|
Lãnh đạo Tỉnh ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam tỉnh và chức sắc các tôn giáo là đại biểu HĐND tỉnh khóa X nhiệm kỳ 2021-2026. |
Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 01 triệu dân, trong đó, người Kinh chiếm gần 68% dân số, đồng bào Khmer chiếm trên 31%, đồng bào người Hoa và số ít dân tộc khác chiếm gần 1%. Toàn tỉnh có 09 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Cao Đài, Hồi giáo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo với 376 cơ sở tôn giáo; 4.373 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 596.325 tín đồ, chiếm trên 59,1% so với dân số chung của tỉnh.
Với nhiệm vụ “tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã cùng với các tổ chức thành viên tập trung thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tạo nên sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động.
Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (trước đây là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”), đồng bào các dân tộc, tôn giáo cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện hiệu quả các tiêu chí, nhất là tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất, cây trái, hoa màu với tổng giá trị gần 840 tỷ đồng và hơn 290 ngàn ngày công lao động để xây dựng các công trình dân sinh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần thiết thực vào thành quả chung của tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 06/09 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 82/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 27 xã nông thôn mới nâng cao.
Nhờ đoàn kết thực hiện các phong trào thi đua, lao động, sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, đến cuối năm 2021 GRDP bình quân đầu người đạt 63,15 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 86,5 lần so với năm 1992); có 10.207 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,56% so với tổng số hộ dân cư, hộ nghèo dân tộc Khmer có 6.483 hộ, chiếm tỷ lệ 7,19% so với số hộ dân tộc Khmer, hộ cận nghèo là 17.215 hộ, chiếm tỷ lệ 6% so với tổng số hộ dân cư (so với năm 1992, tỉnh có 18% hộ thiếu ăn thường xuyên).
Hưởng ứng Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” giai đoạn năm 2000-2015 và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020, đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp với tổng số tiền hơn 354 tỷ đồng, Quỹ “An sinh xã hội” tỉnh hơn 245 tỷ đồng; bên cạnh đó hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa hàng chục ngàn căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tặng hàng triệu phần quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, bệnh nhân nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, nhân lên những giá trị cao đẹp trong cộng đồng, tạo những dấu ấn sâu đậm trong lòng Nhân dân. Các mô hình tự quản ở khu dân cư thu hút đông đảo đồng bào dân tộc, tôn giáo tham gia, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng, tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống âm mưu diễn biến hòa bình của thế lực thù địch.
Trong quá trình mở cửa, giao lưu và hội nhập quốc tế, đặc biệt từ khi Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, MTTQ tỉnh Trà Vinh luôn giữ vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc tập hợp đoàn kết và kêu gọi bà con quê hương Trà Vinh tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, đồng thời thông qua các buổi họp mặt hàng năm đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Từ đó, nhiều kiều bào Trà Vinh ở nước ngoài đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong hơn hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và có những diễn biến rất phức tạp, kéo dài, đồng bào các dân tộc, tôn giáo đã cùng với cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân trong tỉnh đoàn kết, đồng lòng thực hiện hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, khuyến cáo của ngành Y tế và những quy định của địa phương. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, qua 03 lần phát động, các tổ chức, cá nhân, các tôn giáo đã ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh cả bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị chung hơn 80 tỷ đồng; cùng với đó là nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp từ các bếp ăn từ thiện, gian hàng “0 đồng”, chuyến xe nghĩa tình… của người dân và cơ sở tôn giáo cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong tỉnh với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng; đặc biệt, người đại diện các tổ chức tôn giáo trong tỉnh phối hợp tốt với chính quyền, MTTQ và ngành chức năng tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở tôn giáo trực thuộc tạm dừng, không tổ chức hoặc chuyển đổi theo hình thức trực tuyến để không tập trung đông người vào các ngày rằm, lễ, hội, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc, tôn giáo, qua đó góp phần quan trọng cùng với các cấp, các ngành, các địa phương chung tay ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo luôn đoàn kết, gần gũi, gắn bó với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội; quan tâm hướng dẫn tín đồ, phật tử sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật, Hiến chương, Điều lệ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các lễ, hội trong đồng bào dân tộc, tôn giáo đều diễn ra lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Người dân và tín đồ các tôn giáo ngày càng nâng cao nhận thức trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, nhất là thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tham gia giám sát, góp ý đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta. Là biểu trưng sinh động của tư tưởng đoàn kết thống nhất toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc cần động viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò đoàn kết các giai tầng, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, thời gian tới MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh sẽ lãnh đạo, hướng dẫn và phối hợp thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, phối hợp các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân hiểu đầy đủ và thực hiện tốt đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết, đồng thời phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
- Tăng cường tuyên truyền về những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước qua 35 năm đổi mới, về quá trình phát triển và bứt phá của tỉnh Trà Vinh sau 30 năm tái lập để giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy giá trị sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc thực hiện mục tiêu chung về “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” và các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030, 2045 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI.
Hai là, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, gặp gỡ, tiếp xúc với chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo theo định kỳ và các dịp lễ trọng để động viên, chia sẻ, lắng nghe và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc, tôn giáo. Phát huy vai trò hạt nhân của các nhân sỹ, trí thức, người có uy tín, các vị Phó Chủ tịch không chuyên trách, Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp và lực lượng làm công tác tư vấn là đồng bào dân tộc, nhà tu hành, chức sắc tôn giáo trong việc phối hợp tuyên truyền, vận động tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tạo sự ổn định an ninh, trật tự xã hội ngay từ cơ sở và khu dân cư.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) hằng năm nhằm tiếp tục khẳng định vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng khơi dậy truyền thống đoàn kết, đồng thuận giữa các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng, giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân theo phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Nhân dân, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước; phát huy truyền thống tương thân tương ái của các tầng lớp nhân dân, lan tỏa phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo trong tham gia thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với các gia đình người có công với nước, các nhân sĩ, trí thức, nhà thu hành, các chức sắc tôn giáo, những người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, tôn giáo đã cống hiến, hy sinh cho đất nước, cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm là, thực hiện hiệu quả công tác lắng nghe, tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để đề xuất, phối hợp các cơ quan Đảng, Nhà nước kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng, hợp lý của Nhân dân; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường sự đồng thuận của xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; vận động và phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên các đoàn thể, thành viên của MTTQ và tín đồ các tôn giáo tham gia đấu tranh phản bác chống lại luận điệu xuyên tạc, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả của cách mạng Việt Nam, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sáu là, tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy tính tích cực, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; chú trọng hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Bảy là, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhân dân; phối hợp vận động các nguồn viện trợ mang tính nhân đạo nhằm cải thiện đời sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn; khuyến khích và tạo điều kiện để Kiều bào người Trà Vinh ở các nước đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và kiến tạo, phát triển quê hương, đất nước; tăng cường quảng bá hình ảnh con người, văn hóa của tỉnh Trà Vinh đến với người Việt Nam ở nước ngoài.
Sau 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022), nhờ phát huy tốt vai trò hạt nhân của sự phát triển bền vững - đó là tinh thần đoàn kết, lao động tích cực, sáng tạo của Nhân dân; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh, Trà Vinh đã và đang có những chuyển mình mạnh mẽ, từng bước vươn lên sánh vai cùng các tỉnh, thành trong khu vực.
Đúc kết những kinh nghiệm, khắc phục các khó khăn, phát huy thành quả đạt được, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu vượt qua mọi thử thách, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, nhất là “xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030”; góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Nguyễn Văn Triết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh