(Mặt trận) -Thực hiện các chương trình, quy chế phối hợp theo giai đoạn đã ký kết, Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình và chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã triển khai nhiều nội dung hoạt động thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhiệm vụ từng ngành, lĩnh vực, sát với thực tiễn và đời sống nhân dân. Hiệu quả từ các chương trình phối hợp đã góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh.
|
Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình ký kết chương trình phối hợp năm 2022 với các sở, ngành. |
Thực hiện 18 chương trình, quy chế phối hợp theo giai đoạn đã ký kết, năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình đã tiếp tục ký kết 11 kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ với chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Nhiệm vụ trọng tâm của các chương trình phối hợp, như: Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư (CĐDC); giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM); phòng, chống tội phạm, thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động (CVĐ) và phong trào thi đua yêu nước; công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Đánh giá hiệu quả các chương trình phối hợp, ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình cho hay:“Trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, Ủy ban MTTQVN tỉnh và chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã triển khai lồng ghép chương trình phối hợp vào các phong trào thi đua yêu nước, CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, ĐTVM” một cách hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, làm chủ, tự quản tại CĐDC. Trong xây dựng các điển hình, mô hình chỉ đạo điểm, Mặt trận và các sở, ban, ngành, đoàn thể đã đổi mới về nội dung, hình thức và chất lượng, tạo được những điểm nhấn nổi bật ở các chương trình phối hợp. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ tài nguyên môi trường… được Mặt trận các cấp và chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai theo hướng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với địa bàn, khu dân cư (KDC)”.
Thực hiện nội dung phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở CĐDC, đến nay, Mặt trận các cấp đã xây dựng, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 322 “Điểm sáng chấp hành pháp luật”, KDC điển hình chấp hành pháp luật. Mặt trận các cấp đã phối hợp duy trì hoạt động 1.234 tổ hòa giải, với trên 8.200 hòa giải viên ở CĐDC. Thời gian qua, các tổ hòa giải đã thụ lý 880 vụ việc, trong đó hòa giải thành 636 vụ việc. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần giải quyết ổn thỏa các mâu thuẫn, tranh chấp trong CĐDC, giữ gìn sự bình yên của thôn, xóm.
Thực hiện chương trình phối hợp với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo Mặt trận các cấp tích cực đẩy mạnh CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, ĐTVM” gắn với giảm nghèo bền vững.
Qua thực hiện CVĐ, Mặt trận các cấp đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của tỉnh về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, ĐTVM. Đến tháng 3/2022, toàn tỉnh có 86 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 67,2%). Năm 2021, toàn tỉnh có 979/1.142 KDC được công nhận “KDC văn hóa” (đạt 85,7%); 214.592/245.861 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa” (đạt 87,3%); 98% KDC thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
“Năm 2022, Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình và chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể sẽ phối hợp thực hiện 21 phần việc và nhiệm vụ cụ thể. Tiếp tục thực hiện mục tiêu hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, Mặt trận các cấp đang tăng cường phối hợp với chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng cấp triển khai thực hiện các phần việc bằng quy chế, chương trình, kế hoạch cụ thể ở mỗi cấp để tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ chung”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Trần Quang Minh trao đổi.
Theo đó, nội dung của chương trình phối hợp tiếp tục được lồng ghép, triển khai thực hiện chặt chẽ, phù hợp, linh hoạt và sáng tạo với các CVĐ, phong trào thi đua yêu nước. Mặt trận các cấp cũng khuyến khích các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế tích cực đóng góp trí tuệ, tiền của, công sức để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình; đồng thời, nêu cao tính cộng đồng và truyền thống nhân ái, tham gia giảm nghèo, chăm lo cho người có công, giúp đỡ những hộ nghèo, gia đình và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân được Mặt trận các cấp triển khai theo hướng đa dạng, phong phú, luôn đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn ở cơ sở, địa bàn dân cư, từng đối tượng và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19. Mặt trận các cấp sẽ quan tâm chỉ đạo xây dựng mô hình điểm về các chương trình phối hợp phù hợp với đặc điểm thực tế từng địa phương để triển khai nhân rộng tại các KDC trong toàn tỉnh.
T.H