|
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023 |
Các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự hội nghị.
Cách đây 20 năm, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, sau đó tại Điều 11, Luật MTTQ Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII (năm 2015) thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tiếp tục khẳng định: “Ngày 18/11 hằng năm là Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”. Đây là cơ sở pháp lý để ngày hội trở thành “cầu nối” giữa tổ chức Đảng, chính quyền với các tầng lớp Nhân dân.
Để triển khai thực hiện, ngay từ năm 2003, các cấp ủy Đảng đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh. Trong đó giao cho Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì hướng dẫn tổ chức Ngày hội tại các thôn, khu dân cư. Hằng năm, Thường trực Tỉnh ủy đều ra thông báo, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tham dự Ngày hội đại đoàn kết. Đến nay, Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành một nét văn hoá, là hoạt động thường niên, diễn ra sôi nổi ở 100% các thôn, khu dân cư trong tỉnh. Trong đó, 70% thôn, khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, 50% số khu dân cư tổ chức bữa cơm "Đại đoàn kết" thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham dự; nhiều thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh về dự, chung vui cùng Nhân dân trong ngày hội.
20 năm qua, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh đã cổ vũ tinh thần Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; là nơi gắn kết cộng đồng; là diễn đàn trao đổi, đối thoại giữa các thành viên trong địa bàn dân cư về xây dựng tình làng, nghĩa xóm; hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế; tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, thôn, khu dân cư văn hóa…
Trong 20 năm, toàn tỉnh đã huy động Nhân dân đóng góp trên 2.000 tỷ đồng, 9.000 ha đất và 987.000 ngày công xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ xây dựng mới 7.439 ngôi nhà, sửa chữa hơn 1.204 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở; giúp hàng nghìn hộ nghèo về sinh kế; hỗ trợ khám chữa bệnh, tặng học bổng cho 50 nghìn lượt hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó học giỏi; tặng trên 125 nghìn suất quà cho người nghèo nhân dịp ngày lễ, tết với tổng số tiền trên 250 tỷ đồng; 918 thôn, khu dân cư thực hiện mô hình ''Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang'', 860 mô hình ''Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường", 1.104 thôn, khu dân cư có mô hình ''Tự quản đảm bảo an ninh trật tự'', 70 nhóm nòng cốt với gần 900 thành viên tham gia tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật, trợ giúp pháp lý ở cộng đồng dân cư... Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh, người dân đã nêu cao tinh thần đại đoàn kết ủng hộ hàng trăm tỷ đồng, cùng nhiều hiện vật cho công tác phòng, chống dịch cả về vật chất lẫn tinh thần.
Đặc biệt, ngày hội càng trở nên ý nghĩa hơn khi Nhân dân cùng nhau tổ chức bữa cơm "Đại đoàn kết" gắn với các hoạt động thăm hỏi các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng; trao nhà "Đại đoàn kết", tặng quà, động viên các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian của mỗi cộng đồng, từng dân tộc.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như việc tham mưu tổ chức ngày hội ở một số nơi còn chưa thực sự chủ động; chưa phát huy được tiềm năng, sự vào cuộc của một bộ phận Nhân dân; cơ sở vật chất phục vụ ngày hội còn hạn chế; nội dung, hình thức ngày hội ở một số nơi còn đơn điệu nặng về phần lễ, khô cứng về phần hội…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao vai trò chủ công của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và Ban công tác Mặt trận các thôn, khu dân cư trong việc tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong suốt 20 năm qua trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí đề nghị, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cần phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong hội nghị nhằm nâng cao chất lượng và nhân rộng những giá trị tốt đẹp của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời tăng cường phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên, động viên, khuyến khích đoàn viên, hội viên và Nhân dân phát huy vai trò làm chủ, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức ngày hội… Bên cạnh phần lễ trang trọng, ý nghĩa, cần trú trọng hơn phần hội để Ngày hội thật sự là ngày hội đại đoàn kết của toàn dân.
Tại hội nghị, 10 tập thể, 15 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 53 tập thể và 53 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn, khu dân cư giai đoạn 2003-2023 được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen.
Đoàn Thanh Nam (MTTQ tỉnh Hải Dương)