Tin mới

Một số kinh nghiệm trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở tỉnh Quảng Ninh

(Mặt trận) - Qua 9 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã thu được những kết quả quan trọng. Việc triển khai thực hiện cuộc vận động đã làm thay đổi nhận thức của đông đảo người dân, xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt, vì sự phát triển kinh tế đất nước.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh có biên giới giáp với với Trung Quốc, là đầu mối thông thương lớn, có cửa khẩu quốc tế và quốc gia; hàng hóa của Trung Quốc dễ thâm nhập vào thị trường nội địa, nhất là hàng hóa tiêu dùng giá thành rẻ, mẫu mã hợp thị hiếu, phù hợp với số đông người có thu nhập thấp, tình trạng vận chuyển hàng giả, hàng cấm, thịt gia súc, gia cầm diễn ra khá phức tạp... gây khó khăn trong công tác quản lý, ngăn chặn đấu tranh với hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, vấn đề vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng điều này đã là một trong những trở ngại lớn cho việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, những năm qua cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền cuộc vận động đến các chi bộ, đảng viên. Thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đã tích cực và chủ động trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện cuộc vận động gắn với Đề án “Phát triển thị trường trong nước”, xác định thực hiện cuộc vận động là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị, địa phương. Các ngành chủ động trong tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển các sản vật, đặc sản vùng và địa phương.

Sự phối hợp giữa các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đồng bộ và chặt chẽ, nhất là công tác triển khai, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động, sự kiện, kết nối với doanh nghiệp, trao đổi thông tin, kiểm tra, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện về cơ chế chính sách để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên lồng ghép công tác giám sát với nhiều nội có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung...

Việc triển khai thực hiện cuộc vận động đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức, thói quen lựa chọn hàng hóa tiêu dùng của người dân, chất lượng hàng Việt dần được nâng lên đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu chung của người tiêu dùng, giá cả phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân... Bởi vậy, nhiều hàng hóa, thương hiệu Việt ngày càng chiếm thị phần khá lớn trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo trên địa bàn tỉnh với Chương trình “mỗi xã 1 sản phẩm” (gọi là OCOP) đã được Chính phủ phê duyệt triển khai rộng khắp cả nước. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tiến hành thí điểm từ năm 2013, có nhiều lợi thế, kinh nghiệm; một số sản phẩm OCOP các địa phương trong tỉnh có thời điểm không đủ cung cấp nhu cầu thị trường.

Những kết quả đạt được

Một là, cuộc vận động được triển khai thường xuyên, đi vào nền nếp; được cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp (cấp tỉnh, huyện) tổ chức một cách sâu rộng, thống nhất, tạo được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Hai là, các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh nêu cao trách nhiệm trong công tác triển khai, phối hợp, nâng cao hiệu quả tuyên truyền và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công tác quản lý nhà nước, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính được quan tâm, cải thiện.

Ba là, hiệu quả mang lại từ cuộc vận động đã làm thay đổi nhận thức và thói quen của phần đông người tiêu dùng từ công chức, đảng viên, nhân dân. Đại bộ phận người tiêu dùng đã chọn lựa mua hàng Việt Nam, những mặt hàng OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của địa phương vì có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng ổn định, nhờ đó thúc đẩy sản xuất hàng Việt và mở rộng thị trường hàng Việt ngay trong tỉnh.

Bốn là, thông qua cuộc vận động, các hội chợ và phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp người tiêu dùng có cơ hội tìm hiểu, nhận biết các mặt hàng sản xuất trong nước, các sản phẩm của địa phương của vùng miền trong tỉnh như các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Các doanh nghiệp được tạo điều kiện, môi trường kinh doanh mang lại tâm lý tích cực, kích thích việc phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời, khẳng định vai trò, trách nhiệm và năng lực sản xuất kinh doanh của mình thông qua chất lượng, uy tín thương hiệu của sản phẩm, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm của doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh ngày càng có chất lượng tốt hơn, giá cả phù hợp hơn. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm đặc trưng vùng, hình thành vùng sản xuất tập trung, phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động nhằm thực hiện tốt cuộc vận động

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện thông qua việc tạo điều kiện về cơ chế chính sách, hỗ trợ kiến thức kỹ thuật, hỗ trợ về lãi suất vốn vay, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia các đợt Hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng các kênh phân phối giữa các vùng, địa phương, cụ thể:

1. Hỗ trợ bình ổn giá: Trước dịp Tết Nguyên đán các năm, các sở, ngành, địa phương liên quan đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, góp phần điều tiết giá cả, đưa hàng hóa chất lượng tới tay người tiêu dùng. Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh tiến hành khảo sát, điều tra diễn biến thị trường đối với các nhóm mặt hàng thuộc diện phải bình ổn; trên cơ sở đó kết nối ngân hàng với doanh nghiệp bán lẻ thực hiện bình ổn thị trường. Qua đó, góp phần tích cực vào việc điều tiết giá cả thị trường, đưa hàng hoá chất lượng tới tay người tiêu dùng; nâng cao nhận thức, tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp trong việc mở rộng hợp tác liên kết giữa các mục tiêu bình ổn giá gắn kết với đầu tư, sản xuất, phân phối, tiêu thụ; thúc đẩy, phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ.

2. Hỗ trợ trong xây dựng, quảng bá thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm: Xây dựng, duy trì tốt hoạt động của các trung tâm giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các địa phương; hỗ trợ, miễn phí thuê gian hàng mang thương hiệu của tỉnh trưng bày tại các hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh; thực hiện Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Cuối tháng 4/2018, trong những hoạt động chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2018 tại Cung Quy hoạch hội chợ triển lãm và Văn hoá tỉnh Quảng Ninh với quy mô trên 460 gian hàng. Hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thuộc chương trình OCOP Quảng Ninh, nông sản đặc trưng của 42 tỉnh, thành phố trong nước, sản phẩm đặc trưng của các quốc gia: Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Nga, Campuchia, Nhật Bản... Hội chợ lần này với sự góp mặt của các gian hàng, gồm: ẩm thực 3 miền, làng nghề thủ công mỹ nghệ... Trong khuôn khổ Hội chợ, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đã công bố, trao giấy chứng nhận và vinh danh 46 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt từ 3 đến 5 sao. Trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao, 9 sản phẩm 4 sao và 35 sản phẩm đạt 3 sao. Đến nay, các địa phương, như: Móng Cái, Uông Bí, Hải Hà, Ba Chẽ đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia và Quảng bá các sản phẩm sản xuất tại địa phương.

3. Tạo điều kiện về thủ tục, chính sách: thực hiện các biện pháp, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục hải quan, cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính (áp dụng cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua cổng thông tin điện tử - trung tâm hành chính công, dịch vụ công trực tuyến ngành Hải quan) tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính và quá trình thông quan; tạo điều kiện trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; rà soát các mức thuế suất, các chế độ, chính sách quản lý thuế, tham mưu Ủy ban nhân dân, đề xuất Trung ương, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng có giải pháp sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định, thủ tục hành chính nhằm tạo cơ chế đảm bảo sự phát triển của hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa sản xuất được, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện các quy định trong khuôn khổ thỏa thuận khi tham gia WTO và các Hiệp định song phương.

Các tổ chức đoàn thể nhân dân đã có nhiều hình thức hỗ trợ đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất thông qua việc xây dựng các mô hình áp dụng kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất; hình thành các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hiệp hội ngành nghề để bảo trợ hoạt động cho các hội viên, gắn kết các vùng sản xuất hàng hóa tập trung… giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng các mô hình do hội viên, đoàn viên đảm trách. Hội Nông dân tỉnh vận động, xây dựng và nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đã hỗ trợ, xây dựng thành lập 8 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác và tổ liên kết sản xuất, 9 câu lạc bộ ngành nghề tại các địa phương trong tỉnh, nâng số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ do tổ chức Hội hướng dẫn, vận động, củng cố, thành lập 42 Câu lạc bộ nông dân theo ngành nghề quy mô cấp huyện, cấp xã, cụm xã với 1.215 thành viên tham gia; 53 tổ hợp tác với 499 thành viên tham gia; 46 hợp tác xã với 3883 thành viên. Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh tỉnh tổ chức kết nối 225 doanh nghiệp Cựu chiến binh trên địa bàn. Động viên, khuyến khích mở rộng sản xuất nâng cao chất lượng, giúp đỡ quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, giúp các doanh nghiệp Cựu chiến binh mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Duy trì nhiều mô hình hiệu quả ở địa phương do hội viên của Hội thực hiện, như: mô hình nuôi ong lấy mật bằng phương pháp mới, nuôi vịt trời, trồng thanh long, làm miến dong…

Ban Chỉ đạo các địa phương đã phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: rau an toàn, thủy sản, vật nuôi và nhiều sản vật nông nghiệp…; hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, tích cực kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm các chợ Trung tâm, các điểm kinh doanh ăn uống, kiểm tra ngăn chặn, tiêu hủy các mặt hàng không đạt tiêu chuẩn…; Đồng thời, tham gia tích cực trong các hoạt động tổ chức Hội chợ tại địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm…

 Trong hai năm gần đây, đã phối hợp và tổ chức 31 hội chợ, phiên chợ, tuần hàng, triển lãm, trong đó 8 hội chợ thương mại; 8 hội chợ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn (tại Ba Chẽ, Cô Tô, Đông Triều, Cẩm Phả); 4 tuần OCOP theo chương trình của tỉnh; phối hợp tổ chức 2 hội chợ nhằm chào mừng Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh 2017 và Hội chợ Thương mại, Du lịch Quốc tế Việt - Trung 2017 và năm Du lịch quốc gia 2018.

Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương rà soát các đơn vị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có đủ điều kiện kết nối đưa vào tiêu thụ tại các trung tâm siêu thị và nhà phân phối trong và ngoài tỉnh. Kết nối với một số Trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh triển khai việc thu mua và tiêu thụ một số sản phẩm của các địa phương như: Trứng gà Tân An (thị xã Quảng Yên), rượu mơ Yên Tử (thành phố Uông Bí); ổi (huyện Hoành Bồ)... Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tổ chức Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại sân Trung tâm thương mại Big C. Xây dựng điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại thành phố Móng Cái, nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, còn giới thiệu tới khách hàng quốc tế biết đến những sản phẩm chất lượng tốt của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung.

Cuộc vận động đã giúp các doanh nghiệp và giới doanh nhân trong tỉnh Quảng Ninh nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Phát huy tiềm năng, thế mạnh và vai trò của doanh nghiệp đi đầu thực hiện cuộc vận động, chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đang giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy các doanh nghiệp và giới doanh nhân chủ động hơn trong phát triển sản xuất kinh doanh nhằm phát huy tối đa lợi thế của doanh nghiệp trên thị trường, chú trọng đổi mới công nghệ và quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ; đi đôi với phát triển thị trường sản phẩm, thiết lập các kênh phân phối hàng hoá, dịch vụ sau bán hàng đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt đã được rất nhiều nhà chuyên môn quốc tế và người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao về chất lượng và kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Quảng Ninh được thành lập tháng 7/2012 theo Quyết định số 1042/QĐ-UBND ngày 9/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cho phép thành lập Hội. Từ đó đến nay, Hội đã tích cực hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Kế hoạch số 4986/KH-UBND ngày 10/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc triển khai chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020, các sở, ngành tập trung triển khai các nội dung, nhiệm vụ được phân công, như: công tác tuyên truyền; phổ biến chính sách pháp luật; phát triển nguồn nhân lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thành lập các tổ hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ; triển khai thực hiện Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng và tổ chức các hoạt động phát triển công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác... Năm 2018, nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) có chủ đề là “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững”, trên tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng như: Ngày 15/3/2018 tỉnh đã tổ chức lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, các khẩu hiệu tuyên truyền là: Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững; xây dựng và củng cố niềm tin cho người tiêu dùng; hành động vì người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; người tiêu dùng có quyền được thông tin về hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại, bồi thường; hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… Tại Lễ phát động, đã tổ chức phát hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp và tổ chức tuần hành tuyên truyền.

Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa  sản xuất trong nước; từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.

Một số kinh nghiệm bước đầu triển khai Cuộc vận động

Một là, để cuộc vận động đạt kết quả thiết thực trước tiên phải có sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; sự tham mưu, đề xuất kịp thời của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh; sự chủ động, tích cực của thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan thông tin đại chúng các cấp trong triển khai thực hiện cuộc vận động.

Hai là, công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; hình thức, nội tuyên truyền phải thiết thực và phù hợp với đặc điểm tâm lý, thị hiếu, văn hoá vùng miền của từng đối tượng, nhằm mục đích thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hoá sản xuất trong nước. 

Ba là, trong triển khai thực hiện Cuộc vận động, phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của cuộc vận động. Địa bàn tập trung là khu dân cư, khu công nhân, công nghiệp cũng như vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; Biện pháp thực hiện chủ yếu là công tác tuyên truyền, vận động với các nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Đối tượng cuộc vận động hướng tới là các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và người tiêu dùng.

Trần Anh Tuấn

TS, Phó Trưởng ban Phong trào, UBTƯ MTTQ Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản