Tin mới

Loại bỏ những cá nhân, tập thể mượn danh thi đua để “kiếm lời”

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Lê Quốc Lý nhấn mạnh điều này khi nói đến hiện tượng "chạy danh hiệu" trong phong trào thi đua.

Hải Phòng: Nhiều mô hình hay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Sóc Trăng trao 120 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ khó khăn

Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La lần thứ hai, khóa XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Biến tướng mua - bán các danh hiệu

70 năm, kể từ ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, đến nay lời kêu gọi đã thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân, khơi dậy tinh thần thi đua, cổ vũ, động viên các cá nhân, tổ chức phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, và thực tế đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bên cạnh những thành tích, còn đôi chỗ, đôi lúc, phong trào thi đua tổ chức hình thức, không đi vào thực chất, nhiều phong trào không bám sát mục đích, không hướng đến kết quả như lời dạy của Bác nên đã không động viên được người dân tích cực tham gia và kết quả không đạt như mong đợi.

Hơn nữa, một số phong trào thi đua tổ chức tốn kém, lãng phí, không nhằm đến mục tiêu đem đến hạnh phúc cho người dân mà chủ yếu để phô trương hình thức; sự khen thưởng có nơi, có chỗ bị biến tướng thành mua - bán các danh hiệu khiến dư luận không khỏi bức xúc.

 Ông Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

“Những kết quả trong quá trình thi đua đều thể hiện sự cống hiến, đóng góp của mỗi người. Nên có những người ra sức “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” mà thực chất là dùng những danh hiệu đó để khuếch trương cho việc “chạy chức, chạy quyền” sau này. Không chỉ người “mua”, mà người “bán” danh hiệu cũng có lợi ích nhóm trong chuyện này, thành một dây, chùm, làm lũng đoạn, tha hóa tinh thần thi đua ái quốc”- ông Lê Quốc Lý phân tích.

PGĐ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chính vì bệnh háo danh, chuộng thành tích, không xem xét đến bản chất sâu xa của vấn đề, từ đó đánh giá kết quả phiến diện, không đánh giá được kết quả thật, những cố gắng phấn đấu thật của mỗi người, vô hình chung tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng, lọt vào phong trào thi đua, bóp méo tinh thần và bản chất thi đua. Kể cả những kẻ tham nhũng, hám lợi, bán rẻ lương tâm, xuyên tạc kết quả thi đua nhằm trục lợi cho bản thân, cho lợi ích nhóm.

Để xảy ra việc “chạy danh hiệu”, ngoài trách nhiệm của cá nhân sai phạm, cũng phần nào thấy sự nể nang, thiếu trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện tiêu cực của cơ quan có trách nhiệm, quyền hạn trong việc kiểm tra, giám sát những kết quả đó.

Nếu làm với trách nhiệm cao nhất, giám sát, kiểm tra tốt nhất thì sẽ phát hiện những bản báo cáo thiếu trung thực, từ đó ngăn chặn được những mưu lợi trong việc xét duyệt khen thưởng. Còn nếu thiếu trách nhiệm, quan liêu, cố tình làm sai do có lợi ích nhóm trong đó thì sẽ tạo cho kẻ xấu dễ bề thao túng.

Người đứng đầu phải là tấm gương tiêu biểu nhất

Suy cho cùng, bản chất sâu xa của vấn đề đó chính là sự lệch lạc, xa rời những tư tưởng đầu tiên trong lời dạy của Bác về thi đua yêu nước. Đã đến lúc phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đánh giá một cách công khai, minh bạch tất cả những thành tích, kết quả của những cá nhân, tập thể có cố gắng, đóng góp thực sự; đồng thời loại bỏ những cá nhân, tập thể mượn danh thi đua, lợi dụng phong trào để kiếm lời. Kể cả có sự kiểm soát, giám sát quyền lực đối với các tổ chức làm nhiệm vụ xét duyệt thi đua, nếu không sẽ dẫn tới lạm quyền, làm sai lệch, bóp méo kết quả thi đua.

Thi đua là một động lực rất quan trọng cho mọi người phấn đấu và làm cho cả xã hội phát triển. Theo ông Lê Quốc Lý, để phong trào thi đua trở thành thực chất trong mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi làng xã... người lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu đều phải là những tấm gương tiêu biểu nhất. Những người có nhiệm vụ xem xét thi đua cũng phải là những người công minh nhất, có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan nhất.

“Khi chúng ta làm nghiêm minh cùng với thước đo chuẩn thì chắc chắn sẽ tạo ra phong trào tốt. Còn nếu chỉ chạy đua họp hành, bầu theo kiểu hình thức thì sẽ làm cho vai trò thi đua bị xem nhẹ, ý chí phấn đấu bị thui chột. Phải có được những điển hình thật, tấm gương, tập thể làm tốt thật thì mới đáng khen, mới tạo ra phong trào thi đua thực chất” – ông Lê Quốc Lý cho biết.

Ông Lê Quốc Lý cũng cho rằng, người đứng đầu cũng nên gợi mở cho nhân viên, người lao động những sáng kiến, đề xuất những cải tiến trong công việc, đi liền với đó là có những hình thức khen thưởng thích hợp.

“Khi mỗi cá nhân có thành tích nổi trội thì phải có đánh giá, khen thưởng và nêu gương một cách kịp thời. Làm thế nào để không đánh đồng giữa người làm không tốt và người làm tốt, thể hiện ở tiền lương hoặc các chế độ khác, khuyến khích mỗi cá nhân hăng say, phấn đấu trong công việc của mình. Việc này cũng đòi hỏi người đứng đầu có cách đánh giá công tâm, sáng suốt, có tinh thần ủng hộ cái mới, cái tốt đẹp” – Phó GĐ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết.

7 thập kỷ đã qua đi, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc vẫn còn nguyên giá trị và rất cần phải thi đua hơn nữa trong giai đoạn hiện nay. Lời kêu gọi của Người đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hưởng ứng, hăng say thi đua, làm thật tốt nhiệm vụ được giao với khát vọng thoát nghèo, khát vọng làm giàu, vươn lên chinh phục thế giới, làm cho đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản