, đài Trung ương, Thành phố, trên Website và Bản tin Dân chủ và Đoàn kết của Mặt trận Thành phố.
Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã triển khai đa dạng, kịp thời, hợp lý với nhiều phương thức tuyên truyền, phong phú như: Tuyên truyền, phổ biến các văn bản về bầu cử tại các hội nghị tập huấn triển khai công tác bầu cử; Biên soạn và phát hành tài liệu hỏi đáp công tác bầu cử; tuyên truyền về bầu cử tại các cuộc họp, hội thảo, toạ đàm, tập huấn, các buổi sinh hoạt của nhân dân, phát huy vai trò của các nhân sĩ, trí thức, người có uy tín, tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động bầu cử.
Tại cơ sở, địa bàn dân cư, cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên trực tiếp tuyên truyền, phổ biến các nội dung về bầu cử đến Nhân dân; Lồng ghép nội dung tuyên truyền bầu cử gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động. Nhiều khu dân cư, tổ dân phố đã lập nhóm để thông tin, cập nhật kịp thời cho người dân nắm bắt, tham gia hưởng ứng cuộc bầu cử.
Bằng sự quyết tâm cao nhất, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô đang nỗ lực thực hiện những phần việc còn lại để đảm bảo sẵn sàng cho ngày hội toàn dân được diễn ra an toàn, thuận lợi.
Trân trọng cảm ơn bà!
Hương Diệp (tổng hợp)