Tin mới

Kết quả bước đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020

Sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17-10-2016) đã cơ bản khắc phục được những bất cập của giai đoạn trước, phù hợp hơn với điều kiện thực tế và đạt được những kết quả tích cực.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Gần 100% số xã trên cả nước đã có đường ô tô tới trung tâm xã.

Kết cấu hạ tầng phát triển nhanh

Trong giai đoạn 2016 - 2020, việc áp dụng linh hoạt mức đạt chuẩn của một số tiêu chí về kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới đã tạo thuận lợi cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện, đồng thời giảm bớt nhu cầu đầu tư những hạng mục công trình chưa cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Sau hơn 1 năm thực hiện, nhiều địa phương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ so với giai đoạn trước, bộ mặt nông thôn có những thay đổi tích cực. Đường giao thông nông thôn được trải nhựa, đổ bê-tông, nhiều xã vùng sâu, vùng xa trên cả nước có điện thắp sáng, hệ thống trường, trạm bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định hơn trước.

Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong hơn 7 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn đã hoàn thành một khối lượng hơn gấp 5 lần của giai đoạn 2001 - 2010. Hiện có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã. Đặc biệt ở những địa bàn vùng núi cao, địa hình phức tạp như Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng, hệ thống đường giao thông được bê-tông hóa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở những khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Hiện tại, mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn. 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo. 99,5% số xã có trạm y tế xã. 60,8% số xã có chợ; 58,6% số xã có nhà văn hóa. Hệ thống thủy nông được xây dựng mới và hoàn thiện, trong đó, trên địa bàn nông thôn có 18.100 trạm bơm phục vụ sản xuất và dân sinh, bình quân mỗi xã có 2 trạm bơm. Hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn được đầu tư xây dựng với 4.498 xã có công trình nước sạch tập trung.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 12-2017, cả nước đã có 4.850 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt 54,3%); hơn 7.600 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt 85,3%); gần 5.000 xã đạt tiêu chí trường học (đạt 55,8%); 4.681 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 52,4%); trên 6.300 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (đạt 70,9%)… Những con số này cho thấy hệ thống kết cấu hạ tầng ở nông thôn đã có sự phát triển tích cực. Đến hết quý I năm 2018, cả nước có 3.289 xã (36,84%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 220 xã, tức 2,74% so với cuối năm 2017); 49 đơn vị cấp huyện thuộc 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tăng 6 đơn vị cấp huyện so với năm 2017).

Tạo động lực thúc đẩy mô hình nông nghiệp giá trị cao

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, đồng thời hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trong đó, đã có 744 chuỗi nông sản an toàn. Từ thực tiễn triển khai, một số địa phương đã xác định được những sản phẩm chủ lực, dần dần hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn; điển hình như tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 11.000 ha xoài, hơn 3.800 ha bưởi da xanh; huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) có 16.300 ha vải thiều; tỉnh Hưng Yên có khoảng 4.000 ha nhãn; huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) có khoảng 2.800 ha trồng cây có múi…

Bên cạnh đó, một số địa phương phát triển các mô hình nông thôn mới gắn với sản xuất nông nghiệp sạch theo quy trình chuẩn, hình thành chuỗi liên kết (Hà Nam, Hà Nội, Bắc Giang, Lâm Đồng, Vĩnh Long)… hoặc mô hình nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái (Quảng Ninh, Ninh Bình, Cần Thơ, Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế... Một số địa phương hình thành mô hình liên kết trồng cây dược liệu (Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa); mô hình làng hoa, làng nghề gắn với du lịch cộng đồng - homestay (Hà Giang, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Tháp)…

Cả nước hiện có 4.823 sản phẩm đặc sản cấp xã, huyện có lợi thế, trong đó 695 (14,4%) sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây là tiềm năng và dư địa lớn để có thể triển khai thành công Đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn truyền thống văn hóa của từng vùng, miền.

Trong năm 2017, các địa phương đã quan tâm, chú trọng hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời chủ động bố trí nguồn lực từ chương trình nông thôn mới để hỗ trợ phát triển hợp tác xã, trong đó, ưu tiên củng cố những hợp tác xã đã có ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 và tích cực vận động thành lập mới ở những xã chưa có hợp tác xã nông nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước có 30 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và gần 12.000 hợp tác xã nông nghiệp. Doanh thu bình quân khoảng 980 triệu đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/hợp tác xã, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động là 1,5 triệu đồng/tháng. Số lượng hợp tác xã tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã cũng tăng lên từ dưới 10% trước đây lên 20,5%. Đã xuất hiện ngày càng nhiều các liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, có doanh thu trên 10 tỷ/năm như hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng); hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An (tỉnh Tiền Giang); … Một số doanh nghiệp chợ đầu mối, trung tâm tiêu thụ nông sản lớn đang dần phát triển hệ thống chuỗi liên kết cung ứng nông sản theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm. Tỉnh Đồng Tháp đã hình thành được một số mô hình “hội quán” hoạt động theo phương thức liên kết tự nguyện của người nông dân nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

So với cuối năm 2016, cả nước có 62,3% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập (tăng 2,8%); 58,5% số xã đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo (tăng 7,8%); 94,8% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm (tăng 5,3%). Riêng tiêu chí về tổ chức sản xuất có 71,2% số xã đạt (giảm 5,1% do rà soát lại theo yêu cầu mới của Bộ tiêu chí quốc gia).

Chất lượng môi trường sống nâng lên, an ninh trật tự bảo đảm

Cùng với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn trong quá triển triển khai xây dựng nông thôn mới, ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện môi trường, cảnh quan tiếp tục được nâng cao. Ngày càng có nhiều các tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật… do cộng đồng thành lập, hoạt động theo hình thức tự nguyện. Đặc biệt, nhiều địa phương đã vận động được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi nhà sàn. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như: mô hình trồng hoa, cây xanh “từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long…; hay mô hình con đường bích họa tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), làng bích họa của đồng bào Dao (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Tất cả đã góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn. Đến nay, cả nước đã có gần 4.800 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (đạt 53,7%, tăng 6,3% so với cuối năm 2016).

Bên cạnh đó, phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả, góp phần tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa sắc màu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn. Nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi, phát triển và hình thành mới, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc. Các địa phương đã quan tâm hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa…

Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa phương tiếp tục phát huy được hiệu quả. Hiện nay, cả nước có trên 500 loại mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn. Có hơn 61.000 tổ an ninh nhân dân, trên 36.300 tổ hòa giải với hơn 174 nghìn thành viên; 92.623 tổ tự quản với 358 nghìn thành viên. Với sự tham gia tích cực của người dân, nhiều địa phương đã thành lập các đội tự quản an ninh trật tự, các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản. Điển hình là mô hình “1+3” (tỉnh Lạng Sơn); “ba an toàn” (tỉnh Nam Định), “đèn ngoài ngõ, mõ trong nhà” (tỉnh Quảng Nam), “tộc họ gương mẫu, không có người vi phạm pháp luật” (tỉnh Khánh Hòa); camera an ninh (tỉnh Đồng Tháp); móc khóa tố giác tội phạm (tỉnh Cần Thơ), “cổng an ninh tự quản” ở Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang.

Có thể thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thực sự tạo “cú hích” để các địa phương nỗ lực chuyển mình, mang lại sự thay đổi cả về diện mạo và “chất” cho các xã nông thôn, miền núi.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản