Tin mới

MTTQ Việt Nam TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Thành phố phát triển bền vững

(Mặt trận) - Năm 2023, mặc dù phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của nền kinh tế, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực “vì hạnh phúc Nhân dân”, chủ động xây dựng, triển khai sớm, đồng bộ các nội dung của chương trình phối hợp thống nhất hành động, kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Theo đó, tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kênh thông tin, truyền thông của Mặt trận, mạng xã hội trực tuyến… Tập trung công tác an sinh xã hội, vận động, chăm lo đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Hội thánh Tin lành Việt Nam và Tòa Giám mục Giáo phận Hưng Hóa

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Tiền Giang thăm, chúc mừng Lễ Giáng sinh

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị lần thứ 11 khóa XI (2019 - 2024), tổng kết công tác Mặt trận năm 2023 và hiệp thương thông qua Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố năm 2024.   ẢNH: VŨ HOÀNG 

Công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều giải pháp đồng bộ

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Chuẩn hóa 100% trang tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook cấp huyện, cấp thành phố và kết nối hệ thống tuyên truyền của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nâng cấp và công bố giao diện mới Trang tin điện tử, ban hành các quy chế về quản lý và hoạt động để luôn có những tin bài chất lượng, kịp thời; công nhận 97 cộng tác viên truyền thông, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, giao lưu với hệ thống Mặt trận Thành phố, từ đó hình thành những tuyến tin, bài gắn với thực tiễn cơ sở và hoạt động của Mặt trận các cấp một cách nhanh chóng, kịp thời.

Tổ chức Giải báo chí “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố - Vì hạnh phúc của Nhân dân” lần thứ hai với nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, mang lại cảm xúc chân thật và suy nghĩ tích cực cho bạn đọc; đồng thời, có tính định hướng dư luận xã hội, có sức lan tỏa sâu rộng để cổ vũ, phản ánh hiện thực cuộc sống cũng như tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Các cuộc vận động, các phong trào được triển khai rộng khắp với phương pháp, cách làm mới

Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” lan tỏa đến từng khu dân cư, các cơ sở tôn giáo với nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả, cùng các hội thi quy mô cấp Thành phố, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giảm điểm đen về rác, tăng mảng xanh.

Đến nay, đã có 264/312 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí “Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”1; 1.298/1.000 khu dân cư (đạt tỷ lệ 129,8% chỉ tiêu) được công nhận đạt tiêu chí sạch, xanh và thân thiện môi trường2. Tổ chức tốt Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 478 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2023.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hội thi, hội diễn tuyên truyền; triển khai các mô hình "Cửa hàng an sinh", "Cửa hàng mini 0 đồng", tổ chức các phiên chợ lưu động quảng bá hàng Việt để giới thiệu hàng Việt chất lượng cao đến với người dân, vừa là để chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Công tác chăm lo an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” kết hợp với Quỹ “Phòng, chống dịch Covid-19” gắn với các hoạt động chăm lo được tổ chức chu đáo3 với hơn 37,4 tỷ đồng; phối hợp tổ chức Chương trình “Siêu thị mini Tết 0 đồng" chăm lo hơn 20.000 trường hợp trong dịp Tết với tổng kinh phí 9,5 tỷ đồng; 388/500 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương được xây dựng, sửa chữa (đạt tỷ lệ 77,6%).

Thành lập Quỹ An sinh xã hội Thành phố Hồ Chí Minh

Kế thừa hiệu quả hoạt động của Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn do dịch bệnh Covid- 19, Thành phố đã tổ chức ra mắt và đi vào hoạt động Quỹ An sinh xã hội thành phố4. Qua đó, kêu gọi và kết nối các mạnh thường quân để chăm lo cho người yếu thế được nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch và cụ thể. Đây được xem là một điểm mới, nổi bật và phát huy tính hiệu quả, sáng tạo gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng internet, mạng xã hội trong triển khai các chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới.

Dịp Tết Giáp Thìn 2024, Quỹ An sinh xã hội Thành phố sẽ triển khai 8 chương trình, trên 3,85 tỷ đồng: Chương trình “Lãnh đạo Thành phố vui Tết cùng Gia đình công nhân lao động”; Chương trình “Chuyến xe mùa Xuân”; Chương trình “Chăm sóc sức khỏe cho người yếu thế”; Chương trình “Trao sinh kế - Trao yêu thương” ; Chương trình “Đồng hành cùng nữ công nhân vượt cạn”; Chương trình “Ngày hội Xuân yêu thương - đồng hành cùng thanh niên”; Chương trình “Xuân yêu thương - Tết Nghĩa tình”; Chương trình “Xuân yêu thương với thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn”.

Ban vận động Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”

Mặt trận Thành phố phát động chương trình “Vì Trường Sa xanh” phấn đấu vận động 76 tỷ (giai đoạn 2023 - 2025)5 để cải tạo thổ nhưỡng, trồng rau xanh và các loại cây, đặc biệt là cây chắn sóng, tăng mật độ che phủ của cây xanh góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, không gian xanh trên các đảo, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân yên tâm sinh sống, công tác, giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Thành phố tiếp tục tổ chức 2 đoàn thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân tại huyện đảo Trường Sa, vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK16. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Thành phố quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức thành viên phát huy vai trò thông qua các hoạt động hướng về biên giới, hải đảo, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, triển lãm hình ảnh hoạt động qua các chuyến đi… góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tình yêu quê hương, đất nước; tích cực đóng góp Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Phối hợp tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.

Qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa bàn dân cư với nhiều hoạt động phong phú, thu hút được sự quan tâm và ngày càng nhiều người cùng tham gia hơn

Lần đầu tiên, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp Thành phố7, thu hút hơn 20.000 lượt người tham gia với các nội dung phong phú, đa dạng như chương trình kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tuyên dương 196 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư; tuyên dương 24 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận cấp xã, 52 Trưởng ban Công tác Mặt trận và 79 gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu; tuyên dương 40 mô hình tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng tôn giáo; trao Giải báo chí “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố - vì hạnh phúc Nhân dân”; Chương trình “Chia sẻ yêu thương”; gian hàng trò chơi dân gian; triển lãm 100 gian hàng với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp; triển lãm trang phục truyền thống đại diện các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại Thành phố; triển lãm hình ảnh các hoạt động tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư 20 năm qua; Chương trình liên hoan văn nghệ của các khu dân cư; hội thi tìm hiểu về “Nông sản thời công nghệ số”; hội thi truyền thông về bảo vệ môi trường; phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023…

Công tác giám sát, phản biện xã hội được đẩy mạnh

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021- 2030”. Trong đó. chú trọng giám sát người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy, chính quyền và tổ chức hội nghị nhân dân khi thực hiện chính quyền đô thị; tổ chức 4 hội nghị phản biện xã hội.

Phối hợp Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên”. Tổ chức hội thảo, lấy ý kiến Nhân dân đóng góp cho các dự án Luật, được Nhân dân quan tâm nhiều nhất, như: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Các buổi lấy ý kiến Nhân dân được tổ chức từ Thành phố đến các phường, xã, thị trấn; đồng thời, xây dựng chuyên mục “Lấy ý kiến góp ý người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” với hình thức trực tuyến, qua đó đã tiếp nhận 552 lượt người tham gia với nhiều ý kiến sâu sắc.

Quan tâm triển khai công tác dân tộc, tôn giáo với những giải pháp cụ thể, sáng tạo

Tổ chức “Hành trình kết nối” với gần 100 đại biểu là các vị nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu các dân tộc, chức sắc, chức việc các tôn giáo tham quan các địa điểm lịch sử; thăm và trao đổi với các cơ sở tôn giáo; thăm các địa danh văn hóa tiêu biểu ở một số tỉnh, thành phố miền Bắc và tham dự buổi gặp mặt với Chủ tịch nước tại Thủ đô Hà Nội. Qua đó, nâng cao vai trò của đại biểu trong tuyên truyền, vận động tín đồ, tín hữu, trong giới, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Thành phố.

Tổ chức ký kết giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo về Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2022 - 2026; tuyên dương 40 mô hình tiêu biểu của cộng đồng tôn giáo tại Thành phố, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vận động 113 cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong khuôn viên thờ tự. Tổ chức giám sát về công tác dân tộc và kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Hoạt động đối ngoại nhân dân tiếp tục được triển khai với hình thức và nội dung đa dạng theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phát huy vai trò người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển Thành phố

Tổ chức đón tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu Mặt trận Lào xây dựng đất nước Thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Champasak sang thăm và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh theo chương trình hợp tác giai đoạn 2022 - 2024. Tổ chức Đoàn đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đi thăm, làm việc với Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Thủ đô Bắc Kinh và ký kết bản ghi nhớ với Chính hiệp thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).

Tiếp tục phối hợp thực hiện Chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Tổ chức đón 8 gia đình của sinh viên Lào, 5 gia đình của sinh viên Campuchia sang thăm gia đình nhận đỡ đầu sinh viên Lào, Campuchia tại Việt Nam. Tổ chức Hội nghị chuyên đề “Trí thức, kiều bào góp ý, hiến kế để xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”. Hỗ trợ tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến

Mặt trận Thành phố đã tổ chức Hội nghị phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) với nhiều nội dung, công trình thiết thực và tuyên dương 53 mô hình, giải pháp tiêu biểu 3 năm liên tục. Phát hành 400 cuốn kỷ yếu các mô hình, giải pháp tiêu biểu trong công tác Mặt trận giai đoạn 2019 - 2021.

Phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết 5 lần tổ chức tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của Thành phố (từ năm 2014 đến năm 2022). Tổ chức 2 chuyến “Hành trình Về thăm quê Bác” (4 ngày, tại Hà Nội và Nghệ An) cho hơn 250 đại biểu là điển hình tiên tiến “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của Thành phố Hồ Chí Minh qua 5 lần tuyên dương.

Tích cực chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và đội ngũ cán bộ Mặt trận

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nâng chất lượng công tác Mặt trận và thích ứng với sự phát triển của xã hội của đội ngũ cán bộ Mặt trận.

Trong năm 2023, đã hoàn thành việc số hóa kho lưu trữ cơ quan, toàn bộ tài liệu kho lưu trữ từ năm 1993 đến năm 2022. Đồng thời, triển khai đăng ký và sử dụng chữ ký số cho cán bộ, công chức cơ quan. Đây là 2 bước quan trọng để cơ quan triển khai và đi vào sử dụng ứng dụng khai thác thông tin qua Hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung (NAS) hiệu quả.

Theo đó, toàn bộ dữ liệu lưu trữ của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố ngoài việc được lưu trữ trên máy chủ, thì được chuyển lên hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung, từ đó dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện trong việc quản lý, truy cập và sử dụng dữ liệu. Đồng thời, với việc đăng ký và sử dụng chữ ký số đã hỗ trợ lãnh đạo cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố kịp thời xử lý văn bản được thực hiện theo tinh thần “Văn phòng không giấy”.

Với việc đổi mới công tác tuyên truyền vận động, kịp thời khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kênh thông tin, truyền thông của Mặt trận; đổi mới hình thức trong tập hợp các giới, các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; đổi mới phương thức huy động hiệu quả các nguồn lực góp phần công tác chăm lo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị; củng cố xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ tâm huyết, chất lượng với công tác Mặt trận; đeo bám để giám sát, phản biện những quyết sách quan trọng gắn với sự phát triển của Thành phố và đời sống của Nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động được đông đảo Nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là tham gia thực hiện chủ đề năm 2023 của Thành phố, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội…

Vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội và có những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố. Trong đó, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các cá nhân tiêu biểu trong các dân tộc, trí thức, tôn giáo, doanh nhân, kiều bào đang làm ăn, sinh sống tại Thành phố đều có điều kiện phát huy khả năng, tiềm lực của tổ chức, của giới, của cộng đồng mình trong mọi hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố, từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, vượt qua nghèo khó, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng đến các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đền ơn đáp nghĩa, xã hội từ thiện, bảo vệ an ninh - quốc phòng, đối ngoại nhân dân… rất phong phú, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa to lớn.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận thấy rõ vai trò, trách nhiệm và hiện thực hóa sứ mệnh ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, tạo được sự đồng thuận xã hội; tình đoàn kết trong nội bộ Nhân dân Thành phố và đoàn kết với Nhân dân cả nước, với Nhân dân các nước bạn tiếp tục phát triển sâu hơn, rộng hơn; đoàn kết dân tộc, tôn giáo ngày càng gắn bó hơn trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chú thích:

1.  Quyết định số 2660/QĐ-UBND ngày 28/7/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

2.  Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2019 - 2024.

3.  Gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, người yếu thế…

4.   Quyết định số 5417/QĐ-UBND ngày 17/11/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

5.  Đã vận động và trao tặng 20 tỷ đồng.

6. Tổng kinh phí chăm lo gần 34 tỷ đồng.

7.  Trong dịp tổng kết 20 năm, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố các cấp đã tổ chức khen thưởng 2.851 tập thể, 4.217 cá nhân, 263 gương “Người tốt, việc tốt”; trao tặng 3.147 phần quà, thẻ bảo hiểm y tế, phương tiện đi học, xây dựng và sửa chữa nhà tình thương… với tổng số tiền hơn 4,8 tỷ đồng.

TRẦN KIM YẾN -  Phó Chủ tịch không chuyên trách,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản