Tin mới

Kết hợp kinh tế với quốc phòng vì sự phát triển đất nước và lợi ích của nhân dân

(Mặt trận) - Đó là khẳng định của các đại biểu tham dự Tọa đàm “Kết hợp kinh tế với quốc phòng- nhiệm vụ chiến lược lâu dài” do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức sáng 6-7 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND phát biểu khai mạc tọa đàm.

Góp phần gia tăng sức mạnh tổng lực của quốc gia

Tham dự tọa đàm, đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ nêu hình tượng: Phát triển kinh tế và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng như hai chiếc cánh của một con chim. Nếu bỏ đi cánh nào thì con chim cũng không thể bay được. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng phải được coi là “gen trội”, và việc phát triển kinh tế là “gen bổ sung”.

 Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ phát biểu tại tọa đàm.

Theo đồng chí Vũ Khoan, việc gắn kinh tế với quốc phòng không phải là điều mới, vì đã được quân đội thực hiện từ lâu và đã được ghi trong cương lĩnh của Đảng. Gắn kinh tế với quốc phòng là việc làm cần thiết, bởi thông qua đó để gia tăng sức mạnh của quân đội, đặc biệt là sức mạnh tổng lực của quốc gia. Gắn kinh tế với quốc phòng cũng góp phần tạo nên sự độc lập, tự chủ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, giảm bớt sự lệ thuộc vào việc mua sắm từ nước ngoài, qua đó từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Tham luận của đại diện đến từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng mang lại một góc nhìn khác về sự góp phần gia tăng sức mạnh tổng lực của quốc gia thông qua việc quân đội kết hợp kinh tế với quốc phòng. Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Viettel chia sẻ, để có được thành công như hôm nay, Viettel đã khởi nghiệp gian nan, khó khăn, chứ không như một số thông tin trên mạng cho rằng, Viettel được bao cấp, được ưu đãi lớn từ quân đội. Trong 10 năm đầu, Viettel chỉ là một công ty nhỏ bé, với quân số hơn 100 người và “lưng vốn" nhỏ nhoi là 2,3 tỉ đồng.

Vượt qua khó khăn bằng ý chí và nghị lực của người lính, Viettel đã có sự bứt phá ngoạn mục, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và hội nhập tích cực vào kinh tế quốc tế, qua đó góp phần nâng cao sức mạnh tổng lực của quốc gia. Trong năm 2016, doanh thu của Viettel đạt 227 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận 39 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 31 nghìn tỉ đồng. Viettel đứng đầu nộp ngân sách ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

 Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Viettel phát biểu tham luận. 

Cũng như nhiều doanh nghiệp quân đội thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng, sự phát triển của Viettel luôn gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh (QPAN). Sự kết hợp đó được thể hiện ở chỗ: Hệ thống mạng lưới (HTML) Viettel là mạng thường trực thứ 2 của quân đội, là mạng lưỡng dụng kinh tế và QPAN; Viettel tiên phong trong nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ QPAN; Viettel tiên phong đầu tư ra nước ngoài, góp phần thực hiện chính sách thêm bạn bớt thù, bảo vệ Tổ quốc từ xa; Viettel cũng đã và đang xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng, các đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) của quân đội đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho đồng bào vùng sâu, vùng xa nơi biên giới. Phát biểu tại tọa đàm, Đại tá Tạ Vĩnh Cát, Phó chính ủy Đoàn KTQP 799 (Quân khu 1) cho biết, Đoàn không chỉ làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, mà đặc biệt coi trọng công tác dân vận, thực hiện các chính sách an sinh, xã hội, phối hợp xây dựng cơ sở chính trị địa bàn, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố thế trận QPAN, giữ gìn, bảo vệ môi trường và sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Sự có mặt của những người lính trên mặt trận kinh tế đã làm thay da đổi thịt những vùng đất biên giới như Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng). Tại nơi đứng chân, Đoàn KTQP 799 đã đầu tư xây dựng được 9 công trình thủy lợi với tổng chiều dài hơn 15km kênh mương, phục vụ tưới cho hàng trăm ha ruộng lúa nước; hỗ trợ nhân dân khai hoang, cải tạo được hơn 580ha đất canh tác các loại, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp người dân chủ động trong việc tưới tiêu, có điều kiện thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. Đoàn cũng đã xây dựng được 8 bản biên giới (bao gồm: Đường nội thôn, trường học, nhà công vụ giáo viên, nhà văn hóa, công trình nước sạch, hỗ trợ cho các hộ gia đình xóa nhà dột nát), giúp di dân ra sát biên giới và ổn định cuộc sống cho hơn 900 hộ gia đình, tạo được dải biên giới có dân sinh sống kéo dài trên hàng chục km đường biên.

 Đại tá Tạ Vĩnh Cát, Phó chính ủy Đoàn KTQP 799 (Quân khu 1) phát biểu tham luận.

Để xây dựng các điểm trường, nhà ở nội trú khang trang thay thế cho những lớp học tạm bằng tranh tre, góp phần thu hút đông đảo học sinh theo học, thầy và trò yên tâm học tập, công tác, những người lính ở Đoàn KTQP 799 đã phải nghiền đá núi để làm gạch ba-banh; mỗi ngày tổ chức 2 chuyến vượt hàng chục km đường rừng núi để mang nước về công trường, với chuyến đầu xuất phát từ lúc trời chưa hửng sáng và chuyến thứ hai về đến công trường khi trời đã tối.

Từ xã Cô Be, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng về tham dự tọa đàm, đồng chí Ma Văn Dìn, Phó chủ tịch UBND xã xúc động tâm sự, có Đoàn KTQP 799, nhiều dự án đầu tư đã được triển khai tại địa phương. Đường giao thông nông thôn được xây dựng nối các xóm với trung tâm xã. Nhờ có các bản làng biên giới, dân được sống tập trung, thay vì trước đây sống rải rác, phân tán trên lưng chừng đồi. Bà con còn được bộ đội Đoàn KTQP hỗ trợ trồng rừng, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ thế nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, mua sắm đc nhiều đồ dùng có giá trị. Bà con bị bệnh thì được vào điều trị tại bệnh xá của Đoàn. Phó chủ tịch UBND xã Cô Be xúc động: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước và quân đội, đặc biệt là Đoàn KTQP 799 đã hỗ trợ, giúp đỡ, nhờ thế kinh tế- xã hội của địa phương phát triển, đời sống bà con được nâng cao”.

 Đồng chí Ma Văn Dìn, Phó chủ tịch UBND xã Cô Be, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng phát biểu tại tọa đàm.

Vai trò quan trọng ở những lĩnh vực, địa bàn đặc biệt

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Trong sản xuất và phát triển kinh tế, quân đội đã để lại những dấu ấn không thể phủ nhận, kể cả trong chiến đấu, trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và trong thời kỳ đổi mới. Với cơ sở hạ tầng được trang bị tương đối đồng bộ, với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn tốt, trách nhiệm và tính kỷ luật cao, các sản phẩm của quốc phòng không chỉ đáp ứng được nhu cầu của quân đội và phục vụ hiệu quả cho đời sống nhân dân. Đây là đóng góp đáng được tôn vinh. Hiện nay, chủ trương tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước nhằm thực hiện hiệu quả vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhằm hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chứ không có nghĩa là quân đội không phát triển kinh tế, mà quân đội ngày càng phải làm tốt hơn nhiệm vụ này, đem sức mạnh của khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng.

Phát biểu tham luận tại tọa đàm, TS Nguyễn Minh Phong, Phó vụ trưởng - Phó trưởng ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân cho rằng, kết hợp kinh tế với quốc phòng là việc làm cần thiết. Đặc biệt ở những khu vực biên giới, nơi người dân còn nghèo và không có doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước đầu tư, thì sự hiện diện và vai trò hoạt động kinh tế của quân đội là không thể thiếu được. Với hơn 3.000km bờ biển, 1,5 triệu km2 mặt nước và hàng loạt đảo xa, có tầm quan trọng chiến lược về cả kinh tế và quốc phòng, quân đội phải kết hợp các hoạt động quốc phòng với hoạt động kinh tế để góp phần củng cố an ninh quốc gia. Đặc biệt, những lĩnh vực mà các doanh nghiệp quân đội có lợi thế cao như ngành đóng tàu, công nghiệp hỗ trợ và chế tạo cơ khí chính xác, công nghệ thông tin và viễn thông, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao…. cũng cần có sự kết hợp quốc phòng với kinh tế. Có nhiều cơ sở để tin rằng, nếu kế hoạch đầu tư đóng tàu biển mà giao cho quân đội làm “theo kỷ luật nhà binh”, thay vì giao cho một số doanh nghiệp khác thì có lẽ người dân đi biển nước ta hiện đã có đủ tàu sắt công suất lớn, chất lượng tốt để vươn khơi, thay cho những tàu gỗ ọp ẹp hay những tàu dân sự đóng chưa ra biển đã hoen rỉ và chết máy. TS Nguyễn Minh Phong dẫn ví dụ, những mô hình doanh nghiệp quân đội hoạt động hiệu quả như Viettel, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank), hay Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, là biểu hiện và minh chứng sinh động, cụ thể cho tư duy và cách làm đúng đắn khi kết hợp kinh tế với quốc phòng.

 TS Nguyễn Minh Phong, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân Dân phát biểu tham luận. 

Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: “Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, Thiếu tướng, TS Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho rằng, quân đội cần tiếp tục tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Theo đồng chí, để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế. Hơn nữa, với đường biên giới trên đất liền dài hơn 4.500km và ven biển dài hơn 3.200km, trong khi đời sống của đồng bào còn khó khăn, rất cần xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng để đưa dân ra sinh sống, giúp dân khai hoang, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, từ đó tạo nên bức tường thành vững chắc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Quân đội là lực lượng duy nhất thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này.  

Trong tham luận gửi về tọa đàm, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, nhấn mạnh: Trải qua hai cuộc chiến tranh, đất nước ta bị tàn phá nặng nề. Bộ đội là lực lượng tập trung, có kỷ cương, kỷ luật đã cùng với nhân dân phát huy phẩm chất cần cù, hăng say lao động để bước vào mặt trận mới, xây dựng đất nước sau chiến tranh, với tinh thần, khí thế mới. Chính điều đó đã giúp hậu quả chiến tranh được khắc phục nhanh chóng. Trong thời kỳ dựng xây, đổi mới, những người lính Trường Sơn lại có mặt ở các công trường từ thủy điện Hòa Bình đến thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu... Cũng những người lính năm nào trộn mồ hôi, máu và nước mắt của mình với đất đá Trường Sơn để san lấp hố bom, giành giật với địch từng mét đường trọng điểm, giờ đây đang làm chủ biết bao phương tiện thi công hiện đại, làm giàu thêm, đẹp thêm cho đất nước bởi các tuyến đường như cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Láng - Hoà Lạc, cao tốc  Hà Nội - Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây …

Đừng để lãng phí vì không gắn kinh tế với quốc phòng

Cũng theo Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, nhiều cơ sở công nghiệp quốc phòng hiện được trang bị máy móc, dây chuyền công nghệ tương đối hiện đại, đáp ứng tương đối cho nhu cầu phục vụ thời chiến. Hàng quốc phòng thời bình chỉ 20-30%, do đó cần phải kết hợp sản xuất hàng dân dụng, tránh lãng phí nguồn lực, đồng thời tạo nguồn thu nuôi dưỡng tiềm lực quốc phòng. Bằng vốn tự tích lũy qua sản xuất kinh doanh để tái đầu tư cho cơ sở hiện đại hơn, quay lại phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ quốc phòng.

 Thiếu tướng, TS Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) phát biểu tại tọa đàm. 

Ngoài ra, thông qua tăng gia sản xuất ngoài giờ ở các đơn vị khối thường trực; qua thực hiện các hoạt động dịch vụ có thu ở các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp có thu, nên nhiều đơn vị đã bảo đảm được phần lớn chi phí thường xuyên, góp phần tăng cường các hoạt động sự nghiệp, giảm chi ngân sách, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và người lao động.

Bên cạnh đó, để phục vụ tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quân đội phải đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm quân sự phục vụ quốc phòng. Khi đã đáp ứng được yêu cầu quốc phòng cần phải đưa sản phẩm công nghệ đó phục vụ dân sinh, tạo nguồn thu để tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ cao hơn để đáp ứng tốt nhiệm vụ quốc phòng.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, trên thế giới, kể cả Mỹ, Nga… quân đội có thực hiện sản xuất và buôn bán vũ khí, xuất khẩu công nghệ quốc phòng hoặc đưa công nghệ quốc phòng vào hoạt động kinh tế; tổ chức cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia đấu thầu thực hiện các đơn hàng và các dự án quốc phòng. Toàn bộ lợi nhuận không nằm ngoài mục tiêu phục vụ an ninh quốc phòng.

 Nhà báo Vũ Văn Tiến, Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận, phát biểu tham luận.

Nếu không kết hợp kinh tế với quốc phòng, theo Nhà báo Vũ Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận, sẽ dẫn đến sự lãng phí cho kinh tế nhà nước, đồng thời gây thiệt thòi cho nhiều người dân. Nhà báo Vũ Văn Tiến viện dẫn, nếu như hệ thống y tế quân đội chỉ chữa bệnh cho bộ đội, vậy người dân bị bệnh trông cậy vào đâu, trong khi quân đội có nhiều bệnh viện có uy tín và chất lượng khám chữa bệnh cao như Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện quân y 103... Đó còn là sự lãng phí về cơ sở vật chất, lãng phí về chất xám, tay nghề của đội ngũ y sĩ, bác sĩ có trình độ cao. Vì thế, quân đội cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa  kinh tế với quốc phòng.

Cần có nghị quyết để quán triệt sâu rộng, tạo sự đồng thuận

Cùng với chia sẻ quan điểm về kinh tế kết hợp với quốc phòng; những loại hình, lĩnh vực quân đội cần tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cũng đã nêu lên một số kiến nghị, giải pháp để quân đội thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đồng chí cho rằng, cần có Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc kết hợp kinh tế với quốc phòng để quán triệt công khai trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, qua đó tạo ra nhận thức thống nhất về tính cần thiết phải kết hợp kinh tế với quốc phòng. Cùng với đó, cần tổ chức có chất lượng, hiệu quả công tác tổng kết, rút kinh nghiệm và xác định những chủ trương, giải pháp tiếp theo nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ nói trên. Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng cũng cần được áp dụng thể chế riêng, không có nghĩa là ưu đãi, mà bảo đảm tính phù hợp cho quân đội thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ này. Ngoài ra, cần phải có một đợt tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo ra nhận thức chung, đúng đắn về việc kết hợp kinh tế với quốc phòng.

 Thiếu tướng Phạm Văn Huấn phát biểu kết luận tọa đàm.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, để việc thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng ngày càng hiệu quả, trong thời gian tới, quân đội cần thực hiện việc tổng rà soát những hoạt động và đánh giá nghiêm túc tác động hai mặt và những bất cập trong các hoạt động và cơ chế quản lý những doanh nghiệp quân đội làm kinh tế hiện nay; đồng thời, xây dựng những kịch bản, phương án mới và tổ chức hội thảo, lấy ý kiến phản biện khoa học, nghiêm túc, thận trọng để xác định rõ các lĩnh vực, địa bàn và nội dung, hình thức hoạt động kinh tế cụ thể, với mục tiêu cao nhất là vì lợi ích quốc gia, phát triển quân đội chính quy, hiện đại, ngày càng hùng mạnh, đủ sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh đất nước…

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn khẳng định, với tình cảm, trách nhiệm cao, các đại biểu tham dự tọa đàm đã có những tham luận sâu sắc và chất lượng. Các ý kiến tiếp tục khẳng định, quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thực hiện một trong 3 chức năng, nhiệm vụ của quân đội được Đảng, Nhà nước giao, theo lời dạy của Bác Hồ: Quân đội ta là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Cùng với phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với quân đội trên lĩnh vực tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, các ý kiến cũng đã gợi mở nhiều nội dung quan trọng, để quân đội ngày càng thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng, cụ thể  là việc đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này cần phải làm gì để không bị tụt hậu, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, không ngừng lớn mạnh trong thời kỳ hội nhập...

 

Tọa đàm Kết hợp kinh tế với quốc phòng - Nhiệm vụ chiến lược. (Nguồn: Truyền hình Nhân dân)

Hoàng Hà

 
Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản