Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Phạm Thị Thu Hà cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành quả tốt.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Phạm Thị Thu Hà báo cáo tại kỳ họp. |
Bên cạnh sự tin tưởng và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền thì nhân dân và cử tri Hà Tĩnh vẫn còn một số băn khoăn.
Đặc biệt, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, giá đầu ra của sản phẩm nông nghiệp thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội còn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Tệ nạn, tội phạm xã hội, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy, môi trường, tín dụng đen, công nghệ cao… còn diễn biến phức tạp.
6 tháng qua, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp ở Hà Tĩnh đã chủ động hiệp thương, triển khai kịp thời, có hiệu quả chương trình phối hợp và thống nhất hành động.
Tiếp tục chú trọng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; quan tâm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ làm hàng trăm ngôi nhà Đại đoàn kết, phối hợp trao hơn 100.000 suất quà cho gia đình chính sách, người nghèo, khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán; phát huy tốt công năng Nhà cộng đồng kết hợp chống bão lũ thông qua mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”...
Trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội lựa chọn các nội dung giám sát, phản biện gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và đặc biệt liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Tiến hành giám sát thường xuyên việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu theo Quy định số 124 của Ban Bí thư Trung ương Đảng...
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trì, tổ chức giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ; giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, công tác xét duyệt, lập danh sách đảm bảo các bước theo quy trình hướng dẫn và công khai, minh bạch. Hỗ trợ đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực, đến thời điểm giám sát chưa phát sinh đơn thư khiếu kiện của người dân trong việc thực hiện chính sách.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong triển khai, chậm ban hành văn bản thực hiện; đến thời điểm giám sát, tiến độ chi trả còn chậm (nhất là đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng).
Việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCĐ) được một số địa phương quan tâm thực hiện bảo đảm cho hoạt động của 2 ban.
Tuy nhiên, còn có 110 xã chưa bố trí kinh phí hoạt động cho Ban GSĐTCĐ và 43 xã chưa bố trí kinh phí cho hoạt động của Ban TTND theo đúng quy định, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giám sát của 2 ban và việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
“Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND các cấp thực hiện việc cấp kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ đúng quy định. Đồng thời, sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 29/2021/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư”, bà Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét, ban hành Nghị quyết quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Ban TTND cấp xã và Ban GSĐTCCĐ trong giai đoạn tới.
Mặt khác, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, qua giám sát thường xuyên, MTTQ các cấp cũng tiếp nhận được một số phản ánh của người dân liên quan đến việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, còn có một bộ phận cán bộ, công chức gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian thực hiện các khâu trong thủ tục hành chính.
|
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: BHT. |
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cũng tiếp nhận gần 200 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, tập trung là vấn đề chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, chất lượng và sự bền vững của các tiêu chí trong nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; chậm giải ngân đầu tư công; vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường; một số băn khoăn về chính sách phát triển giáo dục, du lịch; chế độ, chính sách đối với người có công, người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố... và nhiều vấn đề hiện nay đang tồn đọng ở các địa phương.
Đặc biệt, cử tri Hà Tĩnh vẫn còn tâm tư và băn khoăn về một số nội dung đã kiến nghị nhiều lần tại các kỳ họp HĐND tỉnh nhưng tiến độ giải quyết chậm, có nội dung chưa được giải quyết. Cụ thể, việc giải quyết giao đất trái thẩm quyền, đất có nguồn gốc trước năm 1980.
Hiện nay, ở một số ngành, địa phương chưa được bố trí đủ biên chế công chức, viên chức, thừa - thiếu giáo viên, cơ sở vật chất cho bậc học mầm non thiếu và yếu; việc điều chỉnh tăng chế độ bồi dưỡng cho nhóm thực hiện nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố vì hiện nay mức bồi dưỡng quá thấp…
Không những vậy, trên địa bàn tỉnh hiện đang có nhiều dự án và các khu đất có tiềm năng lợi thế như: Khu vực đất Lương thực cũ, đất Công ty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh (tại Thị trấn Cẩm Xuyên), Trung tâm Y học cổ truyền, Trường dạy nghề cũ ( tại xã Tùng Ảnh, Đức Thọ); một số khu đất ở khu vực trung tâm, cạnh đường Quốc lộ của thị xã Hồng Lĩnh; đất của Xí nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Khánh Trang (xã Gia Phố, Hương Khê)… kinh doanh, sử dụng không hiệu quả, đang bị bỏ hoang nhiều năm qua gây lãng phí, ảnh hưởng cảnh quan của địa phương.
Việc xử lý các tài sản công gắn liền với đất dôi dư sau sáp nhập xã, thôn, trường học tại một số địa phương còn chậm, có nhiều tài sản hiện nay đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí.
“Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng; quan tâm, xem xét các ý kiến, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân để có những quyết sách đúng đắn trong thời gian tới, thông báo kết quả giải quyết đến HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và cử tri tỉnh nhà” - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh.
HẠNH NGUYÊN