Một con cá bơi lờ đờ trong nước mà dân xì xụp khấn vái, cho là “cá thần”, rồi hàng vạn người chen chúc đến các đền chùa xin “lộc”, giẫm đạp lên nhau để cướp ấn mong được thăng quan… cho thấy dân nhiều người còn cuồng tín, mê muội.
Cá chép ở Nghệ An được đồn thổi là "cá thần". Ảnh: TT
Chuyện bi hài làm dư luận xôn xao vừa xảy ra ở xã Hiến Sơn (Đô Lương, Nghệ An): Cá chép bị chích điện, nổi lờ đờ trên kênh được đồn thổi là cá “thần” nên có hàng trăm người kéo nhau đến xem, lại còn bày hương hoa, đồ lễ khấn vái. Đến khi cá bị bắt về, người ta vẫn chen nhau cố sờ vào để… lấy may.
Trước đó, vào năm 2012, hàng vạn người kéo đến thôn Tân Quang, xã Tùng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) để xem một con rắn được tôn là "xà linh". Người ta đua nhau thắp hương, dâng lễ vật và công đức bằng tiền để xây miếu cho “ngài”. Nhưng thực chất, theo GS. Lê Nguyên Ngật - nguyên Giảng viên khoa Sinh, ĐH Sư phạm Hà Nội, đó chỉ là một con rắn nước bình thường.
Những chuyện cười ra nước mắt như trên, có thể kể cả ngày không hết.
Chuyện nhãn tiền, cũng là hàng vạn, hàng triệu người nhân dịp đầu xuân, chen chúc đến nghẹt thở tại các di tích mà họ cho là “thiêng” để dâng lễ, nhét tiền, cầu khấn, xin được phù hộ, thăng quan tiến chức, trúng dự án, trúng lô đề, bán đắt buôn may, được số xe đẹp, yên bề gia thất…
Có những pho tượng, bị người dân chà xát tiền để lấy may đến mức bóng loáng, mòn nhẵn đi. Thậm chí người ta còn nhúng tiền vào máu lợn bị chém trước đền để... lấy may.
Người dân còn chìm đắm trong mê muội, cuồng say như vậy, làm sao đất nước có thể hóa rồng, hóa hổ?
Hàng triệu ngày công làm việc, đã bị lãng phí vì những chuyến “du lịch tâm linh” không có hồi kết thúc. Rồi chi phí tàu xe, ăn uống, đồ lễ, vàng mã… cũng không biết bao nhiêu mà kể.
Dân đua nhau quẹt tiền vào máu lợn cầu may mắn. (Ảnh: Internet)
Nguồn của cải vật chất để xây những công trình, hạng mục tâm linh đua nhau lập kỷ lục về độ “khủng”, là vô cùng lớn. Nhiều công trình ngốn một khối lượng gỗ khổng lồ, gián tiếp tiếp tay cho hành vi hủy hoại rừng.
Nguy hại hơn, tệ nạn mê tín dị đoan làm cho con người suy nghĩ lầm lạc, tiêu cực, tư duy khoa học, tiến bộ bị kìm hãm, làm đất nước quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu.
Buồn thay, trong khi nhân loại đang bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, thì một bộ phận người dân chúng ta đang mải mê hương khói, cầu cúng.
Để đất nước phát triển văn minh, hòa nhập quốc tế thì người dân phải sống văn minh, suy nghĩ văn minh, ứng xử văn minh. Nếu không gột rửa được bóng đen của nếp nghĩ mê tín trong mỗi người, thì đất nước sẽ tụt hậu, cuộc sống người dân càng khó khăn, và cái vòng luẩn quẩn “đói nghèo-lạc hậu-mê tín dị đoan” sẽ lặp đi lặp lại, không bao giờ dứt.
|
Theo Quang Đại/Báo Lao động