Tin mới

Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Long An với phong trào thi đua Dân vận khéo

(Mặt trận) -MTTQ các cấp tỉnh Long An tích cực phối hợp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai nhiều mô hình Dân vận khéo (DVK) trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Công tác chăm lo nhà ở cho người dân được UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An và các tổ chức thành viên quan tâm

Dân vận khéo trên các lĩnh vực

Công tác dân vận có vai trò quan trọng trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Vì vậy, phong trào thi đua DVK được MTTQ huyện Châu Thành và các tổ chức thành viên xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành - Nguyễn Công Trạng cho biết: “Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua DVK. Ban Dân vận Huyện ủy và UBMTTQ Việt Nam huyện chủ trì phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các mô hình DVK gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đô thị văn minh. Phong trào thi đua DVK được cụ thể hóa bằng nhiều nội dung phong phú, mô hình thiết thực, hiệu quả”.

Nhằm góp sức đưa Châu Thành về đích huyện NTM nâng cao, năm 2022, MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục phối hợp các ngành vận động người dân hiến đất, góp kinh phí, ngày công lao động để bêtông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn dài 8,5km theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Đề án Sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã cũng được thực hiện hiệu quả. Hiện toàn huyện có trên 5.000 hộ tham gia đề án với diện tích trên 3.000ha thanh long, có trên 664ha thanh long của 1.041 hộ được chứng nhận sản xuất theo chuẩn VietGAP.

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, năm 2022, MTTQ các cấp triển khai hiệu quả các mô hình: Mỗi khu dân cư một công trình, Vận động hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành vận động Quỹ Vì người nghèo và phối hợp các ngành, tổ chức thành viên vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được gần 500 triệu đồng; vận động mạnh thường quân hỗ trợ 800 triệu đồng xây tặng 4 căn nhà tình nghĩa, 14 căn nhà tình thương; tổ chức thăm và tặng trên 10.200 phần quà, trị giá trên 3,1 tỉ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, việc vận động người dân thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cũng được quan tâm. Huyện có 100% hộ dân ở 86/86 ấp, khu phố đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa.

Đổi mới, linh hoạt các mô hình

Với nhiều cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An phối hợp các tổ chức thành viên xây dựng nhiều mô hình góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, đời sống người dân được nâng cao. Một trong những mô hình hiệu quả là Mỗi khu dân cư một công trình, được thực hiện từ tháng 5/2022. Đến nay, có 52/82 khu dân cư triển khai, thực hiện mô hình.

Theo đó, người dân đóng góp 2,4 tỉ đồng và hiến 799m2 đất (trị giá 1,2 tỉ đồng) xây dựng, sửa chữa các cổng chào ở khu phố và cổng rào an ninh, trật tự; xây dựng và sửa chữa nhà văn hóa, công trình giàn lọc nước sạch; hỗ trợ 30 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nhà Đồng đội; nâng cấp, bêtông hóa các tuyến đường giao thông; xây dựng tuyến đường văn minh sáng, xanh, sạch, đẹp;...

Với mục tiêu “Không để một hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn nào mà không có một tổ chức hỗ trợ hoặc tư vấn”, UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An duy trì mô hình Giảm nghèo bền vững từ năm 2020 đến nay. 2 năm qua, MTTQ phối hợp các ngành, tổ chức thành viên vận động Quỹ Vì người nghèo được 1,7 tỉ đồng. Thông qua các chương trình, dự án vay vốn, hỗ trợ việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ kỹ thuật, phương tiện, vốn sản xuất; xây dựng, sửa chữa nhà ở;... người dân có điều kiện “an cư, lạc nghiệp”, ổn định đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Nếu như đầu năm 2020, hộ nghèo của thành phố chiếm 0,7% thì cuối năm 2020 giảm còn 0,57% và cuối năm 2021 còn 0,53%.

UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An còn thực hiện hiệu quả mô hình Đổi mới tư duy, sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ Mặt trận 2 cấp thành phố theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2022. Mô hình giúp cán bộ, đảng viên của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trưởng thành hơn trên từng vị trí công tác, có trách nhiệm trong xử lý công việc mới và khó, trong đó nổi bật như công tác chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo; phối hợp vận động người dân đồng thuận thực hiện dự án đường Vành đai TP.Tân An và các công trình phúc lợi khác.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An - Lê Thành Phước chia sẻ: “Các mô hình tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; nâng chất phong trào Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành XDNTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố”.

Bằng những phần việc, mô hình thiết thực của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên, người dân ngày càng nâng cao nhận thức trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các mô hình DVK góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân và tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới./.

Quang Nguyên

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản