Tin mới

Người tiêu dùng ngày càng tin hàng Việt

(Mặt trận) -TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, cùng với doanh nghiệp (DN), người dân triển khai và thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) trên địa bàn thành phố. Điều đó đã góp phần duy trì, ổn định thị trường, giá cả, đưa hàng Việt chất lượng, uy tín đến tận tay người tiêu dùng.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Người tiêu dùng TP HCM ngày càng chọn dùng hàng Việt nhiều hơn.

Theo bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP HCM, năm 2021 tình hình kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư nhưng TP HCM vẫn có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh cuộc vận động một cách hiệu quả.

UBND TP HCM triển khai thực hiện hiệu quả 5 nhóm giải pháp bao gồm thông tin tuyên truyền, vận động; kết nối DN với thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam; kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường.

Trong đó, UBND TP HCM đã định hướng, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM tổ chức triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN năm 2021, thực hiện hỗ trợ gần 30 nghìn khách hàng với số tiền trên 487 tỷ đồng bằng nhiều hình thức như triển khai theo chuyên đề, theo các quận, huyện đăng ký và giải ngân gói tín dụng của ngân hàng thương mại.

Điển hình tại các địa phương như quận 4 đã hỗ trợ vay vốn cho 915 DN với kinh phí gần 17 nghìn tỷ đồng; quận 6 kết nối hỗ trợ vay vốn cho 22 DN với kinh phí 19,3 tỷ đồng; quận Bình Tân hỗ trợ vay vốn 12 DN với kinh phí 232,2 tỷ đồng; quận Bình Thạnh kết nối vay vốn cho 1.305 DN với kinh phí gần 18 nghìn tỷ đồng…

Năm qua, có 80 DN tham gia Cuộc vận động với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao, nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, gắn với thực hiện Cuộc vận động.

Các DN tham gia nhiều Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị; bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2021 - 2022; bình ổn thị trường các mặt hàng sữa; bình ổn thị trường mặt hàng dược phẩm.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện, trao đổi thông tin, xác định tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, vùng miền, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh... qua đó góp phần nâng cao hiệu quả mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, cũng như thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương.

Trong khi đó, Sở Công thương tổ chức Hội chợ khuyến mại năm 2021 với chủ đề “Thỏa sức mua - Đua sức sắm”, tạo cơ hội cho các DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, phát triển thị trường tiêu thụ, góp phần hưởng ứng hiệu quả Cuộc vận động. Đồng thời giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, kết nối giao thương với các tỉnh, thành hỗ trợ các DN tăng cường tiêu thụ nội địa.

Chương trình có sự tham gia của 230 DN trưng bày tại 400 gian hàng, giới thiệu đặc sản vùng miền của các địa phương Lào Cai, Đắk Nông, Nghệ An, Bình Phước, Bình Định, Phú Yên, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh... với 40 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm.

Sở Công thương TP HCM cũng tổ chức Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021 lần đầu tiên được tổ chức bằng cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến với mục đích vừa duy trì kết nối cung, cầu hiệu quả; tổ chức Chương trình tháng khuyến mại “Shopping Season 2021” với nhiều hình thức khuyến mại đa dạng, phong phú như giảm giá, tặng quà, phát hàng mẫu, sử dụng miễn phí, rút thăm trúng thưởng.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng xây dựng Kế hoạch cung ứng nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu với giá bình ổn thị trường cho DN, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao để công nhân, người lao động khôi phục sản xuất an toàn, dễ dàng tiếp cận, tiêu dùng các sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm…

Theo bà Tô Thị Bích Châu, nhờ những hình thức hoạt động phù hợp trên mà người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng.

Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động đánh giá, Cuộc vận động trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trên địa bàn.

Từ đó, góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam với chủng loại đa dạng, chất lượng nâng cao, giá cả hợp lý, chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố.

“Đặc biệt, Cuộc vận động, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các địa phương có quan hệ hợp tác thương mại với thành phố và từng bước mở rộng xuất khẩu” - ông Hải nhấn mạnh.

QUỐC ĐỊNH

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản