Ảnh minh họa. Ảnh: vietnamnet.vn
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai từ nhiều năm nay đã góp phần phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh; động viên cộng đồng chung tay xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành thông tư quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” (gọi chung là “Khu dân cư văn hóa”) và “Gia đình văn hóa”; ... Theo đó, “Gia đình văn hóa” có 3 tiêu chuẩn (gồm 11 tiêu chí cụ thể) là: 1). Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; 2). Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; 3). Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả;...
Thông tư cũng yêu cầu chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở cần tuyên truyền, phổ biến để cộng đồng dân cư nắm vững tiêu chuẩn và tự giác đăng ký thực hiện. Việc xét công nhận “Gia đình văn hóa” phải trên cơ sở gia đình đăng ký, được cộng đồng trong khu dân cư bình xét theo nguyên tắc công khai, dân chủ. Bảo đảm đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục.
Nhưng trên thực tế, ở nhiều khu dân cư không phổ biến chủ trương và các văn bản hướng dẫn của cơ quan trung ương và của địa phương nên người dân không nắm được mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, không nắm được tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa, “Gia đình văn hóa”. Nhiều gia đình không đăng ký thi đua. Hàng năm người đứng đầu khu dân cư (trưởng thôn, trưởng khu phố, tổ trưởng tổ tự quản) lập danh sách những gia đình không có khuyết điểm hoặc vi phạm nào rõ rệt thì đều được báo cáo đề nghị cấp trên công nhận là “Gia đình văn hóa”, cộng đồng trong khu dân cư không tiến hành bình xét. Nguyên nhân của tình hình trên là do các khu dân cư thường mỗi năm chỉ họp một lần vào giáp Tết Nguyên đán (thôn, khu phố đông dân thì nhiều năm liền không họp với dân), trong cuộc họp thường có tâm lý “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” và “ăn cây nào, rào cây ấy” vun vén cho tập thể được tôn vinh đạt chuẩn văn hóa, ngại phát biểu, ngại nêu lên những khiếm khuyết của hàng xóm, sợ mất lòng…Do đó số gia đình đạt chuẩn “Gia đình văn hóa” hàng năm đều chiếm tỷ lệ cao, năm 2016, cả nước có gần 18,8 triệu hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm 85,03% tổng số hộ gia đình. Việc lựa chọn “Gia đình văn hóa” tiêu biểu đề nghị cấp trên khen thưởng cũng do người đứng đầu khu dân cư chọn cử và báo cáo lên cấp trên, có nơi lựa chọn bằng cách luân phiên, lần lượt đối với tất cả gia đình.
Với cách làm như trên nên có trường hợp gia đình không hòa thuận, xích mích với hàng xóm, lấn chiếm vỉa hè, không tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng dân cư; thành viên gia đình là cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực trong công tác như nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân và doanh nghiệp…vẫn được công nhận là “Gia đình văn hóa”, có trường hợp được tôn vinh là “Gia đình văn hóa tiêu biểu”. Một số thôn, làng, khu phố được tôn vinh đạt chuẩn văn hóa nhưng vẫn có những hộ sản xuất, buôn bán những hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, gây tổn hại sức khỏe cho cộng đồng, môi trường sống bị ô nhiễm, đường làng, ngõ xóm vương vãi chất thải của gia súc, nồng nặc mùi xú uế, an ninh trật tự không đảm bảo, bạo lực gia đình vẫn xảy ra…
Vì vậy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” còn mang nặng tính hình thức và bệnh thành tích, làm hạn chế ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động. Những tập thể và gia đình được tôn vinh đạt chuẩn văn hóa không thật sự là những điển hình tiêu biểu để cộng đồng dân cư học tập, noi theo, ít có tác dụng giáo dục, nêu gương,
Thiết nghĩ, gia đình là tế bào của xã hội, xây dựng gia đình văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Xét và công nhận “Gia đình văn hóa” là hình thức tôn vinh những điển hình tiên tiến ở cơ sở, động viên cộng đồng dân cư học tập và làm theo những mặt tích cực; đoàn kết, chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Vì vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của cuộc vận động, trước hết cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên ở cơ sở và mọi người dân nắm vững mục đích ý nghĩa quan trọng của cuộc vận động, nhất là tiêu chuẩn và các tiêu chí cụ thể của “Gia đình văn hóa”, trên cơ sở đó động viên các gia đình tự giác đăng ký thực hiện.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban trung ương MTTQ Việt nam chỉ đạo gắn cuộc vận động này với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; nghiên cứu, bổ sung tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, theo hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng loại hình dân cư (nông thôn, đô thị…).
Việc xét, công nhận “Gia đình văn hóa” và “Gia đình văn hóa” tiêu biểu phải thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan cấp trên, nhất thiết phải dựa trên cơ sở bình xét, công khai, dân chủ và là sự tôn vinh của tập thể cộng đồng dân cư nơi cư trú. Động viên cộng đồng dân cư phát huy tinh thần đoàn kết, góp ý thẳng thắn, chân thành, đảm bảo những gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” thực sự tiêu biểu, không vì thành tích của tập thể mà hạ thấp tiêu chuẩn, bình bầu tràn lan, qua loa, chiếu lệ.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các cấp và UBND xã, phường, thị trấn cần đi sâu, đi sát các khu dân cư, tổ dân phố, kiểm tra, giám sát, phát hiện, uốn nắn kịp thời những biểu hiện lệch lạc như cảm tình, nể nang, né tránh trong giới thiệu, bình xét. Gia đình được đề cử là “Gia đình văn hóa” phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn, xứng đáng với danh hiệu được tôn vinh.
Theo Hồng Minh/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam