|
Tuyến đường nông thôn Hòa Vang phủ đầy hoa và cây xanh. Ảnh: THANH TÌNH |
Trong đó có các mô hình, phong trào nổi bật như: “Điểm chứa rác văn minh, hợp vệ sinh”, “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Mái nhà xanh”, “Thùng rác văn minh phân loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ”; thành lập các CLB môi trường, hình thành các “Tuyến đường kiểu mẫu”…
Phát huy các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả
Nhận thấy lợi ích của các sản phẩm nước tẩy rửa sinh học, mấy năm nay, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong) đã tìm hiểu và làm ra các sản phẩm nước lau chùi nhà bếp, tường bếp, bếp gas thông qua việc tận dụng rau củ quả dư thừa. Bà Hạnh cho biết: “Tôi tận dụng các loại vỏ trái cây loại bỏ hằng ngày như cóc, thanh long, hoa cúc… Sau khi rửa sạch, để ráo, tôi ngâm với một lượng nước và đường phù hợp khoảng 3-5 ngày thì có thể sử dụng”.
Bà Hạnh bắt đầu làm các loại nước rửa sinh học này từ năm 2017 và nhân rộng, hướng dẫn các hội viên phụ nữ cùng làm, sử dụng. Đặc biệt, mô hình này rất có tác dụng khi đưa vào thực hiện ở các nhóm trẻ tư thục trên địa bàn trong lau tường, lau nhà, rửa bát để hạn chế gây ảnh hưởng đến trẻ. “Đây là mô hình hay, vừa hạn chế rác thải ra môi trường, vừa đỡ tốn kinh phí mua nước lau, nhất là không gây kích ứng da, lại thân thiện với môi trường”, bà Hạnh nói thêm.
Ngoài sáng kiến nói trên, ở địa bàn huyện Hòa Vang, các mô hình “Trồng chuối lấy lá”, “Đổi rác (rác tài nguyên) lấy quà”, “Mái nhà xanh tiếp bước em đến trường”, “Nông dân nói không với cắm bao bì nilon trên đồng ruộng”, “Khu dân cư thân thiện môi trường”, “Tiếng trống môi trường”, “Phân loại rác tại nguồn”… mang lại hiệu quả thiết thực, lan tỏa đến cộng đồng, đang được các cấp hội, đoàn thể đồng loạt thực hiện, nhân rộng.
Cùng với đó, nhiều mô hình đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách sinh hoạt của người dân như phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp” với các hoạt động: phát quang cỏ dại, cắt tỉa chăm sóc cây xanh, nhặt bao bì nilon, dọn đất đá rơi vãi trên đường… Hay mô hình “Tuyến đường kiểu mẫu” thu hút người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi hăng hái tham gia mở rộng lòng lề đường; vun xới, làm đất, nhổ cỏ, trồng cây xanh..., góp phần không nhỏ giúp những tuyến đường giao thông nông thôn trở nên khang trang, thông thoáng.
Từ năm 2008 đến nay, các CLB môi trường tại khu dân cư được thành lập do Hội Cựu chiến binh chủ công và có sự hỗ trợ, giúp sức của các lực lượng phụ nữ, thanh niên, nông dân… “Nhiệm vụ của các CLB môi trường là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và đi đầu trong việc tổ chức các đợt ra quân trong các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, phân loại rác thải tại nguồn, các tháng thi đua, hành động vì môi trường...
CLB môi trường tại khu dân cư đầu tiên được thành lập tại thôn Phong Nam (xã Hòa Châu), nay nhân rộng ra 73/113 thôn với gần 2.300 thành viên. Ngoài thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng được các CLB thực hiện góp phần mang lại môi trường xanh - sạch - đẹp trong khu dân cư”, ông Lê Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hòa Vang cho hay.
Xây dựng điểm chứa rác văn minh, hợp vệ sinh
Về xã Hòa Phước, đường làng rợp cây xanh, thông thoáng, sạch sẽ. Có được điều đó, một phần nhờ nhiều năm nay xã đã thực hiện thành công mô hình “Xây dựng điểm chứa rác văn minh, hợp vệ sinh” ở mỗi thôn. Tại các điểm chứa rác này có người thu gom tại nhà và chuyển đến điểm tập kết.
Theo chị Vương Thị Cẩm Nhung, cán bộ môi trường xã Hòa Phước, do đặc thù địa bàn rộng, dân cư ít nên tại mỗi thôn đều có một điểm chứa rác. Nhờ mô hình này, lượng rác thải trong dân không tồn đọng, môi trường sạch hơn, người dân ý thức hơn. Hiện xã Hòa Phước có 10/10 thôn thực hiện mô hình với 9 điểm chứa rác văn minh, hợp vệ sinh (2 thôn Miếu Bông và Cồn Mong chung một điểm).
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang, dự kiến cuối năm nay, huyện sẽ chọn 2 xã thí điểm xây dựng công trình “Điểm chứa rác văn minh, hợp vệ sinh” để đáp ứng khả năng chứa rác cho toàn bộ khu vực. Ngoài ra, để duy trì thói quen bảo vệ môi trường cho nhân dân, huyện thành lập nhóm “Môi trường Xanh Hòa Vang” trên ứng dụng Zalo để kết nối và tạo phong trào thi đua bảo vệ môi trường giữa các địa phương. Từ khi có nhóm Zalo, các sáng kiến mới, cách làm hay đều được đăng tải kịp thời.
Cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa Vang nhiều năm qua cũng đi đầu trong thực hiện mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”. Mô hình “Thùng rác văn minh” có 67/113 chi hội tham gia. Hội LHPN huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đầu tư trang bị “Mái nhà xanh” tại 57/113 thôn; thành phố, xã trang bị 9 “Mái nhà xanh”.
Theo bà Lê Thu Sa, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang, mỗi năm từ nguồn phân loại rác thải, Hội LHPN các cấp thu được khoảng 185 triệu đồng, hỗ trợ khoảng 1.100 trường hợp khó khăn. Song song đó, Hội LHPN huyện tiếp tục duy trì chương trình “Mỗi phụ nữ trồng một cây xanh”, “Mỗi cơ sở hội một công trình cây xanh”, “Trồng chuối lấy lá”; hằng tuần, hằng tháng vận động chị em dọn vệ sinh tại các khu dân cư, di tích lịch sử… để bảo vệ và nhân rộng các mô hình, hoạt động bảo vệ môi trường.
THANH TÌNH