|
Ông Dương Văn Tiến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên (áo trắng) tham quan hội chợ trong khuôn khổ Đại hội MTTQ Việt Nam huyện Võ Nhai. |
Thái Nguyên đang chuẩn bị Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024-2029. Đây là dịp để nhìn lại, đúc rút những bài học kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian qua.
PV: Xin ông cho biết những điểm nhấn của công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ qua?
Ông DƯƠNG VĂN TIẾN: Nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ các cấp, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật vào cuộc sống.
Đặc biệt, công tác đoàn kết, tập hợp đồng bào các dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm. Các hoạt động trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) ở các khu dân cư được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.
Đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cũng được quan tâm triển khai sâu rộng, tác động rõ nét đến đời sống nhân dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp các tổ chức thành viên vận động nhân dân hiến đất, hiến công xây dựng đường giao thông, nhà văn hoá và các công trình dân sinh.
Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với 37 xã nông thôn mới, 33 xã nông thôn mới nâng cao, 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Là địa bàn còn một số huyện vùng núi, vùng xa, công tác chăm lo cho người nghèo, người khó khăn đã được MTTQ triển khai như thế nào, thưa ông?
- Công tác vận động chăm lo, giúp đỡ người nghèo có nhiều đổi mới, phát huy mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Quỹ Vì người nghèo các cấp đạt trên 137,5 tỷ đồng. MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã xây dựng và sửa chữa 3.919 nhà ở cho hộ nghèo trị giá trên 182 tỷ đồng.
Hằng năm, MTTQ các cấp phối hợp tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ, tổ chức các hoạt động trao tặng quà, góp phần động viên, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo khi Tết đến, xuân về qua Chương trình “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo”.
Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã vận động ủng hộ được 207,2 tỷ đồng chăm lo Tết cho người nghèo; đã hỗ trợ 155.833 suất quà cho các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ làm 876 căn nhà, trao tặng 1.155 xe đạp… cho hộ nghèo, học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái”, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã phối hợp vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt trên 39,7 tỷ đồng; phối hợp triển khai các hoạt động cứu trợ, vận động giúp đỡ, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, tai nạn... với số tiền và hiện vật ủng hộ trên 17,3 tỷ đồng.
Trong đó, tỉnh Thái Nguyên đã ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai trên 15,3 tỷ đồng; vận động được gần 1 tỷ đồng ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo của tỉnh Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nói đến công tác Mặt trận, không thể không nói tới công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhiệm vụ này đã được triển khai dưới những hình thức nào, thưa ông?
- Xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của MTTQ. Thông qua việc tổ chức hội nghị tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, MTTQ các cấp đã tham gia đóng góp ý kiến vào 39 dự thảo Luật, nghị định của Chính phủ, 2.489 dự thảo các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền các các cấp...
Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã giám sát 15 chuyên đề, Ủy ban MTTQ cấp huyện chủ trì giám sát 104 chuyên đề, cấp xã chủ trì giám sát 1.166 chuyên đề; Ủy ban MTTQ cấp xã hướng dẫn các Ban Thanh tra nhân dân thực hiện giám sát 1.989 cuộc; các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát 3.245 công trình, dự án.
Bên cạnh đó, MTTQ còn phối hợp tham gia giám sát với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp 2.452 cuộc. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh phản biện xã hội 10 dự thảo văn bản; các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh phản biện xã hội 12 dự thảo văn bản; Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã phản biện xã hội 381 dự thảo văn bản…
Trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ tới, MTTQ các cấp trong tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung vào những nội dung gì để đạt được những mục tiêu đã đề ra, thưa ông?
- Để đảm bảo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên sẽ thực hiện tốt 6 chương trình hành động với các nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua.
MTTQ các cấp sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp. Từ đó, góp phần xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Để chuẩn bị Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 dự kiến diễn ra từ ngày 31/7 đến 1/8, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Tổ chức Đại hội và 4 Tiểu ban. Dự thảo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội đã được lấy ý kiến các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố; các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh… và đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Đến nay đã hoàn thành lấy ý kiến đóng góp, tiếp thu 5 bước theo Kế hoạch.
TUỆ PHƯƠNG (thực hiện)